Ngân hàng đã “mở van”

Sau nhiều tháng “đóng cửa” cho vay thì đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng (NH) trên địa bàn thành phố đã “mở van” cho vay trở lại. Tuy nhiên, lãi suất (LS) cho vay được các NH áp dụng khá cao, đặc biệt đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Sau nhiều tháng “đóng cửa” cho vay thì đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng (NH) trên địa bàn thành phố đã “mở van” cho vay trở lại. Tuy nhiên, lãi suất (LS) cho vay được các NH áp dụng khá cao, đặc biệt đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Đầu năm, nhiều khách hàng tìm đến NH để vay vốn làm ăn.

Đầu năm, nhiều khách hàng tìm đến NH để vay vốn làm ăn. 

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Thông tư số 07, cho phép ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng thỏa thuận LS cho vay tiền đồng đối với khoản vay trung và dài hạn, thì các NHTM đã đồng loạt cho vay trở lại với LS được áp dụng khá cao đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn. Khi NH thông báo cho vay vốn trở lại, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tìm đến NH để làm thủ tục vay vốn đầu tư kinh doanh theo kế hoạch của năm 2010. Thế nhưng khi làm thủ tục vay vốn, DN mới tóa hỏa vì LS cho vay được các NH đưa ra khá cao so với thời điểm trước.

Anh Lê Viết Tới, Giám đốc một công ty TNHH trên đường Trần Cao Vân băn khoăn: Thấy NH thông báo cho vay vốn, DN chúng tôi đã tiến hành làm thủ tục vay khoảng 500 triệu đồng, nhưng thấy LS cũng như phí vay vốn mà DN phải trả lên tới gần 19%/năm, đã buộc công ty phải hoãn lại kế hoạch xây dựng nhà xưởng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có khách hàng vay vốn đối với kỳ hạn trung và dài hạn được NH đưa ra mức LS cao, mà ngay cả khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng cũng được các NH áp dụng LS lên tới gần 18%/năm. 

Lý giải về vấn đề này, hầu hết các NHTM đều cho rằng: Do việc huy động vốn của ngành NH gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua; hơn nữa chi phí huy động cao nên NH hạn chế cho vay vì không hiệu quả, trong khi đó nhu cầu vốn cung cấp cho phát triển sản xuất kinh doanh của các DN lớn, đặc biệt vào những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010.

Vì vậy, việc NHNN cho phép các NH được thỏa thuận LS cho vay tiền đồng đối với khoản vay trung, dài hạn sẽ góp phần minh bạch hơn chi phí vay vốn của DN, cũng như hoạt động sử dụng vốn của NH hiệu quả hơn, phù hợp với cung cầu thị trường hơn. Đại diện Chi nhánh NHTMCP Phương Nam tại Đà Nẵng cho rằng: Nếu lúc trước, LS của các NHTM bị khống chế bởi mức LS cơ bản và LS trần của NHNN, nên việc NHNN cho phép các NHTM thỏa thuận về LS đối với các khoản vay trung và dài hạn sẽ là biện pháp nhằm kiểm soát mức lạm phát trên thị trường, tránh lặp lại hiện tượng lạm phát như giữa năm 2008.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, việc huy động vốn của các NH (đặc biệt là các NH có quy mô nhỏ) vẫn còn gặp không ít khó khăn do LS cho vay vẫn chưa thể đủ bù đắp chi phí huy động, nên buộc các NH phải đàm phán với khách hàng thu thêm phí hoặc hạn chế tín dụng. Hiện nhiều NH chỉ tập trung vào việc huy động đủ nguồn vốn trung, dài hạn để thực hiện cho vay trung, dài hạn theo LS thỏa thuận để bảo đảm tín dụng.

Bên cạnh đó, các NH còn tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động thương hiệu, cung cấp các gói sản phẩm hiện đại cho khách hàng… để thu hút khách hàng gửi tiền. Ngoài ra, nhiều NH còn xem xét kỹ chính sách LS tín dụng trong sự cạnh tranh với NH đối thủ để bảo đảm vừa có hiệu quả mà vẫn giữ chân được khách hàng tốt.  Cũng theo giải thích của các NH, việc cho vay theo LS thỏa thuận sẽ góp phần điều chỉnh tăng thêm một phần thu nhập cho NH. Vì vậy, nếu DN có phương án sản xuất kinh doanh tốt, khả thi thì phía NH sẵn sàng giải ngân với LS hợp lý.

Cũng theo tính toán của không ít DN, nếu LS cho vay tiếp tục được các NH đẩy lên cao, thì thay vì đi vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, các DN sẽ chọn giải pháp cầm tiền đi gửi tiết kiệm vào NH để lấy lời và bảo đảm được nguồn vốn. Còn về phía NH lại khẳng định, hiện nguồn vốn huy động của các NH vẫn chưa sáng sủa  nên dù LS cho vay có lên đến 18% hay 19%/năm thì các NH cũng phải cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng hồ sơ vay vốn của khách hàng để tránh rủi ro.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

Đọc thêm