Vietcombank: Hành trình tới ngôi đầu bảng

(PLVN) - Ngân hàng TM CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được đánh giá là thương hiệu ngân hàng  uy tín, vị thế số 1 tại Việt Nam, có ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực. 
Cuối năm 2018, Vietcombank đã khai trương ngân hàng con - VCBLaos tại Viêng Chăn.
Cuối năm 2018, Vietcombank đã khai trương ngân hàng con - VCBLaos tại Viêng Chăn.

Tài sản trên 1 triệu tỷ đồng 

Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2018, Vietcombank có: 1 trụ sở chính, 1 Trung tâm đào tạo, 1 Trung tâm xử lý tiền mặt, 106 chi nhánh trên toàn quốc, 4 công ty con tại Việt Nam, 3 công ty con tại nước ngoài, 3 công ty liên doanh, 1 công ty liên kết; 1 ngân hàng con tại Lào; 1 văn phòng đại diện đặt tại Singapore; 1 văn phòng đại diện tại Mỹ và 1 văn phòng đại diện tại TP HCM. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới 1.856 ngân hàng đại lý ở 176 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Trải qua 56 năm hình thành và phát triển, Vietcombank đã vươn mình phát triển, sẵn sàng cùng hệ thống ngân hàng hội nhập với kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2018 ghi nhận dấu ấn chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank.

Đại diện Vietcombank cho biết, bắt đầu với việc công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới vào năm 2013, giai đoạn 2013-2017 là quãng thời gian chứng kiến người Vietcombank làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, quyết liệt và bài bản hơn để hiện thực hoá vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng. 

Giai đoạn này, quy mô tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng của Vietcombank đã có sự tăng trưởng bứt phá, quy mô tổng tài sản tăng 2,5 lần, huy động vốn tăng 2,9 lần, sử dụng vốn tăng 2,3 lần. Điểm nhấn lớn nhất là tổng tài sản tăng trưởng mạnh mẽ và đã vượt qua mốc 1 triệu tỷ đồng, về đích trước 2 năm so với đề án phát triển. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên có lợi nhuận vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng.

Riêng năm 2018 vừa qua, tổng tài sản của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng và duy trì ở mức trên 1 triệu tỷ đồng, chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chỉ còn 0,97%, thấp nhất trong các tổ chức tín dụng (TCTD) quy mô lớn, là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 1%, phân loại theo chuẩn mực quốc tế. 

Vietcombank tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có quy mô về lợi nhuận lớn nhất với tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 18.400 tỷ đồng, tăng trưởng 63,5% so với năm 2017. Trong năm 2018, Vietcombank cũng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận là TCTD đầu tiên của Việt Nam đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel 2 sớm hơn 1 năm so với quy định. Vietcombank cũng đã tăng vốn điều lệ thành công thông qua việc bán cổ phần cho 2 đối tác hàng đầu là GIC và Mizuho, đưa Vietcombank là TCTD có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống ngân hàng.

Dấu ấn IPO thu gần 10 nghìn tỷ

Đại diện của Vietcombank cho hay, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có quan hệ với 141 ngân hàng  ở 34 quốc gia. Trong quan hệ đó, nếu nhập cả 2 chức năng quản lý và kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh ngoại tệ vào một đầu mối thì không còn thuận tiện cho việc giải quyết những quan hệ đã ngày càng đa dạng và phức tạp. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của Vietcombank. 

Những ngày mới thành lập và trong giai đoạn chống Mỹ ác liệt, Vietcombank là ngân hàng đối ngoại duy nhất của Việt Nam, thực hiện thanh toán quốc tế, thanh toán vay nợ và viện trợ nhà nước, quản lý và điều hành ngoại hối… Vietcombank cũng là nơi để trung chuyển, xử lý và chi viện nguồn ngoại tệ cho chiến trường miền Nam dùng mua vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men;…

Hiệp định Paris được ký kết, Vietcombank đóng thêm vai trò mới là ngân hàng đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau đó, Vietcombank là ngân hàng duy nhất nắm giữ độc quyền trên cả 3 phương diện: độc quyền ngoại tệ; độc quyền cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu, độc quyền giao dịch thanh toán quốc tế. Các chức năng, nhiệm vụ này theo Vietcombank trong suốt giai đoạn 1975-1988.

Đặc biệt, thời kỳ đầu hòa bình lập lại, Vietcombank là đầu mối chính tham gia tiếp quản các ngân hàng của chính quyền Sài Gòn, thu giữ được nhiều của cải, ngoại tệ, tiền vàng cho đất nước, tránh sự tẩu tán thất thoát, thực hiện thanh toán chi trả cho nhân dân không gây xáo trộn tâm lý, tư tưởng. Đây được đánh giá là một thành công lớn của Vietcombank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung. 

Năm 1990, khi có sự đổi mới lãnh đạo của Đảng, Vietcombank chính thức chuyển từ ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại thành ngân hàng thương mại hoạt động đa năng. Từ đây, Vietcombank đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. 

Năm 2007, Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên được Chính phủ lựa chọn để thực hiện thí điểm cổ phần hóa với việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là sự kiện IPO lớn nhất và đã mang lại cho ngân sách Nhà nước nguồn thu lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng, một con số kỷ lục tại thời điểm đó.

Chính thức chuyển sang hoạt động theo cơ chế ngân hàng TMCP từ giữa năm 2008, đúng vào lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu với những tác động bất lợi đối với kinh tế Việt Nam nhưng Vietcombank đã linh hoạt, chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, nhờ đó an toàn và hiệu quả hoạt động được đảm bảo và từng bước phát triển bền vững. 

Đọc thêm