Năm 2019, Thủ tướng giao kế hoạch vốn tín dụng chính sách xã hội là 8%

(PLVN) - Theo Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) so với năm 2018 là 8%, tương ứng khoảng 13.211 tỷ đồng. 
Hiện có gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH. Ảnh: Trần Việt
Hiện có gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH. Ảnh: Trần Việt

Theo số liệu từ NHCSXH, đến ngày 31/12/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 19.038 tỷ đồng so năm 2017; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 11.809 tỷ đồng, tăng 2.764 tỷ đồng so với năm 2017 - mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn; trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.

Với NHCSXH, năm 2018 là một năm đặc biệt thành công với nhiều thành tựu, là năm có bước chuyển nổi bật trên mọi mặt hoạt động nghiệp vụ, cả về chiều sâu chất lượng phục vụ và thể hiện vững vàng là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Trao đổi với báo chí về kế hoạch năm 2019, bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho hay, để đảm bảo chất lượng phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, NHCSXH sẽ hướng trọng tâm vào các nội dung cụ thể. Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tập trung khơi tăng nguồn lực, trong đó, quan tâm tới nguồn vốn nhận uỷ thác của các địa phương, đẩy mạnh huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, NHCSXH tổ chức rà soát các chương trình tín dụng CSXH để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay cho phù hợp thực tiễn hoạt động. NHCSXH sẽ ưu tiên phân bổ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, khó khăn; vùng có thiệt hại về thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng CSXH, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần giảm cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Ngoài ra, NHCSXH phối hợp cùng Văn phòng T.Ư Đảng và Ban Kinh tế T.Ư báo cáo, tham mưu Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH.

“Hiện nay, những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những cơ hội để ngành ngân hàng nói chung phục vụ khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, với những nhóm khách hàng khác nhau thì việc tiếp cận công nghệ cũng khác nhau. Khách hàng của NHCSXH đa số là những đối tượng yếu thế trong xã hội, sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vì vậy cần có cách tiếp cận phù hợp, từng bước để làm quen với công nghệ mới. NHCSXH cũng đã bắt đầu nghiên cứu và chuẩn bị cơ sở vật chất, tận dụng mọi kinh nghiệm, kiến thức và sự hỗ trợ thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để lựa chọn đầu tư nâng cấp phần mềm thích hợp và tập huấn đào tạo khách hàng” – bà Trần Lan Phương cho biết. 

Ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 239/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2019 cho NHCSXH. Theo đó, kế hoạch năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của NHCSXH so với năm 2018 là 8%, tương ứng khoảng 13.211 tỷ đồng. Như vậy, cùng với nguồn vốn cấp của các chương trình tín dụng từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2019 đạt khoảng 16.200 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đến ngày 31/12/2019 đạt khoảng 204.000 tỷ đồng.

Đọc thêm