Chỉ tổ chức mang tính hình thức. Hội Sân khấu vẫn chưa tạo được lòng tin để anh em có thể tề tựu hoan hỉ trong ngày vui này. Giới sân khấu vui mừng khi ngày giỗ tổ của họ (12-8 âm lịch hằng năm) được Nhà nước chọn làm Ngày Sân khấu VN. Nhưng rồi Ngày Sân khấu VN lần thứ nhất đã diễn ra không hơn gì mấy những lần giỗ tổ sân khấu đã làm được trước đó. Còn nặng về hình thức Từ những hoạt động quá khiêm tốn của Ngày Sân khấu VN (19-9) vừa qua tại hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đã hiện lên một nỗi buồn của ngành sân khấu. đó là vẫn tồn tại hình thức làm cho có ngày tôn vinh ngành nghề của mình mà đáng lý phải có một kế hoạch hoạt động chất lượng, có tầm ảnh hưởng với công chúng.
|
Chương trình chào mừng Ngày Sâu khấu VN của Hội Sân khấu TPHCM tại rạp Hưng Đạo tối 19-9 đã tạo được vài dấu ấn đẹp qua dàn dựng của đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ. |
Hai trung tâm lớn của sân khấu cả nước là Hà Nội và TPHCM đã không có được một sự phối hợp đồng bộ để triển khai những dự án lớn cho sân khấu kịch nói, cải lương hoặc ít ra cũng cần những tuần lễ sân khấu để tạo ấn tượng cho sân khấu Việt đúng vào ngày cả nước tôn vinh giá trị làm nghề của nghệ sĩ. Hà Nội có nhiều đoàn lớn từ kịch, cải lương, chèo, tuồng thế nhưng sàn diễn vẫn chỉ đỏ đèn bình thường, đón vài chục khán giả đến xem vào dịp cuối tuần. Hình như sân khấu Hà Nội không có ai đứng ra tổ chức, tập hợp nên không thể tái diễn những kịch bản kinh điển, những tác phẩm vang danh một thời để người xem và nghệ sĩ cùng thể hiện tấm lòng tôn kính đối với những thành tựu của sân khấu dân tộc. TPHCM có đến 8 đơn vị sân khấu xã hội hóa, ăn nên làm ra với nhiều tác phẩm đạt doanh thu lẫn hiệu quả nghệ thuật, được giới chuyên môn đánh giá cao, công chúng yêu thích nhưng các đơn vị này có vẻ hờ hững với Ngày Sân khấu VN. Bằng chứng là Hội Sân khấu TPHCM tổ chức đêm chào mừng sự kiện này (tối 19-9 tại rạp Hưng Đạo), rất khó quy tụ nghệ sĩ các sân khấu. Hội Sân khấu vẫn chưa tạo được lòng tin để anh em có thể tề tựu vui vẻ, đoàn kết trong ngày vui này. Những hoạt động của hội vẫn nặng tính hình thức khiến nhiều nghệ sĩ vẫn chưa thật sự tin tưởng. NSƯT Vũ Linh tâm sự: “Tôi hoàn toàn không biết gì về việc tổ chức biểu diễn tôn vinh Ngày Sân khấu VN. Chỉ có một cú điện thoại gọi đến mời tôi tham gia biểu diễn. Tôi không làm việc theo kiểu như thế”. Và Vũ Linh đã không tham gia chương trình này. Việc triển lãm ảnh tư liệu, chiếu phim tư liệu về quá trình làm nghệ thuật của sân khấu cũng cần được tổ chức khoa học, chu đáo, không thể chỉ là hình thức với một buổi ra mắt quá đơn điệu như cuộc triển lãm tại Hội Sân khấu TPHCM. Nhớ tổ phải yêu nghề Trên thực tế, giỗ tổ nghề là một tập tục chung cho tất cả ngành nghề với tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Cúng tổ nghề là tưởng nhớ đến công ơn người khai sáng ra nghề. Tổ sư một nghề có thể là người phát minh ra nghề ấy hoặc là người đầu tiên đem nghề ấy ở nơi khác truyền lại cho dân chúng tại một làng hoặc vùng miền. Nghệ sĩ thờ cúng vị tổ nghiệp của sân khấu như một hành động biết ơn công khai sáng, chỉ dạy nghiệp hát, là sự khấn cầu bảo hộ cho nghề nghiệp. Vì vậy, sự gắn kết ngày tôn vinh ngành sân khấu cùng ngày giỗ tổ sân khấu là hết sức thuận lợi và thật sự có ý nghĩa. Nhớ tổ là phải yêu nghề. Thế nhưng, thực tế hậu trường sân khấu từ kịch nói đến cải lương, ca nhạc... đã và đang có nhiều chuyện bê bối, thể hiện sự không biết quý trọng nghề. Cụ thể nhất là nghệ sĩ xem thường khán giả, đến giờ diễn vẫn chưa thuộc tuồng, sự phối hợp tập dượt vẫn chưa đồng bộ khiến vai diễn lạc đội hình với tập thể. Hoặc vì những mối bất hòa của nghệ sĩ ở hậu trường dẫn đến đố kị, ganh ghét, phá hoại nhau. Ngày nay, sân khấu dễ trở nên cục bộ khi tạo ra nhiều phe cánh trong đội ngũ làm nghề, hễ nhóm này diễn thì không có nhóm kia. Xu hướng độc quyền và độc đoán trong cách làm nghề cũng giết chết tinh thần đồng nghiệp, vốn là kim chỉ nam của mọi thành công trong nghề. NSƯT Kim Cương cho biết: “Đoàn kịch nói Kim Cương trước đây luôn phân vai đúng người, đúng việc. Dù cho nghệ sĩ đó có những mâu thuẫn cá nhân với ai trong nhóm nhưng hễ đúng sở trường, đúng vai diễn thì tất yếu phải giao vai kịch đó cho họ. Để có được sự đoàn kết trong đoàn hát, tinh thần lao động nghệ thuật phải được xác định. Dù hiện nay đoàn kịch của tôi đã giải thể, nhưng tôi tự hào rằng đó là một tập thể rất năng động, rất tử tế trong việc làm nghề”. Hai chữ “tử tế” mà NSƯT Kim Cương đề cập chính là ý thức làm nghệ thuật trong sáng, lành mạnh mà hiện nay bị một bộ phận diễn viên xem như một thứ xa xỉ. Sàn diễn sân khấu từng đêm đón bước chân của những “đứa con tổ” phờ phạc từ trường quay về “ngôi nhà chính” của mình để trả nợ vai diễn một cách mờ nhạt, vì nhận sô diễn bừa bãi, đóng phim truyền hình liên tục. Đáng tiếc thay, điều này là một thực tế trong cơ thể của ngành sân khấu VN!
Thiếu vắng ngày hội các sàn diễn Trong khi đó, sân khấu kịch xã hội hóa được cả nước nhìn nhận là “chỉ có ở TPHCM với sự lớn mạnh không ngừng cũng hết sức im ắng trong ngày giỗ tổ”. Lẽ ra nên tổ chức tuần lễ hoạt động tôn vinh chính những thành quả nghệ thuật, những thương hiệu mà họ đã dày công tạo dựng nên để nghệ sĩ và các nhà tổ chức sân khấu tự hào nhìn lại chặng đường đã qua, để hướng tới những đỉnh cao mới. Nhưng tất cả đều không có một hoạt động nào. |
Theo Thanh Hiệp
NLĐ
NLĐ