Ngày càng nhiều chị em mắc ung thư vú

QTV - Ung thư vú đã vượt ung thư cổ tử cung, đứng đầu các loại ung thư ở nữ tại Việt Nam. Năm 2000, số ca mắc 2 bệnh này ngang nhau, khoảng hơn 5.000, nhưng 10 năm sau ung thư vú đã vọt lên hơn gấp đôi trong khi ung thư cổ tử cung tăng lên rất ít.

Một bệnh nhân bị ung thư vú. Ảnh minh họa: N.P.
Một bệnh nhân bị ung thư vú. Ảnh minh họa: N.P.

QTV - Ung thư vú đã vượt ung thư cổ tử cung, đứng đầu các loại ung thư ở nữ tại Việt Nam. Năm 2000, số ca mắc 2 bệnh này ngang nhau, khoảng hơn 5.000, nhưng 10 năm sau ung thư vú đã vọt lên hơn gấp đôi trong khi ung thư cổ tử cung tăng lên rất ít.

Đây là những con số được công bố trong hội nghị chuyên ngành về ung thư tổ chức gần đây ở Hà Nội.

Trong đó, tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm chỉ khoảng 15%. Nhiều chị em thậm chí không biết có thể phát hiện sớm bệnh bằng cách tự khám vú.

Một nghiên cứu khác về kiến thức phòng chống ung thư thực hiện năm 2008, tại 10 tỉnh thành cũng cho thấy thực tế này. Trong số hơn 8.000 người được hỏi thì có đến 53% (một nửa là phụ nữ) chưa từng nghe nói về tự khám vú để phát hiện sớm ung thư vú. Nhiều người vẫn quan niệm ung thư là bệnh nan y nên việc phát hiện sớm hay muộn cũng không có gì khác biệt.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phòng chống ung thư cho biết, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu cơ hội chữa khỏi lên tới 80%, giai đoạn 2 còn 60%. Nhưng nếu đến giai đoạn 4 thì những can thiệp về y tế chỉ để kéo dài sự sống, giảm đau chứ không thể chữa khỏi.

Bên cạnh đó, căn bệnh này giờ đây không chỉ là nỗi lo của phụ nữ lớn tuổi mà ở cả phụ nữ trẻ. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nhóm tuổi 35-40 thậm chí là dưới 35 ngày càng tăng.

Cách đây 2 năm, chị Minh, 35 tuổi, ở Nghệ An biết mình bị u xơ vú, đã được mổ tại bệnh viện tỉnh. Một năm sau, bệnh tái phát, chị đi khám và được kê thuốc về uống. Tuy nhiên, vì không có điều kiện nên lúc mua thuốc về thì chị để dành đến khi nào đau quá không chịu được mới dám uống.

Hậu quả là 2 năm sau khối u trong ngực chị ngày càng to, đau nhức. Đến lúc chị đi khám thì đã quá muộn. Chị đã bị ung thư vú, phải phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư. Tuy nhiên, khả năng khỏi bệnh của chị là rất thấp.

Qua khảo sát của các bác sĩ Bệnh viện K thì phụ nữ trẻ mắc ung thư vú thường phát hiện bệnh muộn nên khả năng sống thấp hơn so với bệnh nhân lớn tuổi. Không những thế nguy cơ tái phát cũng cao hơn. Nhiều người đã có sẵn mầm bệnh nhưng chủ quan, không đi khám định kỳ nên bệnh diễn biến nặng.

Theo phó giáo sư Đức, có một thực tế đáng lo ngại là nhiều người còn hiểu sai về bệnh, cứ nghĩ có thể chữa bằng đông y. Rất nhiều người bệnh bị ung thư trước khi đến bệnh viện đều thử lấy các loại lá đắp vào chỗ đau. Không ít người gặp phải tình cảnh tiền mất tật mang, bệnh càng nặng hơn. Thậm chí, nhiều người còn nhịn ăn vì sợ ăn nhiều đạm sẽ làm khối u phát triển nhanh, chỉ uống nước lọc, ăn gạo lức.

Nếu người bệnh nhịn ăn thì chính họ giết chết mình trước khi được chữa khỏi bệnh. Vì thế, cần ăn uống đủ chất để chịu được những đợt điều trị. Một chế độ ăn hợp lý gồm nhiều rau, hoa quả, sữa chua, tránh ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, đường, lipid. Đồng thời kiêng đồ cay, nóng, chất kích thích, rèn luyện thể thao phù hợp, phó giáo sư Đức cho biết.

Những phụ nữ đã có chị hoặc mẹ bị ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người khác. Ngoài ra, những phụ nữ 35 - 50 tuổi chưa bao giờ sinh đẻ, phụ nữ có con đầu lòng sau 30 tuổi, người có chế độ ăn nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu hút thuốc lá và phụ nữ béo phì cũng dễ bị ung thư vú.

Theo VnExpress

Đọc thêm