Ngày làm việc thứ 7, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12: Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người mang tính phòng nhiều hơn

(HPĐT)- Sáng qua 27-10, các đại biểu thảo luận tổ về Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người.

(HPĐT)- Sáng qua 27-10, các đại biểu thảo luận tổ về Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. Luật được thông qua góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người, tránh được việc lợi dụng các hoạt động về đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, cho và nhận con nuôi, kết hôn… để trục lợi, phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự và các điều ước quốc tế.

 

Song, để Luật sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, hiện nay, nạn buôn bán người đã đến mức báo động. Nếu chỉ quy định chung chung như trong dự thảo Luật thì không thể ngăn chặn triệt để nạn buôn bán người. Theo đại biểu, trong số các hành vi bị nghiêm cấm có cả hành vi thờ ơ, thấy người bị nạn mà không giúp. Vì vậy, Luật cần bổ sung nội dung “thờ ơ, thấy người bị nạn mà không giúp” vào nhóm các hành vi bị nghiêm cấm.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa phân tích, thói vô cảm đang tồn tại trong xã hội. Do đó, Luật cần quy định thêm “những người thấy phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán mà không tố giác phải bị xử lý”. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng nhất với quan điểm này, cho rằng ngoài cấm dung túng, bao che, Luật cần cấm hành vi không tố giác tội phạm, chậm xử lý thông tin hoặc từ chối giúp đỡ nạn nhân.  Đại biểu Lê Thị Mai (đoàn Hải Phòng) đề nghị định nghĩa rõ hơn các hành vi mua bán người và bổ sung quy định và chế tài xử lý đối với hành vi môi giới.

 

Đại biểu Huỳnh Thành Lập dẫn các số liệu cho thấy: Giai đoạn 2004- 2009, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ lừa bán hơn 4.008 nạn nhân; so với 5 năm trước, tăng gần 1.100 vụ và hơn 2.900 nạn nhân. Đáng chú ý, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nam giới xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương. Tình hình trở nên nghiêm trọng đòi hỏi phải sớm đưa Luật vào cuộc sống. Luật cần quy định người bị hại có quyền được bảo vệ sự riêng tư.

 

Đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng) cho rằng, Luật này đưa ra được các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với việc mua bán người. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính chất chung chung, không nêu ra được các chế tài xử lý cụ thể, do đó thiếu tính bắt buộc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, nêu rõ nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống mua bán người, đưa ra được các chế tài xử lý, để bảo đảm khi ban hành, Luật sẽ đi vào cuộc sống.

 

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Luật vẫn mang nặng tính chất phòng hơn chống. Đại biểu đề nghị cần quy định phạm vi điều chỉnh của Luật để thể hiện được hết việc phòng, chống mua bán người, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét, tránh sự chồng chéo với quy định của các luật như Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, tố cáo...

 

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) góp ý, việc ngăn chặn, phòng, chống nạn buôn bán người cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế. Đồng thời để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả cao, cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.

 

Đại biểu Lê Quang Huy (đoàn Bạc Liêu) băn khoăn, tại khoản 2, điều 24 của dự thảo Luật quy định UBND xã nơi gần nhất hỗ trợ về ăn mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú… Quy định như vậy thì liệu UBND xã, nhất là những xã ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có thực hiện được không?

 

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật này.

 

Hôm nay 28-10, Quốc hội thảo luận về dự dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi).

Đọc thêm