Ngành THADS đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát

(PLVN) - Công tác kiểm tra, giám sát trong năm vừa qua đã được các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) đặc biệt chú trọng.
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi yêu cầu toàn hệ thống cần nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, nhất là cấp cơ sở
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi yêu cầu toàn hệ thống cần nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, nhất là cấp cơ sở

Năm 2018 công tác THADS, hành chính đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, về việc, thi hành xong 571.708 việc, đạt tỷ lệ 80,30%; về tiền, thi hành xong trên 34.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,35%. Công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính: thi hành xong 139 vụ việc, còn 224 vụ việc chưa thi hành xong.

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều khởi sắc. Theo đó, đã tiếp 380 lượt công dân (giảm 155 lượt so với năm 2017); tiếp nhận 3.068 đơn, tương đương với 120 vụ việc. Kết quả: giải quyết xong 115/120 việc, đạt tỷ lệ 95,83%; đã chỉ đạo, đưa ra ngoài danh sách 75/105 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. 

Đặc biệt, công tác kiểm tra với công tác THADS trong năm qua đã được Chính phủ và toàn Hệ thống cơ quan THADS rất chú trọng. Tổng cục đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và đã thành lập ba Đoàn kiểm tra liên ngành tại ba địa phương, ba Đoàn kiểm tra toàn diện tại ba địa phương, 14 Đoàn kiểm tra chuyên đề tại 18 địa phương, ba Đoàn công tác đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS tại 8 địa phương. 

Năm 2018, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức giám sát Ban cán sự Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp giai đoạn 2016 - 2017, trong đó có công tác THADS. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; Chính phủ đã thành lập Đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác THAHC tại một số địa phương; Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng đã ban hành Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW ngày 04/9/2018 kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. 

Các mặt công tác khác như xây dựng thể chế, tổ chức cán bộ, nhất là quy hoạch và thi tuyển, tuyển dụng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được củng cố và tăng cường. Công tác quản lý tài chính ngân sách tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Đến nay, toàn hệ thống THADS đã triển khai, đầu tư xây dựng trụ sở đối với 757 đơn vị và 269 kho vật chứng.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, công tác THADS, hành chính năm vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị có lúc còn chưa thực sự quyết liệt; tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản còn chậm; quá trình giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra của các Đoàn kiểm tra còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Năm 2019, Tổng cục THADS tiếp tục tham mưu Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp bám sát, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nội dung liên quan đến công tác THADS, theo dõi THAHC trong toàn Hệ thống. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, THAHC, trong đó tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về THAHC; bám sát tiến độ trình Chính phủ Đề án miễn, giảm; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2015/TT-BTP. Chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tổ chức thi hành án bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS, hành chính.

Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành của Tổng cục đảm bảo quyết liệt, kịp thời theo phương châm “hướng về cơ sở”. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt. cần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm qua đó góp phần răn đe, phòng ngừa, cảnh báo trong toàn Hệ thống.

Các đơn vị thuộc Tổng cục cần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; trả lời bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục ít nhất 95% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo; khắc phục tình trạng chậm hướng dẫn nghiệp vụ hoặc cùng một vụ việc nhưng nội dung hướng dẫn còn chưa thống nhất. Chú trọng tổng hợp thực tiễn, lựa chọn những vụ việc thường có sai sót, vi phạm, khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn các địa phương. Đồng thời tập trung quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan THADS địa phương nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. 

Cùng với đó, Tổng cục THADS cần tập trung giải quyết xong 97% đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác THADS; chú trọng kiện toàn lãnh đạo cấp Chi cục. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, chỉ đạo, điều hành; rà soát, hoàn thiện, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý THADS và các phần mềm khác trong toàn Hệ thống. 

Đọc thêm