Trong những tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến công tác khám chữa bệnh đạt tỷ lệ thấp hơn cùng kỳ năm 2020; các hoạt động chuyên môn về công tác truyền thông, hội họp, thảo luận nhóm, kiểm tra, giám sát... bị ảnh hưởng do phải giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19; hoạt động của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc làm của người lao động nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thấp hơn so với các năm trước.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành Y tế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua; đổi mới công tác quản lý; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển kỹ thuật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, 137/137 đạt tỷ lệ 100% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; tỷ lệ trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã là 100% (137/137). Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ước đến hết 9 tháng đầu năm 2021 là trên 90%.
Theo báo cáo của sở Y tế Vĩnh Phúc, tổng số kỹ thuật mới được triển khai toàn ngành là 152 kỹ thuật, trong đó: 72 kỹ thuật lâm sàng, 80 kỹ thuật cận lâm sàng; tăng 03 kỹ thuật so với cùng kỳ năm 2020. Một số đơn vị y tế đã triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu: Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện chụp và nong động mạch chi (trên, dưới) số hóa xóa nền; chụp, nong và đặt stent động mạch chi (trên, dưới) số hóa xóa nền; chụp,nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch ngoài sọ (mạch cảnh và đốt sống) số hóa xóa nền. Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung vỡ; phẫu thuật chửa ngoài tử cung vỡ bảo tồn buồng trứng; Nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser; Nội soi bàng quang tán sỏi bằng Laser.
Các đơn vị điều trị đã rà soát, hoàn thiện thủ tục hành chính liên quan đến khám, chữa bệnh, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho bệnh nhân và nhân dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Các đơn vị thành lập tổ quản lý chất lượng, phòng quản lý chất lượng, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình bảo đảm và cải tiến chất lượng; tổ chức triển khai các quy định, hướng dẫn chuyên môn trong khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế...
Các đơn vị chú trọng cập nhật kiến thức y khoa, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế như: Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy chế, quy trình chuyên môn của nhân viên y tế; có các giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng chuyên môn trong khám, chữa bệnh; bố trí lại dây chuyền công năng phù hợp, có đầy đủ các biển báo tại các vị trí, giúp cho người bệnh dễ tiếp cận và thoải mái trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh nâng cao chất lượng hoạt động trong đơn vị, các trung tâm, bệnh viện tuyến tỉnh còn hỗ trợ toàn diện các đơn vị tuyến huyện về chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật... Người dân ngày càng tin tưởng, tìm đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn để khám, chữa bệnh thay vì vượt tuyến như trước đây.
Trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm và tiếp tục thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.