Ngẫm ngợi nơi gác nhỏ: Tôi trở lại núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những cây mỡ trên đình Phja Oắc của tỉnh Cao Bằng bốn mùa ấp trong cái lạnh xấp xỉ 20 độ và tấm chăn sương mù khổng lồ, bốn mùa phần phật phơi mình trước những cơn gió rừng bất tận...
Toàn cảnh vùng núi Phia Oắc chìm trong băng tuyết nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh vùng núi Phia Oắc chìm trong băng tuyết nhìn từ trên cao.

1 - Những cây mỡ trên đình Phja Oắc của xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng bốn mùa ấp trong cái lạnh xấp xỉ 20 độ và tấm chăn sương mù khổng lồ, bốn mùa phần phật phơi mình trước những cơn gió rừng bất tận. Tôi chạm tay vào một thân cây, toàn cây nhớt nhát đẫm bụi sương như ban mai, thân cây bám đầy rêu tảo sũng nước, gió quất vun vút qua hàng cây. Từng từng cụm mây theo hướng gió tạt qua mặt mát lạnh đến tê người. Trên cao, cột tiếp sóng viễn thông cao 70 mét, đỉnh cột mất hút trong mây...

Chuyến đi 5 ngày vượt trên ngàn cây số trên miền đất gắn bó với cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, lại cho tôi thêm những cảm xúc mới, những khám phá mới mà  đời làm công tác của tôi chưa có lần nào lần mò đi sâu vào những ngõ ngách núi rừng vùng biên viễn hoang sơ kĩ càng như thế để có thể thấy được.

Phja Oắc chỉ là một điểm dừng chân trong chuyến đi. Lần trước đi ngược từ Bạch Thông lên đèo Côlia đến Bản Chang lên Nguyên Bình thế mà đã 48 năm. Lần này tôi đi từ Mèo Vạc, qua Bảo Lâm, Bảo Lạc, qua bên thềm khu mỏ Tĩnh Túc ở Nguyên Bình. Mỏ thiếc Tĩnh Túc một thời là lá cờ đầu công nghiệp khai khoáng của nước ta nay đã nghỉ hưu vì hết quặng. Đường đi lần này ngược lại con đường đi 48 năm trước để quay về Bắc Kạn và Thái Nguyên, mọi cái không còn như những năm xưa…

2 - Buổi ngồi sau xe ôm của một chàng trai Mèo Vàng Mí Chớ từ mép đèo Mã Pì Lèng theo con đèo mới mở xuống bến du thuyền để khám phá hẻm Tu Sản và dòng Nho Quế lại trở thành lần mới nhất thử cảm giác mạnh chênh vênh từ nhiều năm nay. Nếu dốc chín khoanh từ Quản Bạ lên Đồng Văn cho ai lần đầu lên Hà Giang rợn người thì con đèo dài 8 km mới mở, loại đường dân sinh này nó ghê gớm hơn vài chục lần.

Dịch vụ xe ôm cho du lịch năm nay bỗng nhiên bùng phát tại cao nguyên đá. Năm trước đến Bắc Hà gặp các đội xe ôm vài ba chục người, thì năm nay lên Mèo Vạc thấy một chợ xe ôm ba trăm người trên lưng đèo. Con đường 8 km đèo này tấp nập từng toán xe ôm xuôi ngược như ngày chợ phiên chạy như con thoi phục vụ du khách. Những cua tay áo gấp khúc vài ba chục độ nối nhau như mớ chỉ rối liên tiếp, vì từ bờ vực xuống lòng sông Nho Quế độ chênh có đến 400 mét nên mở đường xuống phải lựa sườn núi mà vạch đường đi…

Trước đây, 200 ngàn cho một chuyến đi về, giờ cạnh tranh việc nên đã giảm xuống 150 ngàn. Tôi ngồi sau xe Chớ mà cứng người trong cảm giác bất chợt có thể xe lăn xuống vực. Khi trở về an toàn, tôi rút túi bo cho Chớ thêm năm chục ngàn. Chớ cầm  rất nhanh đút vào túi như có ý tránh con mắt của các đồng nghiệp phát hiện. Chớ vui, muốn cảm ơn nhưng rồi lảng rất nhanh ra chỗ khác để tìm chuyến khách mới. Mỗi lần vịn vai chỉnh chỗ ngồi trên xe thấy vai Chớ sắc cạnh như sống trâu, anh quá gầy guộc, người như sắt lại khi ngày ngày điều khiển xe lên xuống đèo không biết bao lần.

Một rừng cây gạo còn bánh tẻ bên mạn bờ bên kia sông Nho Quế đập vào mắt tôi. Bên bờ đường, những bông gạo ngược sáng lóng lánh màu vàng cam trong vắt đến xao xuyến. Không thể đếm xuể những cây gạo bên vách núi, trông xa những thân gạo trắng như những cây tăm xếp hàng cắm tiêu, còn màu rực rỡ của hoa dán vào triền núi, in lên trời xanh cao vời vợi, cho cảm giác ấm áp đoàn viên xao xuyến lòng người. Bờ Nho Quế sẽ nhạt nhẽo bao nhiêu nếu thiếu sắc đỏ của hoa gạo mùa này. 

3 - Vượt qua bờ đập thủy điện 1 trên sông Nho Quế, chiếc xe 4 chỗ nhọc nhằn rú ga bám theo triền dốc dựng dần lên như dây diều để vượt gần ba chục cây số đèo không tên lên đồn biên phòng Xín Cái thuộc huyên Mèo Vạc. Tai bắt đầu ù vì thay đổi độ cao. Đường xấu, xe đi chui trong mây, những hạt sương li ti phả hơi mát lạnh. Lại nhớ lần lên Hà Giang vượt đèo Pác Sum, một người bạn núi bảo mở cửa xe ra để ăn gió tươi thì lần này cảm giác ấy còn mạnh hơn vài lần vì mây phủ kín đường đi, hơi thở nuốt mây vào trong phổi mát rượi.

Đồn biên phòng Xín Cái cũng chìm trong biển mây. Chỉ còn trực ban và phó chỉ huy đồn. Trên hai chục cây số đường biên với sáu bảy chục chiến sĩ đi chốt chặn rải ra thưa như vải màn. Vậy mà được biết chỉ riêng khu vực này có tháng gom chừng 8 ngàn người vượt biên trái phép đưa về khu cách ly. Là dân ta cả, họ đi lao động làm thuê bên kia, trở về vì dịch covid. Số người còn nhiều hơn dân Xín Cái. Thương người lính dãi dầu, cũng thương dân mình còn quá nghèo, đi làm thuê kiếm sống xa quê bị bước lận đận.

Tại sân đồn, có chôn cột mốc phân định biên giớ Pháp - Thanh. Tôi biết chút ít chữ nho, nhưng đọc được: một bên: Đại Pháp quốc- bên kia Đại Trung Hoa dân quốc-Vân Nam. Phía trên ghi cột mốc số 22- China- Annam. Có một taplo thuyết minh lịch sử “…Cột mốc số 22 là cột mốc cũ đoạn biên giới Việt - Trung được cắm tại thôn Lùng, Vần Chải, xã Xín Cái thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang từ thời Pháp Thanh được thay thế bằng cột mốc 476 (cột mốc mới). Cột mốc số 22 được đưa về đồn biên phòng Xín Cái vào năm 2001”

Đứng bên cột mốc mà bâng  khuâng về cuộc đời bể dâu của đất nước mình.

Hỏi thăm mới biết  nhiều chiến sĩ ở đồn đều lứa tuổi sinh sau cuộc xâm lược của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới phía Bắc. Thế mà đã 42 năm, hai thế hệ rồi…

4 - Buổi cuối cùng chuyến đi qua Nguyên Bình, như đã kể ở phần đầu, về đường Côlia thăm Phja Oắc, lên đặt lễ ở  đền thờ thánh mẫu Phja Oắc mà người bản địa gọi là đền thờ mẹ núi Phja Oắc. Ngôi đến nhỏ cũ kĩ trên chục mét vuông nằm giữa các hàng cây rừng ướt đẫm sương mai, trong đền có hai ba người lúi húi thắp hương. Trong đó tôi biết có người qua đường. Được biết ngôi đền cũng trên trăm tuổi, xây ngay trên sống núi ven đường mộc mạc giản dị đầy lòng thành kính, không chút màu mè thương mại hóa như nhiều đền miếu dưới xuôi.

Từ chân cột đài phát sóng viễn thông, nhìn xuống lòng thung, trong sương mơ vẫn thấy nhiều vách tường gạch đổ nát nhưng cứng cỏi, phủ đầy rêu phong. Thì ra chỗ này người Pháp đã chọn xây làm nơi nghỉ dưỡng, vì khí hậu nơi này mát như Sa Pa Đà Lạt. Nó nằm giữa rừng nguyên sinh Phjia Oắc. Nay thành di tích hoang phế.

Bỗng nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Nông Quốc Chấn: “Trên Phia Dạ mây mù buông xuống/ Dưới đất kia sắt thép bạc vàng/ Đi thuyền Ba Bể dọc ngang/Xem người đánh cá, thăm nàng hái ngô.”

Cuộc sống hôm nay không được thơ mộng như thế nhưng núi non, con người vẫn còn đây, tất cả đang phía trước…

Đọc thêm