Hội nghị bàn cách dẹp đất sống của “tín dụng đen”

(PLVN) - Hôm qua (8/3), tại Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị “Tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen”.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện thủ tục ngân hàng, giảm tối đa thủ tục vay vốn. (Ảnh minh họa).
Các ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện thủ tục ngân hàng, giảm tối đa thủ tục vay vốn. (Ảnh minh họa).

Vì sao dân vẫn mắc bẫy “tín dụng đen”?

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn. 

Cụ thể, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) quyết liệt triển khai các nhiệm vụ hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có nhiều giải pháp để góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Một số ngân hàng như: Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… 

Bên cạnh đó, để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, nhận diện rõ hơn về tình hình “tín dụng đen”, NHNN cũng đã khảo sát tại 7 tỉnh, thành có nhu cầu vay tiêu dùng lớn, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các hoạt động cho vay nặng lãi.

Riêng khu vực Tây Nguyên, ông Tú cho biết, dư nợ tín dụng cho khu vực Tây Nguyên đến cuối tháng 2/2019 ước đạt 325.750 tỷ đồng, chiếm 4,52% dư nợ toàn quốc. Tuy nhiên, khu vực có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tình hình “tín dụng đen” của khu vực thời gian qua diễn biến phức tạp, trong khi người dân chưa lường hết được tác hại mà vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Do đó, cần có sự phối hợp giữa các đơn vị tìm giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen” tại Tây Nguyên, khu vực được xem là trọng điểm “tín dụng đen” đang hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hoạt động tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên còn một số khó khăn do ở đây có tỉ lệ khá cao công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ nên khó khăn cho các TCTD khi thẩm định cho vay.

Phần lớn người dân (ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa) ngại tiếp xúc với ngân hàng và chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt theo hạn mức tín dụng, sản phẩm thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng mà các NHTM đã đẩy mạnh triển khai thời gian qua.

Cần cải thiện chính sách, phối hợp đồng bộ hơn 

Theo phản ánh của đại diện Công an một số tỉnh, thành, “tín dụng đen” chủ yếu xuất phát từ các nhu cầu vốn không hợp pháp lô đề, cờ bạc, cá độ... Trong 4 năm trở lại đây, trên toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).

Về phía NHNN, qua thực tế khảo sát 7 tỉnh thành thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Có hai nhóm đối tượng thường tìm đến “tín dụng đen”. Đó là nhóm người vay sử dụng với mục đích bất hợp pháp như cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… Nhóm thứ hai là người dân có nhu cầu cấp bách nhưng chưa tiếp cận được vốn NH nên phải vay từ nguồn vốn không chính thống. 

Đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn, tuy nhiên lại khó tiếp cận nguồn vốn vay tại các NHTM do đối tượng khách hàng này có thu nhập thấp, công việc không ổn định, phần lớn công nhân là người lao động từ các địa phương khác di cư đến khu công nghiệp nên khó xác định yếu tố pháp lý.

“Người vay nhiều khi có nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế do NHTM muốn cho vay thì phải có thời gian thẩm định nên không thể xử lý nhanh được”, ông Hùng nói.

“Người vay vẫn e ngại thủ tục ngân hàng phức tạp, dù các ngân hàng đã rất nỗ lực cải thiện, giảm nhiều thủ tục vay vốn, ví dụ như Agribank với thời giạn giải quyết chỉ trong vòng 1 ngày. Trong khi đó, các tổ chức “tín dụng đen” thường xuyên chèo kéo người dân, sẵn sàng cho vay mọi lúc (kể cả đêm hôm), do đó, những người thiếu hiểu biết đã “sập bẫy”, có người phải bán nhà để trả nợ”. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp cùng cho vay lãi cao đi đôi với việc “xã hội đen” thu nợ. Điều này đặt ra yêu cầu, cơ chế chính sách vẫn cần cải tiến để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu chính đáng của người dân.

“Cần tạo điều kiện để các NHTM mạnh dạn hơn trong việc cho vay, để vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu cấp bách, có thật của người dân như ốm đau, ma chay, hiếu hỉ… Các ngân hàng cho vay tín chấp có thu hồi vốn, nhưng phải tính lãi hợp lý, xác định đây là trách nhiệm xã hội”, ông Tú nói. 

Về cơ chế chính sách tổng thể, ông Tú cho biết, sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để xem xét sửa đổi, bổ sung những văn bản liên quan như Thông tư 39, Thông 43 cho phù hợp để người dân có thể tiếp cận vốn hiệu quả trên cả kênh ngân hàng, công ty tài chính.

NHNN cũng sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của công ty tài chính theo hướng kiểm soát được chính xác chi phí vốn, chi phí rủi ro và tỷ lệ lợi nhuận phù hợp, đảm bảo lãi suất cho vay đến người tiêu dùng không bị đẩy lên cao…

NHNN cũng mong muốn Bộ Công an tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm đối tượng “tín dụng đen”; phối hợp với chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức cho vay tài chính, các cơ sở hiệu cầm đồ; cần sửa đổi Luật để có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hoạt động “tín dụng đen”. 

Đọc thêm