|
Trẻ em như búp trên cành. Ảnh: Xuân Thu |
Sinh thời Bác Hồ từng nói: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình". Thế nhưng, hiện nay có những "hạt nhân" không phát triển được bởi sự tồn tại của nạn bạo lực gia đình. Theo Uỷ ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội thì vấn đề bạo lực gia đình hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều, ở mọi lúc, mọi nơi với nhiều loại đối tượng. Nó thể hiện ở nhiều dạng khác nhau như bạo lực về thể chất (bị đánh đập), bạo lực về tinh thần, vợ bị chồng đánh đập, mắng chửi, bị chồng bỏ mặc trong cuộc sống gia đình, bị ép buộc quan hệ tình dục, buộc phải sinh con trong khi sức khoẻ của người phụ nữ không bảo đảm, thậm chí bị buộc phải phá thai... Hậu quả của bạo lực gia đình gây thương tích thân thể, tổn thương tinh thần, vợ chồng ly hôn, ly thân, con cái không được chăm sóc, kinh tế bị phá hoại. Nghiêm trọng hơn là nó xâm phạm đến quyền con người, tính mạng của mỗi cá nhân, danh dự, nhân phẩm đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực gia đình, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia và các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, nghiện hút, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế gặp khó khăn... Đối tượng trực tiếp gây nên bạo lực gia đình phần lớn là các đức "ông chồng" có người lại do cả bên nhà chồng tham gia "hành hạ". Một phụ nữ tâm sự trong nước mắt: "Tôi lấy chồng gần 3 năm mà chưa có con, gia đình chồng lời ra tiếng vào... rất khổ tâm". Một chị khác nói: "Mỗi lần cãi nhau, dù đang bữa ăn cơm, chồng tôi cầm cả bát cơm ném vào tôi"...
Những hành vi đó, bộc lộ lối sống thiếu trách nhiệm, thiếu văn minh, phản ánh sự xói mòn của đạo đức một thành viên trong gia đình. Về nguyên nhân là sự tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng kéo dài qua nhiều thế hệ. Còn một nguyên nhân nữa là do công tác quản lý xã hội hiệu quả thấp. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội chưa thật sự quan tâm đúng mức. Ở nhiều khu dân cư hiện nay vẫn còn không ít gia đình sống theo kiểu "đèn nhà ai, nhà nấy rạng", vì thế mọi hành vi bạo lực thường diễn ra đằng sau những cánh cửa khép kín. Vẫn còn tư tưởng bảo thủ, tự ti hay xấu hổ của người phụ nữ do họ nghĩ "xấu chàng hổ ai". Hoặc vì con cái mà không muốn "vạch áo cho người xem lưng" nên thường chịu đựng cho qua, không dám báo cáo để chính quyền can thiệp giải quyết...
Để khắc phục nạn bạo lực gia đình, đòi hỏi biện pháp phải đồng bộ, thiết thực, hiệu quả. Trong thực tế cho thấy, việc hoà giải được đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất. Cần quan tâm xây dựng "văn hoá gia đình", hay "làng văn hoá" trong đó đưa các tiêu chí không có bạo lực gia đình, không có tệ nạn rượu chè, cờ bạc, ma tuý... để bình xét công nhận danh hiệu "gia đình văn hoá". Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung vào Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em. Cần phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, của dòng họ, làng xóm trong việc hoà giải duy trì sự ổn định, đoàn kết trong đời sống gia đình. Để bạo lực gia đình sớm chấm dứt phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh, với nhiều giải pháp khả thi cùng những chế tài xử lý nghiêm khắc, kịp thời đủ sức răn đe. Kết hợp với nhà trường và xã hội, gia đình là môi trường quan trọng trong việc quản lý, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội hiệu quả./.
Phạm Như Hùng