Ngân hàng Chính sách xã hội giữ mức nợ quá hạn dưới 0,5%

(PLO) - Tính đến 30/4/2017, tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ. 52 chi nhánh luôn duy trì nợ quá hạn dưới 0,5 % tổng dư nợ. 3.736 xã (chiếm 33% tổng số xã trên toàn quốc) hoàn toàn không có nợ quá hạn tại NHCSXH.
NHCSXH đảm bảo nguồn vốn cho bà con với chất lượng tín dụng cao
NHCSXH đảm bảo nguồn vốn cho bà con với chất lượng tín dụng cao

Sự phối hợp tốt của NHCSXH với các cấp ủy, chính quyền, ban ngành liên quan và các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn cùng những nỗ lực của cán bộ trên toàn hệ thống đã giúp NHCSXH luôn giữ được tỷ lệ nợ quá hạn thấp trong những năm qua. Tính đến 30/4/2017, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ.

Trong số 63 chi nhánh tỉnh, 629 phòng giao dịch huyện của NHCSXH, có 7 chi nhánh đạt được tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%, 52 chi nhánh ở mức nợ quá hạn dưới 0,5 % tổng dư nợ. Đặc biệt, có 17 huyện và 3736 xã (chiếm 33% tổng số xã trên toàn quốc) hoàn toàn không có nợ quá hạn tại NHCSXH, điển hình như huyện Gia Lâm (Hà Nội) và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Ông Đặng Văn Lâm - Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm (Hà Nội), chia sẻ “cho vay ưu đãi thành công là nhờ đặt yếu tố gần gũi người dân, bám sát cơ sở lên hàng đầu. Chúng tôi phải thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa hoạt động của tổ đi vào nền nếp, rà soát để cho vay vốn đúng đối tượng. Hộ vay phải có phương án sản xuất kinh doanh khả quan. Cho vay giải quyết việc làm thì phải có nhân lực thực sự tốt”

 Bên cạnh đó, ngoài việc làm tốt việc thu nợ gốc khi đến hạn cuối cùng, NHCSXH còn phải thường xuyên phân tích, đánh giá thực trạng và khả năng thu hồi các khoản đã cho vay để có giải pháp thu hồi và xử lý cho phù hợp. Đôn đốc việc thu hồi nợ gốc theo phân kỳ (kỳ con) để tạo thói quen cho hộ vay có ý thức trả dần, giảm áp lực trả nợ khi đến hạn. Số vốn thu được sẽ sử dụng cho vay quay vòng ngay trong xã đó (trừ trường hợp không có nhu cầu vay), hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh.

Thành công của NHCSXH Gia Lâm còn nhờ thường xuyên phối hợp với các ban ngành liên quan của huyện như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có sự kết hợp, lồng ghép giữa hoạt động cho vay vốn với các chương trình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ được vay vốn. 

Bên cạnh đó, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn - cánh tay nối dài của NHCSXH cũng là hình thức giúp gắn kết tính cộng đồng ở các tổ, các thôn, vừa là nơi các hộ cùng nhau tìm hiểu về các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp, vừa là nơi giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng vốn vay, tạo thành một phong trào rộng rãi trong toàn huyện, giúp các hộ dân hăng hái tham gia sản xuất kinh doanh, đảm bảo trả nợ, trả lãi cho ngân hàng đúng hạn và đầy đủ. 

Còn tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), NHCSXH huyện đã tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư đúng nhu cầu để tránh lãng phí nguồn vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và đặc biệt là các hội đoàn thể thường xuyên xuống khảo sát ở cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn. Việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các tổ chức hội, đoàn thể của NHCSXH không chỉ giúp thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

NHCSXH hiện đang nỗ lực để ngày càng có nhiều địa phương ít nợ quá hạn hơn. Củng cố chất lượng tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đi sâu sát cùng với công việc sản xuất kinh doanh của người dân vay vốn là những nhiệm vụ NHCSXH luôn đặt lên đầu song song với công tác đảm bảo đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Gia hạn nợ cho khách hàng vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn

Tổng Giám đốc NHCSXH vừa chỉ đạo Giám đốc NHCSXH các tỉnh, thành phố về việc tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn chăn nuôi lợn: yêu cầu Giám đốc chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố gia hạn nợ theo cơ chế gia hạn nợ thông thường đối với khách hàng sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y gặp khó khăn khi chưa trả được nợ mà đến hạn và có nhu cầu đề nghị gia hạn nợ.

Căn cứ vào nguồn vốn, điều kiện của từng địa phương và cơ chế cho vay hiện hành, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục xem xét cho vay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Đọc thêm