Không có chuyện bùng nổ 60 triệu tài khoản Mobile Money sau một đêm

(PLVN) -Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng nhà nước) Phạm Tiến Dũng, khi Mobile Money được cấp phép, khách hàng sẽ tự quyết định việc có mở và sử dụng tài khoản Mobile Money hay không, cho nên không có chuyện bùng nổ 60 triệu tài khoản Mobile Money sau một đêm…
NHNN họp báo cung cấp  thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng những tháng cuối năm 2020.
NHNN họp báo cung cấp thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng những tháng cuối năm 2020.

Khách hàng có quyền mở tài khoản hay không

Chiều nay, 5/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng những tháng cuối năm 2020. 

Vấn đề được dư luận quan tâm là tiến độ triển khai văn bản quy định về dịch vụ Mobile Money của NHNN. Tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng cho biết, thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/4 vừa qua, NHNN đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).

“Nếu dự thảo này được thông qua, DN viễn thông sẽ phải làm đề án gửi đơn vị dịch vụ đầu mối để được cấp phép, sau khi được cấp phép mới được triển khai dịch vụ Mobile Money…” - ông Dũng nói. 

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN
 Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, bản chất của Mobile Money là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động nên không lo về sim rác. Còn việc có hay không việc dồn dập mở tài khoản Mobile Money hay không thì tùy lựa chọn của khách hàng. 

Xây dựng pháp luật về hoạt động thanh toán

Ngày 24/4/2020, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Cùng với việc hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về Mobile Money, NHNN cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt (tháng 6/2020).

Bên cạnh đó, NHNN cũng đang xin ý kiến rộng rãi đối với một loạt văn bản pháp lý như: Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (e KYC) không cần gặp mặt trực tiếp để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.

“Khách hàng có quyền lựa chọn mở tài khoản hay không, mở tài khoản rồi thì có quyền lựa chọn nộp tiền vào hay không, có thực hiện mua bán, thanh toán bằng Mobile Money hay không. Hiện Dự thảo đang trong quá trình trao đổi giữa các bộ ngành, thời gian tới hoàn thiện để trình Thủ tướng bản dự thảo cuối cùng” - ông Dũng cho biết.

Chính vì vậy, theo đại diện Vụ Thanh toán, khó có chuyện sau một đêm sẽ xuất hiện hàng chục nghìn hay hàng triệu tài khoản Mobile Money vì không có chuyện mở tài khoản tự động. 

Đánh giá 4 tháng đầu năm trong lĩnh vực thanh toán, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng cho biết, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động đều đạt sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị. Đặc biệt thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. "Các con số này cho thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng trong thanh toán không dùng tiền mặt" - ông Dũng khẳng định…

 Tín dụng 5 tháng chỉ tăng 1,96%,

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng 

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Thống đóc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

Tính đến nến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống thông suốt. Về tín dụng, do dịch Covid – 19, nhu cầu tín dụng sút giảm, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với mức 5,74% cùng kỳ năm 2019 và 6,16% năm 2018. 

“Đây là mức rất thấp. Hệ thống ngân hàng hoạt động chủ yếu là tín dụng, ngân hàng chỉ mong có khách hàng để cho vay. Với mức tăng trưởng thấp như thế này, các ngân hàng rất muốn cho vay.  Do tác động của dịch Covid-19 nên nhu cầu vay mới chưa nhiều. Nhưng khi tác động của đại dịch giảm xuống, đến thời kỳ hậu Covid-19, nhu cầu vay chắc chắn sẽ tăng lên. NHNN sẵn sàng nguồn vốn cung ứng cho DN, doanh nghiệp hỗ trợ sản suất kinh doanh…” - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng quả quyết.

Về việc có điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng hay không, bà Hồng cho biết, có ngân hàng tăng trưởng thấp, có ngân hàng đã gần cạn room và NHNN đã tiếp nhận đề nghị của các ngân hàng. "Thống đốc NHNN đã giao các bộ phận chức năng xem xét để có những điều chỉnh phù hợp"- bà Hồng cho hay.

Đọc thêm