Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12: Làm rõ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội

(HPĐT)- Hôm qua 22-10, sức nóng từ các các phiên thảo luận tổ lan tỏa khi các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011.

(HPĐT)- Hôm qua 22-10, sức nóng từ các các phiên thảo luận tổ lan tỏa khi các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu thảo luận tổ (Ảnh: TTXVN)

Tái cơ cấu kinh tế tiến hành cả 3 cấp độ

 

Đa số các đại biểu tán thành mục tiêu tổng quát về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đánh giá trong Báo cáo, trong đó nhấn mạnh, năm 2010, chúng ta đã thoát khỏi và phục hồi được tốc độ phát triển của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đây là những kết quả đạt được nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân.

 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho rằng: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế-xã hội năm 2010 của nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên còn 6 tiêu chí chưa đạt kế hoạch. Chính phủ cần phân tích làm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, sản xuất công nghiệp không đạt mục tiêu đề ra có nguyên nhân các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả và lợi nhuận thấp mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế chủ chốt. Các thiết bị, máy móc và nguyên liệu tinh chủ yếu phải nhập ngoại. Giá trị sản xuất công nghiệp từ xuất khẩu chiếm tỷ lệ thấp, mà chủ yếu từ xuất khẩu nguyên liệu thô và gia công sản phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp phát triển thiếu tính bền vững, mức nhập siêu vẫn lên đến 23%.

 

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% (mục tiêu của Chính phủ là từ 7-7,5%) vì năm 2011 là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011 -2015), cần xác định, lựa chọn phương án vừa sức, cũng như lường trước những bất ổn của thế giới, tránh tình trạng giữa năm lại điều chỉnh mục tiêu. Đại biểu Đinh Thế Huynh (Tuyên Quang) cho rằng, cuộc khủng hoảng vừa qua cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế. Việc tái cơ cấu cần tiến hành ở cả 3 cấp độ: toàn bộ nền kinh tế, từng doanh nghiệp, từng ngành hàng. Đây là vấn đề quan trọng nhưng Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho rằng, Báo cáo của Chính phủ nêu quá ít về công tác đối ngoại và an ninh quốc phòng. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 cần phát triển kinh tế biển xa như đầu tư đánh bắt xa bờ, khai thác dầu khí…

 

Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn

 

Liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đại biểu Lê Thị Mai, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng cho rằng: Chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng chưa đạt kế hoạch Quốc hội giao. Do đó, Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân và những tác động của việc tăng chỉ số giá tiêu dùng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân nông thôn rất khó khăn. Công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Đại biểu Đinh Thế Huynh (Tuyên Quang) đặt vấn đề, tại sao đất nước phát triển nhưng đời sống nhân dân lại chưa thực sự yên vui. Nguyên nhân của vấn đề là thực chất đời sống của nhân dân đang đi xuống, do đồng tiền mất giá nhiều hơn so với chỉ số giá tiêu dùng. Từ vấn đề này nảy sinh  nhiều phức tạp trong xã hội.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, công tác xoá đói, giảm nghèo của cả nước đạt được những kết quả tốt, nhưng chưa bền vững,  vì vậy, cần sớm có sự thống nhất đánh giá và điều chỉnh phù hợp.  Theo đại biểu, cần chia đối tượng nghèo làm 2 nhóm, một nhóm nghèo kinh niên và một nhóm nghèo có tính thời điểm để từ đó áp dụng chính sách cho phù hợp, có như thế mới giảm nghèo bền vững.

 

Trật tự an toàn xã hội đáng báo động

 

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua trên các mặt xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo diện chính sách… đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng, xã hội có nhiều vấn đề rất đáng báo động. Đó là vấn đề vi phạm pháp luật, tỷ lệ tội phạm gia tăng. Bên cạnh tội phạm về kinh tế, tỷ lệ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như giết người, cướp của, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ… đang ở mức báo động. Điều lo lắng là đối tượng phạm tội là trẻ em có chiều hướng gia tăng. Việc gia tăng tỷ lệ tội phạm tác động xấu đến trật tự xã hội, liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế. Liên quan đến những sai phạm của Tổng công ty Vinashin, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị phân tích và đánh giá chi tiết hơn về hiệu quả sử dụng vốn, việc đầu tư đa ngành nghề. Sai phạm như vậy nhưng nhiều lần thanh tra, kiểm tra không phát hiện thiếu sót lớn, vậy hiệu quả của công tác thanh tra có thực chất?

 

Xây dựng lộ trình cắt giảm chi dài hạn

 

Thảo luận về dự toán và phân bổ ngân sách, một số đại biểu cho rằng: Nguồn thu ngân sách năm 2010 tăng, nhưng Chính phủ cần chỉ rõ, tăng từ nguồn nào? Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nêu ý kiến: Nếu là nguồn vượt thu từ quỹ đất sẽ không vững chắc. Một số ý kiến đề nghị, Chính phủ đánh giá tình hình thu ngân sách Nhà nước khá tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục rà soát, đánh giá sát thực số thu ngân sách năm 2010, làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách năm 2011.

 

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, vẫn còn những điều chưa ổn, chưa sát thực tế. Đại biểu nhấn mạnh khả năng dự báo, kế hoạch thu. Ngay cả trong thời kỳ lạm phát cao, chúng ta vẫn thu vượt ngân sách so với kế hoạch đề ra. Theo đại biểu, cần xem xét kỹ việc xây dựng kế hoạch thu ngân sách, liệu có nguyên nhân cứ làm gọn lại, đến khi vượt thì có thành tích không? Báo cáo của Chính phủ đề cập tình trạng thất thu nhiều năm nay. Cần phân tích kỹ thất thu có phải do cơ chế hay cách thu?

 

Về kế hoạch chi, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tăng chi vượt quá xa kế hoạch do phân bổ ngân sách chưa chuẩn và chưa hợp lý (trong đó có việc chi tiêu công và chi tiêu hành chính). Nguyên nhân, theo đại biểu chủ yếu vẫn là trách nhiệm, ý thức trong dự báo thu chi chưa được nâng lên. Bên cạnh đó, công tác quản lý chưa tốt, còn để xảy ra tình trạng thất thu.

 

Để giảm gánh nặng chi cho ngân sách, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, cần lên danh mục cắt giảm mạnh những dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách, xã hội hoá cho các thành phần khác làm thay. Cần xây dựng lộ trình cắt giảm chi dài hạn (5 năm), siết chặt chi tiêu ngân sách, tập trung vốn hoàn thành những dự án, công trình dở dang, hạn chế khởi công dự án mới, nhất là những dự án có tổng mức đầu tư lớn.

 

Hôm nay 23-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến dự thảo Luật Tố tụng hành chính và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đọc thêm