Nghề học... phải nghe chửi!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngỡ rằng học nghề "bẻ khóa" để ăn trộm nên bị chửi, ai dè bị "ăn" chửi là do ông thầy dạy sửa khóa mắc bệnh chửi đồ đệ. Thế nhưng thầy chửi còn không đáng sợ bằng đăm chiêu không chửi! Hay thật, học nghề mà mỗi lần nghe chưởi thậm tệ là một lần thêm chiêu
Nghề học... phải nghe chửi!

1. Khóa ơ…ơ…

Một tiếng rao trong trăm tiếng rao góp phần vào sự sinh động cuộc sống của ngóc ngách làng quê phố thị.

Tất nhiên anh chàng thợ sửa khóa rao bằng băng cát sét. Tiếng rao chỉ ngừng khi chàng thợ khóa dừng xe nhận việc. Chiếc loa gắn vào càng trước xe đạp, và bộ điều khiển buộc ngay trên mặt ghi đông xe. Sau xe, chiếc poocbaga là cái máy làm khóa nặng chịch.

Chiếc máy cắt gọt ngạnh khóa của Trung Quốc chạy ắc qui bây giờ đỡ cho cánh thợ đánh chìa mới rất nhiều công sức, mà lại chính xác. Chiếc chìa đánh mới chỉ cần kẹp cố định và đứng song song với ê-tô kẹp cái phôi chìa. Máy chạy lướt trên mặt chìa khấp khểnh, thì phía trên lưỡi dao xén cắt vào phôi một cái hình đồng dạng, cho ngay chiếc chìa mới y chang thìa mẫu. Chỉ còn việc dùng giũa mài bớt ba-via đi là hoàn hảo. Bẩy ngàn rưỡi một chiếc chìa đánh lại, giá bằng nửa bát phở thường kể cũng là bèo.

Như thế thợ khóa bây giờ chỉ còn một việc khó là đánh cho khóa bị mất chìa, còn đánh lại thì quá đơn giản.

2. Nghe cái giọng cậu thợ khóa bay bay, tôi bảo: Người Thanh phải không. Cậu ta cười, bác tài thế. Tài gì, dân Thanh đi khắp nước, từ phu hồ đến nhà chính trị cao cấp, có bao giờ giấu được giọng. Này nhưng Hà Nội làng Ngọc Hồi là làng làm khóa. Cậu gửi rể ở đó à? Cậu ta thật thà, em dạt từ xứ Thanh ra, là dân phu hồ bốc chạc (phế thải xây dựng). Vất quá. Cứ mong tìm được việc gì nhẹ hơn.

Thế rồi hôm sửa nhà cho một ông trong làng Ngọc Hồi, thấy em tò mò tha thiết nghề, ông chủ để ý. Rồi sau lại thấy em thật thà, ông ấy nhận con nuôi và rồi cho tập tọng theo, vậy mà thành nghề.

Lan man mới biết quê cậu Quảng Xương vùng đất khô cằn. Cậu bảo xã Quảng Trạch ở bên làng em á, cả làng tết đến lại đi ăn xin, sau rằm mới về làm tết. Bây giờ còn thế không? Còn chứ, mả tổ khất cái xây bề thế lắm.

Quê em có người làm quan to nhất nhì nước đấy, chứ không phải chỉ ăn xin! Bây giờ đi ăn xin không phải vì đói khát, mà vẫn là làm theo một lời hèm tổ tiên. Anh ơi, có nhà sắm xe hơi rồi vẫn đi ăn xin đó. Bây giờ thì đi nhiều vào phía Nam, dễ kiếm hơn. Trước đây thường chỉ ngược ra phía Bắc…

3. Chiếc khóa tôi giao cho cậu sửa là khóa số va li Sam-sông. Loay hoay nửa ngày không ra cậu đành tháo mang về trình sư phụ ở Ngọc Hồi. Khó lắm mới dám đến sư phụ, vì đến là ăn chắc nghe chưởi. Mà rồi đúng thật, vừa trông thấy nẹp khóa, ông ấy đã chưởi là đồ ngu, có thế mà nhìn không ra.

Cách dạy của sư phụ là đổ tương ớt lên mặt. Nhưng sư phụ tài lắm anh ơi. Chưởi ngay lõm mặt thế là mừng, vì như thế là sư phụ đã biết cách sửa. Sợ nhất là thấy sư phụ đăm chiêu không chửi!

Hay thật, học nghề mà mỗi lần nghe chưởi thậm tệ là một lần thêm chiêu. Đó là văn hóa sư phạm kiểu gì nhỉ. Tôi ngẫm đó là lối sư phạm của các cao thủ, nói là làm được chứ không nói phét. Bang trưởng của nghề phải được như vậy mới dám hách, chứ không phải thằng ngu ra oai. Thế có ghét sư phụ không. Không, sư phụ nói gì thì cứ nói, sao lại ghét người tài chỉ vì ông ấy chưởi hả anh? Bọn em quí trọng sư phụ và chỉ khi việc gì mầy mò mấy ngày mà bó tay mới phải đem đến trình sư phụ.

Thế cậu kể một cái tài của sư phụ cho nghe nào. À, trong một đợt thi tay nghề, cả chùm chìa vứt xa một mét, giám khảo yêu cầu đánh một chiếc trong đó. Chỉ ở xa liếc nhìn thôi, sau đó đem phôi ra giũa cắt gọt, mà ông làm một lần trúng phóc.

Thế nhưng rồi ông ấy vẫn chỉ đứng thứ nhì. Giải nhất về tay một thợ trẻ tuổi khác trong làng. Tài của nghề làm chìa khóa không biết thế nào đâu. Thế sư phụ bao nhiêu tuổi. Sáu mươi sáu, ông ấy còn có sư phụ trên nữa, em không dám bén mảng.

Hóa ra chỉ là thợ chữa khóa, đánh chìa thôi mà lớp lang tài năng cũng đầy thứ hạng.

Làng khóa hơn trăm năm ở Hà Nội

Đó là làng Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), nơi hội tụ nhiều cao thủ sửa khóa. Những bô lão ngót trăm tuổi ở làng Tương Chúc cũng không biết nghề sửa khóa chính xác có từ bao giờ. Họ chỉ biết từ khi sinh ra đã được hướng theo nghề khóa. Ở đình làng và những gia đình theo nghề nhiều năm có thờ tổ nghề và dân làng Tương Chúc cũng thờ Thành Hoàng làng khai sinh nghề khóa.

Nhờ làm và dạy nghề một cách nghiêm túc mà hơn trăm năm qua, nhiều thanh niên làng Tương Chúc vẫn theo nghề và trở thành thợ giỏi. Trước kia, người làng Tương Chúc xách hòm gỗ đi sửa khóa khắp ngõ ngách Hà Nội: Bà Kiệu, Hàng Bè, chợ Mơ... Hiện nay, thợ khóa làng Tương Chúc đã tỏa khắp nước hành nghề sửa khóa, nhiều người mở được tiệm lớn và làm giàu từ nghề tổ truyền.

Đọc thêm