Giảm lãi suất cho vay: Có đủ sức thiết lập mặt bằng mới?

(PLVN) - Việc một loạt các ngân hàng (NH) công bố giảm lãi suất (LS) cho vay thời gian gần đây là tín hiệu vui để kỳ vọng một mặt bằng cho vay mới giúp doanh nghiệp (DN) tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, đó mới chỉ là LS cho vay ngắn hạn và tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, trong khi LS huy động vẫn trụ ở mức khá cao ở một số NH, nhất là kỳ hạn dài…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giảm theo chủ trương…

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP và định hướng của Ngân hàng nhà nước (NHNN), từ đầu tháng 8/2018, một số NH thương mại đồng loạt thông báo giảm 0,5%/năm LS cho vay VND ngắn hạn xuống còn 5,5%/năm đối với một số nhóm lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp.

Tiên phong là Vietcombank khi NH này áp dụng LS cho vay ngắn hạn ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực như phát triển nông nghiệp, nông thôn, DN ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp.Vietcombank cho biết, việc giảm LS lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm tới gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của NH.

Tại BIDV, ngoài việc giảm trần LS xuống 5,5%/năm cho nhóm 3 đối tượng ưu tiên (giảm 0,5%/năm và thấp hơn 1,0%/năm so với trần quy định của NHNN) BIDV còn triển khai 2 gói tín dụng với quy mô lên tới 70.000 tỷ đồng với LS giảm 0,5%/năm dành cho DN vừa và nhỏ (60.000 tỷ đồng) và DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp (10.000 tỷ đồng)…

VietinBank cũng tiếp tục giảm 0,5%/năm sàn LS cho vay ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn của khách hàng tốt phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao.

Không chỉ các NH thương mại nhà nước, đợt giảm LS này còn có sự vào cuộc các NH thương mại cổ phần như ACB, ABBank,VPBank, … Trong đó, VPBank tuyên bố giảm ngay 1% LS với các khoản vay tín chấp và 0,5% đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm đối với DN vừa và nhỏ đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu bổ sung vốn lưu động từ nay đến hết năm.

Ngoài giảm LS, NH này còn có những sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt, giúp các DN nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn lên tới 5 tỷ đồng từ NH mà không cần có tài sản thế chấp hoặc cấp cho các DN nhỏ và vừa sản phẩm thẻ tín dụng DN, VPBiz, cho phép DN vay nhanh tới 2 tỷ đồng.

Được biết, trong 24 tháng qua, đây là lần thứ 3 các NH thông báo giảm LS cho vay, từ 7%/năm vào tháng 07/2017 xuống 5,5%/năm vào tháng 08/2019.

Khó giảm thêm lãi suất…

Trong một nghiên cứu công bố đầu tháng 8/2019, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (Rongviet Securities) phân tích, động thái giảm LS cho vay vừa qua chủ yếu là LS cho vay ngắn hạn và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nên khó có thể tạo mặt bằng LS mới.

Rongviet Securities cho rằng những thay đổi LS ngắn hạn vừa qua chưa đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ (đo lường bởi giảm LS điều hành hoặc tăng cung tiền) do 2 yếu tố, cơ chế điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam và tín hiệu từ phía NHNN. 

Phân tích của Rongviet Securities cũng cho thấy biến động LS trên thị trường 1 (huy động/cho vay giữa NH và dân cư/tổ chức kinh tế) và thị trường 2 (thị trường liên NH) không có tương quan rõ nét. 

“Hiện tại, việc giảm LS điều hành ngắn hạn chỉ góp phần định hướng giảm LS ngắn hạn cho khu vực DN trong lĩnh vực ưu tiên và chưa thể tác động tới LS cho vay sản xuất kinh doanh dài hạn...”- Báo cáo của Rongviet Securities khẳng định.

Rongviet Securities cũng cho rằng, mặc dù quá trình cơ cấu hệ thống NH đạt được những thành tích nổi bật như 8/10 NH thí điểm hoàn thành Basel 2, các chỉ số an toàn thanh khoản đều trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn khá nhạy cảm và NHNN  vẫn rất cẩn trọng nhằm hoàn tất quá trình “nâng cấp” hệ thống NH thay cho việc mạnh tay giảm LS điều hành dài hạn (LS tái chiết khấu và tái cấp vốn) do yếu tố rủi ro lạm phát giá tài sản, đặc biệt thị trường bất động sản, có thể gia tăng trở lại. 

Trước đó, trong tháng 7/2019, một loạt NH đồng loạt tăng LS huy động để thu hút nguồn vốn cuối năm. Hiện có hơn chục NH đang có mức LS huy động kỳ hạn dài trên 8%/năm.

Ngoài ra, một số NH còn phát hành chứng chỉ tiền gửi, với LS “đỉnh” như Viet A Bank vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức LS 9,1%/năm, SHB từ 8,6-8,9%/năm, LienVietPost Bank 8,1%/năm,... cho các kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng. Không chỉ kỳ hạn dài, kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh tăng.

Có đến gần chục NH niêm yết mức LS kỳ hạn 7 tháng trên 7%/năm, như: NamABank 8,05;% VietCapitalBank 7,8%; BacABank và NCB 7,6%; BaoVietBank 7,35%; OCB và VPBank 7,3%; DongABank 7,1% ;SeABank 7,05%...

Trong tháng 7/2019, có tới 15 NH đẩy mức LS ở kỳ hạn 5 tháng lên 5,5%, thậm chí có NHLS kỳ hạn 1 tháng cùng đã lên tới 5,5%/năm (như NCB đối với khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng). LS huy động cao ngất, nhất là ở kỳ hạn dài nên LS cho vay trung và dài hạn “bất động”, thậm chí còn nhích tăng cũng là điều dễ hiểu.

Theo NNHN, mặt bằng LS cho vay trung dài hạn hiện từ 9-11%/năm. Tuy nhiên, các DN cho biết, họ đang phải vay với LS phổ biến từ 12-14%, chưa kể các khoản phí…

Đọc thêm