Ngày 3/8 tuyên án Bùi Tiến Dũng và các thuộc cấp

Ngày 2/8, 7 luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Bùi Tiến Dũng và các thuộc cấp tiếp tục phần tranh luận cùng hai vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà.

Ngày 2/8, 7 luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Bùi Tiến Dũng và các thuộc cấp tiếp tục phần tranh luận cùng hai vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà.

Đại diện VKS phát biểu quan điểm khá ngắn gọn, trong đó khẳng định hành vi của Bùi Tiến Dũng có đủ căn cứ cấu thành tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; truy tố của VKS đối với các bị cáo là đúng người đúng tội. Việc các bị cáo cho rằng những hợp đồng thuê nhà thuộc quan hệ dân sự chỉ là để biện minh cho hành vi hợp thức hoá những hợp đồng đó để rút tiền, thực chất không khống về hình thức nhưng khống về nội dung.

Cuối cùng, nữ kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà bày tỏ sự "đau xót" khi cho rằng các luật sư bào chữa không dựa trên cơ sở pháp luật mà nghiêng về phía những hành vi sai trái của các bị cáo.
Bị cáo Bùi Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) và thuộc cấp
Bị cáo Bùi Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) và thuộc cấp
Tất cả các luật sư có mặt tại phiên toà, mở đầu là luật sư Ngô Ngọc Thuỷ "rầm rầm" phản đối vị đại diện VKS vì đã làm tổn thương nghề nghiệp luật sư. Bởi lẽ, theo ông Thuỷ, luật sư tranh luận để góp phần giúp HĐXX đưa ra phán quyết cuối cùng đúng người đúng tội, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, bản thân mỗi luật sư không cổ suý, bênh vực cái xấu. Ông Thuỷ một lần nữa bảo lưu quan điểm của mình: Vụ án đã hơn 4 năm, nguyên đơn dân sự vẫn khước từ vấn đề đòi bồi thường, phía những người quản lý và điều hành sử dụng nguồn vốn cũng không có ý kiến nào một cách danh chính ngôn thuận. Những câu hỏi như tài sản của ai, gây thiệt hại cho ai, chiếm đoạt của ai...? đều không có câu trả lời rõ ràng. Vấn đề cốt yếu nhất là động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo Dũng là gì? VKS cũng tuyệt nhiên không đả động đến. "Chúng tôi muốn tiếp cận đến điểm mấu chốt cuối cùng" – ông Thuỷ nhấn mạnh. Về kết luận giám định của VKHHS phối hợp với trung tâm thẩm định giá, ông Thuỷ cũng như 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng đều cho rằng đây là một "sai lầm đáng yêu" của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đấu tranh tích cực tại phiên toà, LS. Hoàng Văn Dũng nói: "Cơ quan C21 – nơi đưa ra kết luận giám định trong vụ án này thực chất chỉ có chức năng giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y, không có chức năng, thẩm quyền đưa ra kết luận về mặt tài chính. Lẽ ra cơ quan này phải trả lại hồ sơ nhưng lại bắt tay với 3 cơ quan khác kết luận giám định. Việc làm này vi phạm nguyên tắc độc lập đưa ra kết luận giám định, mất đi tính khách quan vốn có của nó. Ngay cả giám định viên duy nhất trong vụ án này là ông Hà Văn San – giám định viên có mặt trong phiên toà ngày đầu tiên cũng đã lên tiếng khẳng định không thể trình bày thêm được ý kiến nào tại phiên toà ngoài những nội dung đã nêu trong bản giám định. Các luật sư cũng tỏ ra bức xúc khi tranh luận rất nhiều nhưng đại diện VKS không tập trung trả lời được từng vấn đề mà chỉ "buông" những câu hết sức chung chung theo kiểu "chúng tôi truy tố đúng người đúng tội". Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Lê Thị Thanh Hoà, luật sư Trần Hồng Phúc trình bày: cơ quan VKS đã thay đổi tội danh cho bị cáo Hoà từ tham ô tài sản sang tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, do bản thân bị cáo Hoà không thoả mãn yếu tố chủ thể nên cáo trạng phải kết luận Hoà đồng phạm với chồng là Phạm Tiến Dũng. Song bị can Dũng không hề bị khởi tố điều tra về tội phạm mà bị cáo Hoà bị quy kết là đồng phạm. Khi Dũng chết, cơ quan tố tụng ngầm kết luận hành vi của người đã chết cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn thông qua việc kết luận vợ bị cáo là đồng phạm. Vấn đề này, theo LS. Phúc, hoàn toàn không có cơ sở. Trước phản ứng dồn dập của các luật sư, đại diện VKS đối đáp: Nguồn gốc tài sản này là của Nhà nước, trách nhiệm quản lý của chính các bị cáo khi còn đương chức nhưng chính các bị cáo đã làm trái. Động cơ, mục đích phạm tội như vậy là rất rõ. Còn việc nguyên đơn dân sự có yêu cầu bồi thường hay không, cáo trạng đã xác nhận người bị thiệt hại là các nhà thầu và các nhà thầu đã đề nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước. Đại diện VKS vừa dừng lời, ông Thủy lại truy vấn: Cách trả lời của đại diện VKS không thuyết phục, kiểu "động cơ, mục đích của tội cố ý làm trái là cố ý làm trái". Ở đây, rất tiếc đại diện VKS vẫn chưa làm rõ được động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo. "Nếu không nói rõ được động cơ, mục đích phạm tội thì kết luận hành vi phạm tội, lượng hình thế nào đây?" – ông Thuỷ bức xúc. Được nói lời cuối cùng trước toà, bị cáo Bùi Tiến Dũng "nhăn nhó": "Cách hỏi của đại diện VKS hết sức gượng ép, chỉ được trả lời đúng hay sai, không cho bị cáo cơ hội trình bày. Trong khi có những vấn đề không đúng cũng không sai thì bị cáo biết trả lời thế nào!" Tuy nhiên, sau đó, ông Dũng cũng thừa nhận hành vi của mình có sai nhưng mức độ sai đến đâu, xin HĐXX cân nhắc khi lượng hình. Các bị cáo: Nguyễn Thanh Sơn, Bùi Thu Hạnh, Vũ Mạnh Tiên, Lê Thị Thanh Hoà đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Thẩm phán Lê Thị Hợp tuyên bố phiên toà kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. HĐXX sẽ tuyên án lúc 15h ngày 3/8.
Theo Hồng Anh
Khoa học đời sống online

Đọc thêm