Tín dụng đối với chứng khoán, bất động sản: Vẫn trong tầm kiểm soát!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước (NHNN), trong quý 1/2021, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), chứng khoán vẫn trong tầm kiểm soát nhưng do đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nên trong thời gian tới NHNN vẫn tăng cường kiểm soát việc cho vay vào lĩnh vực này…
 Tín dụng đối với chứng khoán, bất động sản:  Vẫn trong tầm kiểm soát!

Thông tin tại cuộc họp báo Quý 1/2021 chiều nay - 22/4, lãnh đạo NHNN cho biết, đến ngày 16/4/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 9, 5 triệu tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%).

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (TDCNKT), cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, DN xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao.

Liên quan đến tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, Vụ trưởng Vụ TDCNKT cho biết, ngày 14/4 vừa qua, NHNN tổ chức hội nghị phổ biến Thông tư 03 thay thế Thông tư 01 hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19. Tại Hội nghị này, NHNN đã làm rõ tín dụng liên quan tới các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là BĐS, chứng khoán. 

“NHNN có buổi làm việc riêng với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã nghe các vấn đề liên quan đến BĐS, chứng khoán. Tại cuộc làm việc này, Thủ tướng đã kết luận và giao NHNN phân tích chi tiết tình hình tín dụng vào các lĩnh vực đó cũng như phân tích dòng tiền… NHNN đã hoàn thành báo cáo này để trình. Ngày mai, NHNN sẽ báo cáo chính thức Thủ tướng các số liệu cụ thể…” - Vụ trưởng Vụ TDCNKT cho hay..

Báo cáo của đơn vị này cho biết, đối với lĩnh vực BĐS, ba năm qua (2018 – 2020), tăng trưởng tín dụng lần lượt là 26,6%, 21,53 và 11,89% (năm 2020 tăng trưởng tín dụng vào BĐS thấp và thấp hơn mức tăng trưởng chinh 12,17 % là do tác động của Cobvid-19). Ước cuối tháng 3/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 12/2020, 

Dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực BĐS của các quý cùng kỳ các năm trước (Quý I/2020 tăng 1,45%, Quý I/2019 tăng 3,42%, Quý I/2018 tăng 1,68%), Vụ trưởng Vụ TDCNKT Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, tín dụng BĐS trong Quý I/2021 không tăng đột biến. Với tỷ trọng tín dụng BĐS chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế, ông Tuấn cho rằng đây là con số không đáng ngại.

“Hện nay NHNN kiểm soát chặt tín dụng vào BĐS, tăng trưởng nóng vào BĐS xuất phát là nhà đầu cơ "lướt sóng", do các địa phương ban hành bảng giá tăng giá 15-20%. Cùng với đó, thị trường chứng khóan cũng có dấu hiệu tăng, các nhà đầu tư chốt lời và chuyển dịch đầu tư vào BĐS. Ngoài ra, do tác động của Covid-19 nên dòng tiền chuyển hóa đầu tư. Trong thời gian tới, NHNN tới sẽ kiểm soát chặt lĩnh vực này!” -  ông Tuấn cho hay.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, báo cáo của NHNN cho biết, đến 28/02/2021, dư nợ lĩnh vực này là 42.590 tỷ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, giảm 3,41% so với cùng kỳ năm 2020), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Ước đến 31/3/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 45.326 tỷ đồng, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2020. Theo Vụ trưởng Vụ TDCNKT Nguyễn Tuấn Anh, so với quy mô tín dụng của nền kinh tế (9,5 triệu tỷ đồng), đây không phải là con số dư nợ quá cao.

“Tuy nhiên, đây là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nên trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát cho vay vào các lĩnh vực này…” - Vụ trưởng Vụ TDCNKT khẳng định.

Về giải pháp, ông Tuấn cho biết, NHNN cũng đã ban hành các quy định nhằm hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như đều chỉnh vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 40%; Tăng hệ số rủi ro cho tín dụng tiêu dùng, ví dụ hợp đồng tín dụng có 4 tỷ đồng trở lên có hệ số rủi ro 150%; Tăng cường giám sát các khoản vay vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN - cũng cho biết, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán...

Dư nợ chứng khoán ngân hàng nào cao nhất ?

Báo cáo của NHNN cho biết, theo thời hạn, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu (96,21%). Theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất (70,54%), dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao thứ 2 (26,93%). 

Theo nhóm tổ chức tín dụng (TCTD), dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm Ngân hàng TMCP Nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm Ngân hàng TMCP khác (chiếm 48,42%).

Dư nợ chứng khoán tập trung ở một số TCTD sau: VCB (chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), BIDV (chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Techcombank (chiếm 12,46% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), TienphongBank (chiếm 8,91% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), VIB (chiếm 5,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), Vietinbank (chiếm 4,25% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống), MaritimeBank (chiếm 4,16% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống).

Đọc thêm