Ngân hàng kỳ vọng tăng tốc trong quý 4

(PLO) - Kết quả kinh doanh tiếp tục được cải thiện trong Quý III/2017, nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng tốc trong Quý cuối năm.
Nhiều ngân hàng kỳ vọng vào sự bứt phá trong quý 4/2017
Nhiều ngân hàng kỳ vọng vào sự bứt phá trong quý 4/2017

Kỳ vọng lợi nhuận tăng nhẹ

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa được Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) công bố, đa số TCTD đánh giá môi trường và kết quả kinh doanh của đơn vị mình tiếp tục cải thiện trong Quý III/2017 và kỳ vọng tăng tốc trong Quý IV.

Mức độ lành mạnh của các nhóm khách hàng được cải thiện, cầu về sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng gia tăng, đặc biệt nhu cầu vay vốn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng duy trì ở trạng thái tốt, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục xu hướng giảm, huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng nhanh hơn trong quý cuối năm.

Dự kiến trong năm 2017, 89% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016 với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 13,63%. Trong đó, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 18,53%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng 9,76%.

Các nhân tố chủ quan và khách quan trong Quý III đều có sự cải thiện hơn Quý II/2017. Trong các nhân tố chủ quan, Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD (với chỉ số cân bằng đạt 43%) là nhân tố được đánh giá cải thiện tích cực nhất. Với nhân tố khách quan, Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD và Cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN tiếp tục được đánh giá là cải thiện hơn so với các nhân tố khác. 

Thanh khoản tốt, nợ xấu giảm

Các TCTD cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Số TCTD lạc quan về tình hình thanh khoản tăng lên, đối với cả nội tệ và ngoại tệ. 

Gần 90% TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình trong Quý III/2017 không đổi hoặc giảm nhẹ so với Quý II/2017 và trên 90% TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giữ nguyên không đổi hoặc tiếp tục giảm trong Quý IV/2017. Đặc biệt, tại cuộc điều tra này, số TCTD nhận định và kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu “giảm nhẹ” và “giảm mạnh” tăng lên đáng kể so với cuộc điều tra quý trước. Các TCTD ước tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân của toàn hệ thống TCTD ở mức 2,83%.

Dự báo về diễn biến lãi suất trong Quý IV/2017, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có bình quân kỳ vọng giảm đối với cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi (0,06-0,15 điểm phần trăm) thì nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn có bình quân kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh nhất (-0,45 điểm phần trăm) và lãi suất tiền gửi tăng cao nhất (+0,57 điểm phần trăm).

Nhận định về mặt bằng lãi suất trong năm 2017 so với cuối năm 2016, cả 2 nhóm NHTMCP lớn và NHTMCP nhỏ đều kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm tương ứng là 0,09 và 0,03 điểm phần trăm. Bình quân toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng giảm 0,22 điểm phần trăm đối với lãi suất cho vay và tăng 0,17 điểm phần trăm đối với lãi suất tiền gửi trong Quý IV/2017.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong quý cuối năm, bình quân kỳ vọng đạt 5,32% trong Quý IV/2017 (tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 5,2% và tăng cao so với mức tăng thực tế 3,74% của cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 4,7% của quý trước) và tăng 16,03% trong cả năm 2017 (giữ nguyên so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước nhưng thấp hơn mức tăng thực tế 17,84% của năm 2016).

Dư nợ tín dụng cho nền kinh tế cũng được kỳ vọng tăng trưởng 6,07% trong Quý IV/2017 (cao hơn mức tăng thực tế 5,91% của Quý IV/2016 và mức tăng kỳ vọng 5,09% của quý trước) và tăng 17,02% trong năm 2017 (cao hơn so với mức kỳ vọng 16,3% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Nhìn chung, các TCTD tiếp tục vững tin về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2017, các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017 tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ tích cực việc tiếp cận nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp và đồng thời hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra. 

Đọc thêm