Ngày Quốc tế Lao động nghĩ về lao động nữ

(PLO) - Trong một cuộc khảo sát được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố, phần lớn lao động (LĐ) nữ địa phương bày tỏ mong muốn thay đổi công việc và tìm việc làm tốt hơn (chiếm 62.8%). Tuy nhiên, đa số họ lại thiếu kiến thức, thông tin về việc làm. Họ cũng nghĩ rằng mình không đủ khả năng xin việc vào các doanh nghiệp. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học: “Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.
Lao động nữ luôn có nhu cầu nâng cao trình độ nghề.
Lao động nữ luôn có nhu cầu nâng cao trình độ nghề.

62,4% lao động nữ phía Bắc muốn học nghề

Khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao được tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình và Quảng Ninh. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 62,4% LĐ nữ có nhu cầu được đào tạo nghề.

Tiến sỹ Dương Kim Anh, Trưởng khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam), trưởng nhóm khảo sát cho biết: “LĐ nữ địa phương có nhu cầu đào tạo cao hơn LĐ nữ trong DN. Tuy nhiên, nhu cầu học nghề của LĐ trong DN là để nâng cao trình độ chuyên môn đã được đào tạo, trong khi đó LĐ nữ địa phương có nhu cầu chủ yếu vì trước đây chưa được đào tạo”.

LĐ nữ địa phương có mong muốn học nhóm nghề sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, nghề kinh doanh và nghề mỹ thuật ứng dụng (bao gồm cả nghề thủ công). Trong khi đó, LĐ nữ trong DN có xu hướng muốn học nghề máy tính công nghệ thông tin và nghề kinh doanh. Đây đều là những ngành nghề hấp dẫn, nhiều người lựa chọn để đáp ứng thị trường LĐ nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Đa số LĐ nữ có mong muốn về thời gian học đối với những nghề có nhu cầu đào tạo từ 1-3 tháng hoặc từ 3-6 tháng. Nhóm này chiếm phần đông bởi những phụ nữ này đã có gia đình. Với nhóm khác có nhu cầu đào tạo dài hơn từ một năm trở lên, đa số họ ở lứa tuổi trẻ từ 21-25 và đa phần chưa kết hôn. Về hình thức đào tạo, LĐ nữ địa phương muốn học ngay tại nơi mình sinh sống để thuận tiện cho công việc và cuộc sống, trong khi LĐ nữ trong DN muốn được đào tạo nghề theo hình thức vừa học vừa làm. 

Về trình độ chuyên môn, một số lượng tương đối LĐ nữ cho rằng họ đã được đào tạo, tập huấn sơ qua một nghề nào đó, chiếm 28,6%; số có trình độ sơ cấp chiếm 11.4%, trung cấp chiếm 11,1%, cao đẳng 7,4% và đại học là 7,5%; số lượng LĐ nữ không hoặc chưa được đào tạo (có chứng chỉ bằng cấp được công nhận) chiếm 29,7%; so với số liệu LĐ việc làm trong Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2015 thì số LĐ nữ không hoặc chưa qua đào tạo ở đây so với cả nước là khá thấp.

Thu nhập bình quân một tháng của LĐ nữ trong nghiên cứu này là gần ba triệu đồng. Đáng lưu ý, có sự khác biệt rõ ràng trong thu nhập bình quân của LĐ nữ trong DN so với LĐ nữ địa phương. Thu nhập bình quân một tháng của LĐ nữ trong DN cao gấp hơn 02 lần so với LĐ nữ địa phương (gần 4,1 triệu so với 1,85 triệu). 

Đổi mới dạy nghề cho lao động nữ

Các kết quả nghiên cứu là cơ sở lý luận và thực tiễn cho chính sách, đồng thời xây dựng chiến lược kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao như mục tiêu đề án đã đề ra. Kết quả định lượng cho thấy, độ tuổi trung bình của LĐ nữ là 32. Trong đó, độ tuổi trung bình của nhóm LĐ địa phương là 36 và nhóm LĐ trong DN là 28. Đồng thời, hơn một nửa số LĐ nữ đã tốt nghiệp THPT, chiếm 62,9%; trong nhóm đã tốt nghiệp THPT thì LĐ nữ trong DN chiếm tỷ lệ cao hơn so với LĐ nữ nông thôn: 73% so với 52,8%. Lao động nữ đã tốt nghiệp THPT chủ yếu ở độ tuổi từ 21-25 và 26-30.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, với yêu cầu ngày càng cao hơn trong các DN, LĐ nữ chất lượng cao còn cần phải có trình độ học vấn cấp III và thậm chí là tốt nghiệp đại học, có tác phong làm việc công nghiệp và các kỹ năng mềm. Từ thực tế trên, các chuyên gia đề xuất cần thiết lập các mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và DN.

Trong nội dung chương trình đào tạo nghề cần tăng cường thời lượng thực hành, tạo nhiều hơn cơ hội thực hành nghề và tham quan thực tế nhiều hơn. Các trường nghề cần đưa nội dung bồi dưỡng hai nhóm kỹ năng bổ trợ cho công việc và kỹ năng sống vào chương trình đào tạo. Với kỹ năng bổ trợ cho công việc tập trung đào tạo kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý, điều hành. Còn kỹ năng sống tập trung đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng nuôi dạy con theo độ tuổi.

Đối với LĐ nữ địa phương, cần có chiến lược đào tạo theo ngành nghề, phù hợp với địa phương như nhóm nghề may mặc, nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp và nhóm nghề chế biến lương thực thực phẩm. Thời gian, hình thức, địa điểm đào tạo linh hoạt, phù hợp với người học và với từng nghề cụ thể.

Tiến sỹ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, LĐ nữ chất lượng cao ngoài kiến thức và kỹ năng có được còn cần phải có hiểu biết và nhận thức rộng hơn về thế giới liên quan đến công viêc và khả năng LĐ sản xuất của mình”. TS. Trần Quang Tiến nhấn mạnh: Đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao thực sự là nhu cầu cần thiết cho xã hội, đáp ứng được vấn đề thiếu nhân lực cho địa phương. Việc tăng cường nguồn lực kinh tế của phụ nữ không chỉ góp phần tăng cường sức cạnh tranh của quốc gia thông qua phát triển nguồn nhân lực mà nó còn trở thành nền tảng để thực hiện việc lồng ghép giới trong tất cả các lĩnh vực.

Đọc thêm