Ngày Chạp Tổ - nét văn hoá đặc sắc truyền thống ở xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng

Yên Hưng, một huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh gồm có 19 xã, thị trấn, được chia thành hai khu vực Hà Bắc (11 xã và 1 thị trấn) và Hà Nam (7 xã). Nơi đây mang đậm những nét văn hoá đặc sắc của dân cư đồng bằng Bắc Bộ. Nơi bảo tồn và giữ gìn hơn 230 di tích lịch sử và những phong tục tập quán, lễ hội phong phú, hấp dẫn, tục thờ tổ tiên.... Đặc trưng cho những phong tục, một nét đẹp văn hoá của người dân Yên Hưng nói chung, khu vực Hà Nam nói riêng là Ngày chạp Tổ ở xã Phong Cốc.
 

 Yên Hưng, một huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh gồm có 19 xã, thị trấn, được chia thành hai khu vực Hà Bắc (11 xã và 1 thị trấn) và Hà Nam (7 xã). Nơi đây mang đậm những nét văn hoá đặc sắc của dân cư đồng bằng Bắc Bộ. Nơi bảo tồn và giữ gìn hơn 230 di tích lịch sử và những phong tục tập quán, lễ hội phong phú, hấp dẫn, tục thờ tổ tiên.... Đặc trưng cho những phong tục, một nét đẹp văn hoá của người dân Yên Hưng nói chung, khu vực Hà Nam nói riêng là Ngày chạp Tổ ở xã Phong Cốc.

Văn hoá đặc trưng của mỗi địa phương thường được ghi dấu ấn vào dịp đầu xuân, đó là các lễ hội, tục tế tổ (ở khu vực Hà Bắc), Chạp tổ (khu vực Hà Nam)... Tuy mỗi vùng có những đặc thù riêng, nhưng đều gắn với truyền thống yêu quê hương, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần tương thân tương ái, tinh thần hiếu học của người Việt Nam từ ngàn đời nay.

Phong Cốc- một xã trung tâm của khu vực Hà Nam, có diện tích đất tự nhiên 1.330 ha, 1.285 hộ với 7.447 khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông: cấy lúa, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Gắn với tập quán sinh sống là các phong tục truyền thống thể hiện tính chất cộng đồng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, tự tôn dòng họ. Xã có nhiều di tích lịch sử lâu đời được gìn giữ, mang dấu ấn cổ xưa, từ thời khai sinh lập làng của các cụ Tiên Công, cùng với đó là những lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán văn hoá lành mạnh: Lễ hội xuống đồng (tháng 6 âm lịch), Lễ hội Tiên Công (ngày mồng 7 tháng Giêng), Lễ hội đình làng (mồng 10 tháng Giêng), Ngày Chạp tổ (tổ chức vào 2 ngày: mồng 2 tháng Chạp và mồng 4 tháng Giêng).

Ngày Chạp Tổ - nét văn hoá đặc sắc truyền thống ở xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng ảnh 1
Nghi lễ tế t rong ngày Chạp Tổ - dòng họ Lê Đại, xã Phong Cốc

Ngày chạp Tổ được tổ chức vào hai dịp: cuối năm và đầu năm. Dịp cuối năm được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng Chạp (riêng họ Lê Đại tổ chức vào ngày mùng 3 vì gắn với ngày giỗ tổ) với ý nghĩa tạ ơn tiên tổ, báo cáo những thành quả mà con cháu đã đạt được trong năm qua là nhờ công ơn tiên tổ đã ban cho con cháu. Dịp đầu năm tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng nhằm cầu mong cho con cháu một năm mới mọi điều tốt đẹp, suôn sẻ.

Vào những ngày này con cháu các dòng họ khắp nơi tụ họp về từ đường dòng họ để truy ơn tiên tổ và đây cũng là dịp để con cháu tụ họp sum vầy, đoàn tụ tăng thêm tình cảm thân tộc và niềm tự hào. Những ngày này trên các ngả đường thôn, xóm, trên các trục đường chính của xã người người nườp nượp đi như trẩy hội. Ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sạch đẹp, gọn gàng lịch sự. Các mâm cỗ được đội trên đầu các cô gái, có khi thành đoàn dài trên đường.

Ngày Chạp Tổ - nét văn hoá đặc sắc truyền thống ở xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng ảnh 2
Đội cỗ vào Từ Đường, xã Phong Cốc, Yên Hưng

Trong ngày Chạp Tổ con cháu cùng nhau ôn lại truyền thống dòng họ (do ông Trưởng ban Hội đồng gia tộc trình bày) và hướng về ghi nhớ công ơn các cụ thuỷ tổ đã có công lao gây dựng nên dòng họ cho con cháu ngày nay. Vào ngày Chạp tổ các dòng họ đều tổ chức tế lễ. Đội tế gồm từ 25 đến 32 người. Mỗi lần tế kéo dài từ 1 đến 2 tiếng, có dàn nhạc nhị huyền bát âm rất trang trọng và nhộn nhịp. Tế xong mọi người lại đội lễ về nhà để thụ lộc của tổ tiên ban cho.

Ông Nguyễn Đình Thìn –Trưởng ban Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn, đời thứ 14, cho biết: Từ đường dòng họ được xây dựng từ năm 1817, đến nay đã qua 3 lần trùng tu tôn tạo nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên nét văn hoá của thế kỷ XVIII, với những nét trạm trổ và phong cách của thời Nguyễn. Tuy khuôn viên diện tích của từ đường không rộng nhưng ngày chạp tổ cũng đủ chỗ bày gần 200 mâm cỗ. Ngày chạp tổ ai cũng phấn khởi, mừng vui đến dự đông đủ. Coi như hôm đó là ngày hội của dòng họ. Gắn với Ngày Chạp tổ các dòng họ tổ chức trao thưởng cho con cháu học giỏi, đỗ đại học, cao đẳng và tốt nghiệp đại học ra trường. Đáng chú ý, dòng họ Lê Đại ngoài việc trao tiền thưởng còn tặng một tượng gỗ hình cử nhân để làm kỷ niệm cho những sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên. Nhà ai có hình tượng gỗ đó rất vinh dự vì nhìn vào người khác biết được nhà có cử nhân và ý nghĩa hơn là nhắc nhở họ luôn nhớ đến công ơn tổ tiên, cống hiến sức mình cho quê hương đất nước để làm rạng danh tiên tổ. Việc trao thưởng khuyến học, khuyến tài của dòng họ Nguyễn được gắn với ngày Chạp tổ vào dịp đầu năm- ngày mùng 4 tháng Giêng. Nhân dịp này, Ban khuyến học dòng họ sẽ phát động phong trào khuyến học, khuyến tài, kêu gọi mọi nghĩa cử cao đẹp của những người có tấm lòng hảo tâm ủng hộ quỹ khuyến học cho con cháu dòng họ, khích lệ tinh thần hiếu học trong dòng họ.

 

Toàn xã Phong Cốc có 10 nhà thờ (còn gọi là từ đường) dòng họ, trong đó có 5 từ đường được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc. Trong số đó có những dòng họ lớn có đến vài nghìn suất đinh (mỗi suất đinh được tính là đàn ông tuổi từ 18 đến 70).

 Mỗi người dù là ai, ở cương vị nào và ở đâu thì  trong tâm trí đều mang đậm những dấu ấn, những kỷ niệm về nét văn hoá đặc sắc của quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, và đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Điều đó càng khẳng định rõ nét vào dịp chuẩn đón Tết Nguyên Đán và mở màn cho một năm mới -  đó là Ngày Chạp tổ của người dân xã Phong Cốc nói riêng và người dân khu Hà Nam huyện Yên Hưng nói chung./.
 

CTV: Ngọc Hà
(Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Yên Hưng, Quảng Ninh)
 

Đọc thêm