Anh Đạt (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) ngán ngẩm cô vợ trẻ, chỉ sau gần 3 tháng sống chung. Nguyên do là vì vợ anh quá chậm chạp và lười biếng.
Hình minh họa |
Anh Đạt (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) ngán ngẩm cô vợ trẻ, chỉ sau gần 3 tháng sống chung. Nguyên do là vì vợ anh quá chậm chạp và lười biếng.
Biết Yến được chiều từ nhỏ, và chính cung cách nhẹ nhàng, tỉ mẩn và chầm chậm của chị đã khiến anh bị cuốn hút. Anh nghĩ: “Đàn bà phải lười lười, chậm chậm một chút thì mới sướng, mới dễ bảo”.
Rồi anh “rất ư” là chiều vợ, sẵn sàng đáp ứng tất cả những gì Yến đòi. Thậm chí, anh còn tự nguyện rửa bát, đi chợ, nấu cơm... để vợ an nhàn, rảnh rỗi. Ban đầu, anh cứ nghĩ: "Vợ chậm chạp nên mình làm cho xong. Rồi dần dần, sau một quá trình làm vợ, làm mẹ, cô ấy sẽ thay đổi".
Tuy nhiên, điều anh Đạt không ngờ là Yến “được đằng chân, lân đằng đầu”.
Cuối tuần vừa rồi, anh Đạt đi ăn cưới người bạn thân ở Tuyên Quang. Vợ anh ở nhà cả ngày nhưng vùi đầu vào xem phim rồi lướt web. Nhà cửa bẩn thỉu cũng không thèm dọn.
Anh đi về mệt chỉ muốn ngủ, nhưng vừa mở cửa bước vào phòng thì mùi hôi hôi xộc thẳng vào mũi. Đó là thứ mùi tổng hợp của quần áo bẩn để ngâm nước đến mốc meo, mùi bát đĩa không rửa, thức ăn thiu, mùi mắm tôm... Vỏ bánh, vỏ kẹo, vỏ lon nước ngọt la liệt trên ghế, trên sàn nhà thì vương vãi đầy giấy ăn.
“Cô ấy không bao giờ có ý định rửa bát. Nếu mình quát, cô ấy sẽ khóc lóc om sòm, quy tội là mình hết yêu. Tóm lại, mình càng thúc giục, cô ấy càng chần chừ chẳng chịu động tay động chân” – anh lắc đầu kể.
Mình trông con thì ai trông chồng
Anh Đăng (Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội) cũng ấm ức vì cô vợ lười không để đâu cho hết của mình. Từ khi có bầu, Phượng (vợ anh) càng được thể làm mình làm mẩy. Bố mẹ anh xuất thân từ nông nghiệp nên đều là người cần mẫn, ngay cả anh cũng được bố mẹ huấn luyện từ nhỏ không nề hà việc gì.
Biết được chồng chiều, bố mẹ chồng lại hiền nên Phượng càng lười. Chị gần như không có khái niệm “việc nhà”. Anh kể: “Việc đơn giản như giặt quần áo, quét nhà... cô ấy cũng không chịu động chân tay. Nấu nướng thì cô ấy nghiễm nhiên coi đó là việc của mẹ chồng, rửa bát thì là tôi".
Sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ chiều, công việc hơi khó khăn một chút là chị nản ngay, nên sau một thời gian ngắn, chị quyết định ở nhà.
Tuy suốt ngày ở nhà nhưng chị chẳng bao giờ nhúng tay vào làm việc gì, con cái chị cũng giao phó hoàn toàn cho hai bà nội ngoại. Chị chỉ làm mỗi một việc là đi làm đẹp, hết gội đầu, làm móng, mát xa lại đi cà phê với bạn bè.
Bạn chị thấy “chối”, góp ý thì Phượng gắt loạn lên: “Mình trông con thì ai trông chồng”. Anh Đăng nhiều khi buồn lắm, nói thế nào chị cũng chẳng nghe. Đến bây giờ, cậu con 3 tuổi của chị vẫn phải đóng bỉm vì "mẹ nó ngại đưa con đi vệ sinh".
Làm gì với bà vợ lười?
Các chuyên gia tâm lý cho rằng: khi người đàn ông lập gia đình, không ai mong muốn có người vợ lười biếng. Tuy nhiên, có một số ít phụ nữ chểnh mảng việc nhà. Nguyên nhân thường do họ được chồng và nhà chồng chiều chuộng.
Khi được nhà chồng làm hết mọi việc, người vợ sẽ không có việc gì mà làm, lâu dần, họ không muốn làm gì. Thói quen ấy đã ngấm sâu và họ coi được hưởng thụ là cách đương nhiên. Khi ấy, việc người chồng muốn thay đổi vợ mình là điều khá khó khăn.
Người chồng ở hoàn cảnh này cần bình tĩnh nhìn lại mình. Vợ chồng nên nói chuyện một cách nhẹ nhàng với nhau. Không nên giữ bức xúc, bực bội trong lòng vì một cô vợ lười có thể đi kèm với vô tâm, không hiểu cảm xúc của người bạn đời.
Không nên chỉ trích tính lười biếng, vợ chồng cần trao đổi những công việc cụ thể để người vợ biết phải làm gì, còn người chồng cũng thực hiện những công việc hỗ trợ được vợ.
Theo Afamily