Ngày 7/6: Chung kết Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường”

(PLVN) -Vòng chung kết cuộc thi sẽ diễn ra  bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ 09h00 đến 10h00 ngày 07/6/2020.

Ban Tổ chức Cuộc thi “Pháp luật học đường” vừa ban hành văn bản hướng dẫn vòng chung kết Cuộc thi. Theo đó, để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho thí sinh tham gia cuộc thi phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, vòng chung kết sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Các thí sinh sẽ thi cùng thời điểm, bắt đầu từ 09h00 đến 10h00 ngày 07/6/2020 (Chủ nhật). Nếu có thay đổi thời gian, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ thông báo trên website http://timhieuphapluat.vn. Thí sinh thi trực tuyến online tại địa điểm tập trung của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thí sinh dự thi. Các tỉnh, thành phố chủ động lựa chọn địa điểm thi bảo đảm phù hợp, thuận tiện cho thí sinh; chuẩn bị các phương tiện (máy tính, kết nối mạng internet) và các điều kiện cần thiết khác phục vụ tổ chức Vòng chung kết.

Về cách thức thi: Các thí sinh đăng nhập tài khoản đã sử dụng khi thi Vòng loại, Vòng bán kết. Mỗi thí sinh phải trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm và 01 tình huống pháp lý tự luận. Các thí sinh được quyền lựa chọn thi trắc nghiệm trước hoặc sau thi tự luận.

Đối với câu hỏi thi trắc nghiệm: Các thí sinh trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian tối đa là 10 phút. Thời gian được tính từ lúc thí sinh bắt đầu thi cho đến khi bấm nút kết thúc bài thi. Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, không trả lời hoặc trả lời sai không bị trừ điểm. Điểm tối đa của bài thi là 300 điểm. Trong quá trình thi, thí sinh được phép quay lại để trả lời các câu hỏi đã bỏ qua và có thể lựa chọn kết thúc bài thi bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian 10 phút nêu trên. Hết thời gian theo quy định, hệ thống tự động kết thúc bài thi của thí sinh. Thí sinh chỉ được tham gia dự thi 01 lần duy nhất. Kết quả của thí sinh dự thi được xếp hạng theo bảng thi đã đăng ký.

Đối với câu hỏi thi tự luận: Máy tính mở ra 03 tình huống pháp lý để thí sinh lựa chọn 01 tình huống và trả lời trong thời gian tối đa 45 phút. Thời gian làm bài được tính từ lúc thí sinh nhận đề và làm bài thi cho đến khi hoàn thành việc gửi bài thi. Thí sinh làm bài thi tự luận trên file word hoặc pdf và nộp bài trực tiếp trên website của Cuộc thi. Điểm tối đa của bài thi tự luận là 200 điểm. Thí sinh chỉ được nộp bài 01 lần duy nhất. Bài đã nộp không được sửa lại.

Ban Tổ chức Cuộc thi xếp hạng, xét giải trên cơ sở kết quả điểm của các phần thi trắc nghiệm, tự luận và thời gian thi của thí sinh. Thí sinh đạt giải là thí sinh có tổng điểm thi cao nhất và thời gian thi ngắn nhất.

Ban Tổ chức cho biết, trước 10 ngày kể từ ngày diễn ra Vòng chung kết, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ đăng tải một số tài liệu, gợi ý nội dung thi trên website Cuộc thi. Trong quá trình thi, ngoài các tài liệu này, thí sinh không được sử dụng bất kỳ tài liệu, văn bản nào khác.

Để Vòng chung kết diễn ra thành công, Ban Tổ chức đề nghị Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp tỉnh thông báo kịp thời đến thí sinh và các trường học trên địa bàn (trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp) có thí sinh tham gia thi Vòng chung kết về thời gian, địa điểm, cách thức thi để thí sinh chuẩn bị, tham gia Cuộc thi được đầy đủ. Đồng thời, bố trí địa điểm, phương tiện, trang thiết bị và các điều kiện tổ chức thi tập trung, trực tuyến online cho thí sinh trên địa bàn; bảo đảm kỹ thuật, đường truyền, an toàn, an ninh mạng; cử cán bộ trông thi, theo dõi thí sinh thi trong suốt quá trình thi thông qua ứng dụng phần mềm zoom, skype, zalo…. Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ thông báo cách thức theo dõi cụ thể trên website Cuộc thi.

Phối hợp với Ban Tổ chức Cuộc thi thực hiện kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm Cuộc thi tại địa phương (nếu có).

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường học trên địa bàn tạo điều kiện, động viên thí sinh đủ điều kiện tham gia thi Vòng chung kết.

Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp tỉnh chủ động, tích cực thực hiện thông tin, truyền thông về Cuộc thi bằng hình thức phù hợp, chú trọng các báo, Cổng/Trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; Sở Tư pháp tổng hợp, gửi các tin, bài, tranh, ảnh hưởng ứng, truyền thông, tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi tại địa phương để Ban Tổ chức tổng hợp, xây dựng kỷ yếu, phóng sự tổng kết Cuộc thi.

Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, kiểm tra lại kết quả của thí sinh có dấu hiệu vi phạm, gian dối trong quá trình tổ chức Vòng chung kết; nếu có căn cứ, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ hủy kết quả thi của thí sinh. Quyết định của Ban Tổ chức là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành. 

Đọc thêm