Khu vực trung du miền núi phía Bắc: Tìm giải pháp gỡ khó dòng vốn tín dụng

(PLVN) - Mặc dù dư nợ tín dụng của cả hệ thống ngân hàng cho khu vực trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) gồm 14 tỉnh có xu hướng tăng lên qua các năm nhưng tính đến hết tháng 7/2019, con số này mới đạt trên 400 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 5% dư nợ tín dụng của cả nước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực “phên dậu” này…
Do phải sử dụng nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên dẫn đến tăng chi phí nguồn vốn tại khu vực TDMNPB
Do phải sử dụng nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên dẫn đến tăng chi phí nguồn vốn tại khu vực TDMNPB

Khơi dòng tín dụng...

Báo cáo của NHNN cho biết, đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn huy động tại khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08%; dư nợ tín dụng đạt 409.552 tỷ đồng, tăng  4,87% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ một số chương trình tín dụng dành cho các ngành, lĩnh vực, lĩnh vực ưu tiên đếu tăng so với cuối năm 2018 như: Tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đạt 148.312 tỷ đồng, tăng 2,39%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt 72.629 tỷ đồng, tăng 1,96%; Tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ đạt 2.323 tỷ đồng, tăng 14,72%; Tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao đạt 369 tỷ đồng, tăng 53,62%...

Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã tích cực triển khai chương trình, gói tín dụng cho vay đối với người dân, DN, hợp tác xã (HTX) như: BIDV triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô lên tới trên 90.000 tỷ đồng; ACB triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV với tổng quy mô lên tới 11.000 tỷ đồng; VPB cũng triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV như Chương trình cấp tín dụng dành cho khách hàng DNNVV không có tài sản bảo đảm, cấp tín dụng đối với DN có chủ là phụ nữ, chương trình ưu đãi xuất nhập khẩu; Agribank tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình với quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng (đến cuối tháng 7/2019, tại 14 tỉnh khu vực TDMNPB doanh số cho vay đạt gần 196 tỷ đồng cho 7.280 lượt khách hàng vay vốn).

Đối với các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH đang triển khai tại khu vực TDMNPB, đến 31/7/2019 dư nợ cho vay đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1.486 ngàn khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ tại NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 762 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 ngàn lao động… góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc  gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới...

Huy động không đủ cho vay

Mặc dù cả huy động và cho vay tại khu vực TDMNPB đều tăng (tương ứng  9,08% và 4,87% tính đến cuối tháng 7/2019) nhưng so với cả nước, tỷ trọng còn khá khiêm tốn, đặc biệt dư nợ tín dụng đến hết tháng 7/2019 mới đạt 409.552 tỷ đồng, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã lưu ý: Nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn và chủ yếu là vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn, do vậy phải sử dụng vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên và các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác dẫn đến tăng chi phí nguồn vốn và ảnh hưởng đến sự chủ động về nguồn vốn cho vay của các TCTD trên địa bàn. 

Phó Thống đốc cũng nêu lên khó khăn thực tế khiến cho dư nợ khu vực này còn thấp, đó là  đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro và khó khăn do đây là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi, cho vay các đối tượng chính sách; thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Các ý kiến tại Hội nghị cũng đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng; đồng thời kiến nghị và đề xuất NHNN: tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ ổn định; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn… tạo điều kiện cho người dân, DN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục rà soát và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng…

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, khu vực TDMNPB là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, do vậy cần tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, DN, HTX tại khu vực, trong đó tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách…

“NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, trong đó có quy định về hoạt động cho vay của TCTD; tổ chức và hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm tạo điều kiện cho loại hình TCTD này hoạt động ổn định và phát triển an toàn, bền vững; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh; tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô phát triển an toàn, hiệu quả...” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cam kết.

Đại diện NHNN cũng lưu ý các TCTD triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV, HTX, người dân. Đồng thời, có chính sách điều hòa vốn phù hợp với từng vùng miền nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh khu vực TDMNPB để đầu tư phục vụ phát triển KT-XH tại khu vực…

Đọc thêm