Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cho biết đến tháng 9-2010, DAWACO đã sản xuất 39,8 triệu m3 nước với công suất cấp nước đạt 145.315m3 nước/ngày đêm. Ở thời điểm nắng hạn gay gắt, DAWACO vẫn bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc DAWACO cho rằng: “DAWACO luôn phải đối mặt với nỗi lo thất thoát nước bởi tình trạng xâm hại công trình hạ tầng cấp nước do đào đường thi công làm đường giao thông và đường ống cũ nát”.
|
Tình trạng làm đường gây hư hỏng đường ống cấp nước là nguyên nhân gây thất thoát nước lớn. |
Theo DAWACO, có 3 nguyên nhân chính gây thất thoát là do mạng lưới, đồng hồ đo nước và đấu nối trái phép, trong đó nguyên nhân từ mạng lưới chiếm đến 90%. DAWACO xác định, do đồng hồ nước không chính xác chiếm 5%; do yếu tố thương mại chiếm 5% (không phát hành được hóa đơn, không thu được tiền nước); do rò rỉ cơ học trên đường ống 90%, trong đó, phân theo cấp đường ống: Xì vỡ trên tuyến ống chính cấp I (15%), xì vỡ trên tuyến ống cấp II và III (75%).
Vì vậy, đầu tư cho việc kiểm soát rò rỉ, thay các tuyến ống cũ, hư hỏng và thay đồng hồ hỏng là việc làm cần thiết. Từ công tác dò tìm đường ống bể và thực tế qua công tác quản lý, vận hành hạ tầng cấp nước, DAWACO nhận định việc rò rỉ cơ học trên đường ống là do ăn mòn đường ống hoặc lỗi của vật tư 43%, do thi công lắp đặt 38%, do tác động bên ngoài, đào làm vỡ ống 19%. Bên cạnh đó là các nguyên nhân cũng đáng lưu ý như do quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành...
Ông Ông Văn Mỹ, Phó trưởng Phòng Điều độ (DAWACO) cho biết, hạ tầng mạng cấp nước luôn bị xâm hại, nhất là tình trạng thi công hạ tầng giao thông gây vỡ đường ống. Số vụ vi phạm quá nhiều, đội sửa chữa luôn trong tình trạng ứng phó với sự cố vỡ ống nước do thi công. Mỗi năm cứ đến dịp gần Tết, nhiều công trình xây dựng hạ tầng đẩy nhanh tốc độ thi công để bảo đảm phục vụ sự đi lại của người dân trong dịp đón xuân. Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít hệ lụy gây phiền hà cho cuộc sống của nhiều hộ dân.
Ông Mỹ nhớ lại cận Tết năm ngoái, tuyến đường Nguyễn Phước Nguyên, thuộc địa bàn phường An Khê, quận Thanh Khê, người dân phản ánh tình trạng đơn vị làm đường đã làm hư hỏng hệ thống cấp nước, gây đảo lộn sinh hoạt hằng ngày của gia đình họ. Tại nhà số 90 Nguyễn Phước Nguyên, đơn vị thi công đã làm tụt phụ tùng đường ống D40 cấp nước cho toàn tuyến. Ông Dương Công Mạnh, ở nhà số 159 Nguyễn Phước Nguyên phản ánh, đơn vị thi công đã làm bể đai khởi thủy vào đồng hồ, gây mất nước nhà ông trong nhiều giờ liền. Nhà ông Hà ở số 119 Nguyễn Phước Nguyên cũng bị ảnh hưởng nặng do bị xì đai 090 trước nhà.
Với sự nỗ lực, đến cuối tháng 9-2010, DAWACO đã giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống 23,8%, tính trung bình qua 9 tháng là 26,27%. Từ năm 2006 đến tháng 9-2010, DAWACO đã giảm tỷ lệ thất thoát nước được 13,97%. So với mặt bằng thất thoát nước đô thị của cả nước (32%) thì đây là nỗ lực lớn của DAWACO. Theo ông Nguyễn Trường Ảnh, trong 3 tháng cuối năm 2010, những nguy cơ làm thất thoát nước sẽ gia tăng, bởi đây là thời điểm mùa mưa nên công tác dò tìm ống bể gặp khó khăn, thêm nữa lại là “mùa” sửa đường dễ gây tình trạng bể đường ống nước.
Do đó, mục tiêu duy trì tỷ lệ thất thoát nước dưới 27% trong năm 2010 rất khó khăn. Trước hết là tập trung các giải pháp khắc phục thất thoát cơ học, kiểm soát rò rỉ bằng việc khoanh vùng và xử lý các khu vực thất thoát nước cao; tiến hành thay thế kịp thời các tuyến ống cũ, hư hỏng, kém chất lượng; thay đồng hồ hỏng hoặc chạy không chính xác. Tiếp đến, DAWACO cải tiến công tác quản lý vận hành hệ thống cấp nước như: ban hành sổ tay quản lý thiết kế, quản lý thi công; tăng cường chất lượng thiết kế, thi công và giám sát; phân cấp quản lý bằng việc thành lập nhóm chăm sóc; xây dựng quy trình bảo dưỡng thiết bị, vận hành mạng lưới; xây dựng phần mềm quản lý khách hàng, hóa đơn. Đặc biệt, DAWACO tăng cường đầu tư cho quản lý hệ thống cấp nước thông qua việc lắp đặt 13 đồng hồ tổng tách mạng với kinh phí 3,2 tỷ đồng; lắp đặt đồng hồ nước khu vực; đầu tư xây dựng mạng SCADA để lập mô hình thủy lực mạng lưới, kiểm soát lưu lượng và áp lực (nhà máy nước, mạng lưới cấp nước), điều tiết chế độ vận hành theo áp lực, lưu lượng, giờ dùng nước...
Lãnh đạo DAWACO đã có kiến nghị thành phố tăng giá nước vì đã duy trì mức giá thấp từ năm 2004 đến nay nhằm có điều kiện cải tạo hệ thống hạ tầng mạng cấp nước cũ. Trước mắt mỗi năm cần 10 tỷ đồng để thực hiện. Anh Trần Đình Tuấn, Đội trưởng Đội dò tìm ống bể tâm sự: “Dò tìm được nhiều điểm rò rỉ, chúng tôi lại sống trong tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Mừng là công sức của mình có kết quả thiết thực, nhưng lo là trở thành gánh nặng cho công tác sửa chữa, thay thế, bởi kinh phí rất lớn”. Thật vậy, với gần 200 điểm có sự cố xì vỡ, nhưng với nguồn kinh phí hiện có, DAWACO ưu tiên sửa chữa ở những điểm xì vỡ lớn, thất thoát nước nhiều. Vậy nên, chống thất thoát nước vẫn còn gian nan.
(Tiếp theo và hết)
Phóng sự của TRIỆU TÙNG