Nghề dệt chiếu ở Tân Liêu, Liêu Hải

Thôn Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn và Liêu Hải xã Nghĩa Trung là hai làng nghề dệt chiếu tiêu biểu của huyện Nghĩa Hưng, mỗi làng có tới 65-70% số hộ làm nghề dệt chiếu. Lao động làm chiếu đông, nhiều công đoạn phù hợp với các lứa tuổi. Người già, em nhỏ thì chọn, phân loại cói, vê đay, phơi chiếu; lao động khoẻ thì đi mua cói về dệt hoặc tiêu thụ sản phẩm.
Anh đinh Văn Hiền, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đầu tư 150 triệu đồng lắp đặt máy dệt chiếu cói, hàng năm thu nhập 100 triệu đồng.
Ảnh: Đức Hoa

Thôn Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn và Liêu Hải xã Nghĩa Trung là hai làng nghề dệt chiếu tiêu biểu của huyện Nghĩa Hưng, mỗi làng có tới 65-70% số hộ làm nghề dệt chiếu. Lao động làm chiếu đông, nhiều công đoạn phù hợp với các lứa tuổi. Người già, em nhỏ thì chọn, phân loại cói, vê đay, phơi chiếu; lao động khoẻ thì đi mua cói về dệt hoặc tiêu thụ sản phẩm. Cứ 2 lao động bình quân một ngày dệt được 6 lá chiếu, thu nhập 20-25 nghìn đồng/người/ngày. So với một số nghề khác, thu nhập từ nghề dệt chiếu không cao nhưng có việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định quanh năm. Hiện nay, ngoài những giàn chiếu dệt thủ công, mỗi làng có 3-5  hộ đã đầu tư vốn mua máy dệt chiếu. So với dệt bằng tay, năng suất dệt máy cao gấp nhiều lần, đạt khoảng 40 lá chiếu/ngày/máy, với ưu điểm có thể điều chỉnh độ dày mỏng theo nhu cầu, độ đồng đều cao và có thể dệt nhiều loại chiếu với kích cỡ khác nhau, giá thành thấp hơn. Với sự phát triển nhanh của nghề, mỗi làng đã hình thành hệ thống các đại lý chuyên cung cấp nguyên liệu, thu gom sản phẩm cho các hộ sản xuất mang đi tiêu thụ trên thị trường cả nước. Tiêu biểu là gia đình các ông: Nguyễn Văn Xí, Trần Văn Phong, Nguyễn Văn Cần (thôn Tân Liêu), Nguyễn Văn Triều, Đỗ Văn Nam, Nguyễn Văn Thắng (thôn Liêu Hải). Để có nguồn hàng chất lượng cao, các hộ đã lựa chọn kỹ ngay từ khâu nhập nguyên liệu với yêu cầu sợi cói săn, tròn, nhỏ, dài đều, không giòn, sau đó được phơi khô, ủ giữ nhiệt tránh ẩm mốc. Do đã khẳng định được uy tín và "thương hiệu" nên hiện nay, người dệt chiếu thôn Tân Liêu và Liêu Hải đã có thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước, trong đó có nhiều hộ đã ký được những hợp đồng tiêu thụ lớn có thời gian dài với một số Cty, doanh nghiệp các đơn vị bộ đội, y tế, trường học. Một số hộ đầu tư vài chục triệu đồng mua khuôn in và lò hấp, chuyên in hoa trang trí, tạo nên sự đa dạng về mẫu mã cho sản phẩm. Gia đình anh Đinh Văn Hiền, xóm 9 là một trong những hộ đầu tiên ở thôn Liêu Hải đầu tư 150 triệu đồng mua 2 máy dệt chiếu. Trung bình một tháng, gia đình anh nhập 7-8 tấn cói nguyên liệu, dệt được 2500-3000 đôi chiếu, ngoài ra thu mua thêm 1500 đôi chiếu của các hộ trong thôn để cung ứng cho thị trường. Ngoài 4 lao động chính của gia đình, anh Hiền còn tạo việc làm cho thêm 4 lao động, thu nhập bình quân 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu 60-70 triệu đồng. Nghề dệt chiếu cói có nhiều cơ hội phát triển khi nhu cầu sử dụng chiếu cói đang tăng dần./.

Thuỷ Thanh

Đọc thêm