Bãi rác nằm bên đường mòn Hồ Chí Minh, cách thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) khoảng chừng 6km. Ở đó, có nhóm phụ nữ, 20 năm nay nhặt nhạnh rác để mưu sinh.
Giữa trưa, một người phụ nữ cầm trên tay hộp cơm ngồi ăn ngay ở bãi rác bất chấp mùi hôi thối nồng nặc. Chị tên là N.T.V.A. (SN 1977, trú tại thị trấn Cam Lộ).
Thấy xe chở rác chạy đến bãi, chị A. ăn vội thêm vài muỗng cơm rồi gói lại, thoăn thoắt chạy đến đống rác vừa được đổ xuống để làm việc.
Ngay cạnh đó, 4 người phụ nữ khác cũng đang bới móc liên tục.
Môi trường bẩn thỉu, ô nhiễm trầm trọng nhưng họ vẫn miệt mài mưu sinh. |
9 người phụ nữ này đã mưu sinh nhờ rác thải gần 20 năm nay. Họ bắt đầu công việc từ sáng sớm đến chiều tối mới nghỉ tay. Chai, lọ, sắt vụn, đồ nhựa… tìm thấy trong bãi rác sẽ được phân loại, bỏ vào các bao tải rồi bán lại cho các nhà máy thu mua phế liệu.
“Nhiều ngày may mắn, bới được nhiều đồ phế liệu thì thu về 200 nghìn đồng, còn có những ngày xui xẻo chỉ kiếm được từ 70, 80 nghìn đồng mà thôi”, chị N.T cho biết.
Chị N.T.N.T (SN 1980, trú tại thị trấn Cam Lộ) là mẹ của 2 đứa con, chồng bị tai nạn, mất khả năng lao động.
"Đi làm công nhân, mỗi ngày chỉ kiếm được số tiền ngang như thế này nhưng tù túng, gò bó hơn. Đi lượm rác có bẩn, hôi nhưng được tự do, thoải mái”, chị T. nói.
May mắn thì mỗi ngày người phụ nữ này có thể kiếm được 150 - 200 nghìn đồng. |
Môi trường ô nhiễm rất dễ mắc bệnh. |
Phần lớn những người phụ nữ lượm rác này có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp. Suốt gần 20 năm qua, họ đi từ bãi rác này đến bãi rác nọ để mưu sinh. Đối với họ, các bãi rác là nguồn thu nhập chính, nuôi sống gia đình họ.
Đứng ngay giữa đống rác hôi nồng nặc, bà N.T.L. (SN 1971, trú tại phường 4, TP Đông Hà) cất giọng: "Chúng tôi làm nghề này là bất đắc dĩ, bắt buộc phải làm để có cái ăn, cái mặc. Bệnh tật có đến thì chúng tôi chấp nhận vì giờ không làm thì không có ăn”.
Một người phụ nữ kéo bì "chiến lợi phẩm" sau nhiều giờ nhặt nhạnh. |
Dù làm việc trong môi trường ô nhiễm , ruồi nhặng bu quanh nhưng những người phụ nữ này chỉ đeo khẩu trang mỏng manh, đôi găng tay cao su mỏng và một đôi ủng. Đôi khi đụng phải mảnh chai, mảnh sắt thì chuyện bị thương là điều xảy ra thường xuyên.
Có lẽ rất nhiều người đang nghĩ rằng việc bới móc rác này là một nghề bần cùng nhất trong xã hội vì suốt ngày phải đứng bới moi những thứ người khác vứt đi. Nhưng đối với những người phụ nữ này, việc tìm kiếm phế liệu ở bãi rác như này là công việc cứu cánh cho cuộc sống của họ.