Ngành Ngân hàng 'tuyên chiến' với 'tín dụng đen': Mở rộng điều kiện cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn

(PLO) - Hôm qua (26/12), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành NH góp phần hạn chế “tín dụng đen” (TDĐ).
Nhóm đối tượng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép bị Công an TP Nha Trang tạm giữ hình sự điều tra làm rõ vào tháng 11/2018
Nhóm đối tượng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép bị Công an TP Nha Trang tạm giữ hình sự điều tra làm rõ vào tháng 11/2018

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng của ngành NH sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn TDĐ…

Nâng hạn mức tín dụng cho vay

Ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, điểm đột phá của Nghị định 116/2018/NĐ-CP là đã nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản đảm bảo (TSĐB) của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình. Cụ thể: mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có SXKD trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Báo cáo của NHNN cho biết, hiện có khoảng 70 TCTD, mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

“Việc nâng mức cho vay không có TSĐB đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn SXKD và không có TSĐB phải tìm đến các nguồn vốn khác như TDĐ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có TSĐB đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD) được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án SXKD ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm TSĐB cho khoản vay của khách hàng; bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp; bổ sung quy trình, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc thông báo thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, xác nhận thiệt hại về vốn vay của khách hàng…, đồng thời sử dụng nguồn ngân sách địa phương để xử lý khoanh nợ; bổ sung quy định về ân hạn trong cho vay đối với các loại cây trồng lâu năm…

Cần sự chung tay!

Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, TDĐ chưa ảnh hưởng đến ngành NH, nhưng nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến vốn vay được sử dụng để cấp cho các đối tượng cho vay nặng lãi, từ đó nguy cơ rủi ro, nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của NH.

Do đó, ngành NH đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho vay, phục vụ đời sống tiêu dùng, chỉ đạo hệ thống tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi, tiếp cận cho vay nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, công khai, minh bạch các mức lãi suất cho vay, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn... Tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân, các TCTD vi mô, không để xảy ra tình trạng móc ngoặc, tiếp tay cho TDĐ…

 “Với sự vào cuộc tích cực của NHNN và các NH sẽ có bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến với TDĐ. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng NH có tích cực đến đâu cũng chỉ góp phần hạn chế, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thì mới có sự tiến chuyển tích cực được…”- ông Nguyễn Văn Thuý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu.

Đồng tình cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc đẩy lùi và ngăn chặn nạn TDĐ, ông  Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an lưu ý, nhu cầu vay TDĐ chủ yếu là tiêu dùng chứ không phải sản xuất kinh doanh vì người dân vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng tiêu dùng từ NH, do vậy, các NH cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận khách hàng.

Đồng thời, cần giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên NH để không có việc “tiếp tay” từ nội bộ NH cho những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín dụng, thông qua việc vay vốn của cá nhân, tổ chức, DN… 

Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an cho thấy, 4 năm gần đây, toàn quốc đã có 7.624 vụ án liên quan đến TDĐ, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ huỷ hoại tài sản… Trong đó 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền, 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi. Riêng trong năm 2018 có 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 1.309 vụ chiếm đoạt tài sản liên quan đến TDĐ…

Báo cáo của NHNN cho biết đã cùng với các cơ quan liên quan đã tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến TDĐ tại 16 tỉnh, TP với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng, trong đó 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Đọc thêm