Ngân hàng được tòa…“hậu thuẫn”, hợp đồng chưa có hiệu lực pháp luật vẫn được tòa… chấp nhận

(PLO) - Như Báo PLVN đã phản ảnh, do có quan hệ họ hàng với ông Võ Ngọc Hiệp - chủ Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh (XN Cam Ranh), vợ chồng ông Võ Ngọc Thạch và bà Phan Phạm Thị Lệ Hà (địa  chỉ phố Thuận Phát, phường Cam Thuận, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã dùng tài sản là nhà đất để ký kết Hợp đồng bảo lãnh giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/HĐBL/THACH ngày 1/6/2006 để bảo đảm cho các khoản vay của XN Cam Ranh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Cam Ranh (Vietcombank Cam Ranh). Tuy nhiên, quyền lợi của vợ chồng ông bà là người có quyền lợi, nghĩa vụ  liên quan đến vụ án kinh doanh thương mại mà XN Cam Ranh là bị đơn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một trong những tài sản vợ chồng ông Thạch bảo đảm cho khoản vay của XN Cam Ranh.
Một trong những tài sản vợ chồng ông Thạch bảo đảm cho khoản vay của XN Cam Ranh.

Cùng một cấp tòa… hai HĐXX lại có quan điểm khác nhau?!

Được biết, XN Cam Ranh do ông Võ Ngọc Hiệp làm đại diện theo pháp luật đã ký kết các hợp đồng với Vietcombank Cam Ranh và Agribank Khánh Hòa từ giữa năm 2004. Theo đó, ngày 31/8/2005, XN Cam Ranh, Vietcombank Cam Ranh và Agribank Khánh Hòa có buổi làm việc thống nhất về tài sản đảm bảo, mức dư nợ vay, khung lãi suất chung, đối tượng khách hàng. Ngày 25/5/2006, hai ngân hàng này có hợp đồng thỏa thuận trên tinh thần và cụ thể hóa thỏa thuận ba bên, Agribank Khánh Hòa và Vietcombank Cam Ranh đã cấp tín dụng cho XN Cam Ranh.

Tuy nhiên, sau đó cho rằng XN Cam Ranh không thanh toán nợ gốc và lãi đúng theo thời hạn cam kết tại các hợp đồng tín dụng, trong đó có hợp đồng bảo lãnh của vợ chồng ông Thạch, bà Hà (gồm: Nhà và đất tại Quốc lộ 1, phường Cam Phú, TP Cam Ranh theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 320/99 do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 11/11/1999; nhà và đất tại số A1 Chợ Mới Ba Ngòi, TP Cam Ranh theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà phố thuộc công trình chợ Ba Ngòi số 74/CN-CBN, Giấy mua bán nhà ngày 10/10/1997, Tờ khai hợp thực hóa đăng ký quyền sở hữu nhà được UBND Thị trấn Ba Ngòi xác nhận ngày 18/8/1995; đất tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 274QSDĐ/X.CHĐ-TXCR do UBND Thị xã Cam Ranh cấp ngày 12/3/2001 và đất tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00449QSDĐ/X.CHĐ-TXCR do UBND TP Cam Ranh cấp ngày 17/2/1998) nên, Vietcombank đã khởi kiện XN Cam Ranh ra TAND tỉnh Khánh Hòa.

Tại Bản án số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009, TAND tỉnh Khánh Hòa đã không xem xét yêu cầu của nguyên đơn là Vietcombank về việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ để đảm bảo cho các khoản vay của XN Cam Ranh tại Vietcombank và Agribank trong đó có các hợp đồng bảo lãnh của vợ chồng ông Thạch, bà Hà.

Bởi theo thỏa thuận thì hợp đồng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch (được quy định tại Điều 2 Nghị định 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 về đăng ký giao dịch bảo đảm, Điều 11 Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002).

Theo đó, ngoài Hợp đồng số 01/HĐTC/ĐS/SRS do XN Cam Ranh thế chấp động sản là máy móc, thiết bị tại Nhà máy đông lạnh Cam Thịnh Đông và phân xưởng ở 60 Nguyễn Thái Học là có hiệu lực, có thể xử lý, các hợp đồng thế chấp còn lại chưa có hiệu lực nên không thể xử lý theo yêu cầu của nguyên đơn (tức Vietcombank-PV).

Vậy nhưng, Bản án kinh doanh thương mại số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của TAND tỉnh Khánh Hòa lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Agribank đối với những hợp đồng chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm như nhận định tại Bản án số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của TAND tỉnh này trước đó. Do đó, ngay lập tức ông Hiệp và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án.

“Hé lộ” chuyện ngân hàng được tòa… hậu thuẫn

Lý do mà vợ chồng ông Thạch, bà Hà kháng cáo chính là hợp đồng bảo đảm của ông bà cho XN Cam Ranh chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm; đồng thời, năm 2010, XN Cam Ranh đã chuyển đổi thành Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (công ty hai thành viên) đã dùng tài sản này ký lại hợp đồng với ngân hàng, nhưng vợ chồng ông bà không được biết. Vì vậy, ông bà không chấp nhận việc tiếp tục dùng tài sản này để bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh.

Ngày 24/8/2011, TAND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định (số 20/2011/QĐXX-ST) đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, sau đó giữa XN Cam Ranh và Agribank Khánh Hòa đã có thỏa thuận về việc trả nợ và xử lý tài sản, cũng như về việc lập phương án kinh doanh và cơ cấu lại thời gian trả nợ nên ngày 15/1/2013, Agribank Khánh Hòa đã rút đơn khởi kiện. Ngày 17/1/2013, TAND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại số 01/2013/QĐST-KDTM. 

Nhưng ngày 28/1/2013, ông Võ Ngọc Hiệp – Tổng Giám đốc XN Cam Ranh kháng cáo cho rằng tài sản bảo đảm của ông Thạch, bà Hà và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được giải quyết bằng Bản án số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 đã có hiệu lực pháp luật và Xí nghiệp đã có thỏa thuận trả nợ. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử trả lại các tài sản cho những người có nghĩa vụ liên quan. Ngày 08/5/2013, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định giải quyết việc kháng cáo số 20/2013/QĐ-PT, không chấp nhận kháng cáo của ông Hiệp.

Điều đáng nói là trong hồ sơ bạn đọc cung cấp đã “hé lộ” chuyện Agribank đã được TAND tỉnh Khánh Hòa “hậu thuẫn” vì ngày 5/9/2011, Agribank Việt Nam có văn bản đề nghị tạm đình chỉ xét xử vụ án theo Quyết định số 20/2011 ngày 24/8/2011, thì ngay lập tức cùng ngày (5/9/2011) TAND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định (số 06/QĐST-KDTM) tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại.

Ngày 19/9/2011, Phó Giám đốc Agribank Khánh Hòa có văn bản “V/v: Tham gia tố tụng theo ủy quyền” gửi Giám đốc Agribank Khánh Hòa có nội dung “…theo hồ sơ do PHCNS cung cấp để bổ sung Đơn khởi kiện gửi cho TAND tỉnh Khánh Hòa, một số thay đổi này vẫn chưa được thể hiện trên Giấy đăng ký kinh doanh của NHNo&PTNT Việt Nam, do đó trong vụ kiện XNTD CBTS Cam Ranh, TAND tỉnh Khánh Hòa chưa thể đưa ra xét xử vì nếu bị đơn nắm được những nội dung này, phản đối tại Tòa thì chúng ta sẽ bị “thua” ngay từ đầu, mất uy tín. Vì vậy, hiện Tòa án đang giúp chúng ta bằng cách tạm đình chỉ xét xử với lý do “chúng ta bận công tác”, đồng thời đề nghị chúng ta sớm bổ sung hồ sơ để đưa ra xét xử…”.

Và ngày 20/9/2011, TAND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định số 48/2011/QĐST-KDTM về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ yêu cầu Agribank Khánh Hòa cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh người đại diện theo pháp luật và giấy ủy quyền của đại diện theo pháp luật của Agribank Việt Nam ủy quyền cho chi nhánh. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, đề nghị Agribank Việt Nam phải cung cấp cho TAND tỉnh Khánh Hòa các tài liệu chứng cứ trên để làm cơ sở giải quyết vụ án. Nếu quá thời hạn mà Ngân hàng không cung cấp thì Tòa án sẽ giải quyết theo luật định.

Được biết, sau khi thỏa thuận, phía XN Cam Ranh đã trả nợ đầy đủ, không vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Dù vậy, đến ngày 20/3/2015, Agribank Khánh Hòa tiếp tục khởi kiện lần 2. Phải chăng do có sự “hậu thuẫn”, nên khi xét xử bằng Bản án số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hợp đồng bảo lãnh của vợ chồng ông Thạch, bà Hà cho XN Cam Ranh có hiệu lực. Do đó, XN Cam Ranh có nguy cơ phải trả “oan” hàng chục tỷ đồng…  Lập tức vợ chồng ông Thạch kháng cáo với hy vọng vụ án sẽ được cấp phúc thẩm xem xét thỏa đáng.  Nhưng gần 2 năm sau vụ án mới được đưa ra xét xử. Bản án số 11/2018/KDTM-PT ngày 25/5/2018 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã khiến ông Hiệp và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như thể “chết đứng” vì việc áp dụng không đúng pháp luật, xét xử không khách quan của HĐXX.

Được biết, vợ chồng ông Thạch, bà Hà đã có đơn gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 11 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Hy vọng, những “khuất tất” của vụ án sẽ sớm được Chánh án TAND Tối cao xem xét./.

Đọc thêm