Nghệ nhân dân gian - báu vật nhân văn sống

Đó là đánh giá của Đại hội đồng UNESCO họp ngày 25-11-1989 tại thủ đô Pa- ri (Pháp)  đối với các nghệ nhân lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Để dễ hiểu hơn, Hội Văn nghệ dân gian VNDG  Việt Nam chọn  một tên gọi khác, gần gũi hơn, dễ hiểu hơn mà vẫn không làm giảm giá trị của sự tôn vinh. Đó là danh hiệu Nghệ nhân dân gian (NNDG).

Lễ trao tặng 11 nghệ nhân toàn quốc danh hiệu trên vừa được  Hội Văn nghệ dân gian tổ chức  trang trọng tại Hà Nội, trong đó Hải Phòng có 6 (NNDG). Đó là nghệ nhân đàn đáy Trần Trọng Quế, các ca nương Nguyễn Thị Út (tức Nguyễn Thị Chín), Tô Thị Chè, Đào Thị Thẩm, quan viên Nguyễn Văn Hãn (ca trù) và nghệ nhân Phạm Thị Đáng (hát đúm).

 

Việc trao tặng danh hiệu NNDG trong kế hoạch “Tầm nhìn năm 2010” của Hội VNDG Việt Nam nhằm hưởng ứng chương trình hành động của UNESCO. Theo chương trình này, từ thập niên trước, Hội VNDG Việt Nam, một số cơ quan chuyên ngành cùng  các Hội VNDG địa phương tiến hành tổng kiểm kê các loại hình văn hóa phi vật thể còn lưu giữ trong trí nhớ con người và lực lượng nghệ nhân. Theo đó là các phương án bảo tồn với phương châm: “cứu được cái gì thì phải tập trung cứu ngay cái đó”. Nhiều công sức đã được bỏ ra, nhiều cuộc điền dã được tiến hành, rồi sưu tầm, ghi âm giọng nói, ghi hình chân dung… Kết quả đã có khoảng 2000 trang viết từ Hội VNDG Việt Nam đối với 128 di sản văn hoá phi vật thể được khôi phục theo tinh thần trả lại cho người dân gìn giữ. Trong quá trình này, các nghệ nhân có vai trò hết sức quan trọng. Nhờ sự sống lại của trí nhớ mà  các nghệ nhân đã truyền lại cho lớp trẻ giá trị văn hóa dân gian ở các vùng miền, trong đó có những loại hình sau gần nửa thế kỷ mai một hoặc thất truyền  được khôi phục lại như hò cửa đình, hát dô, tranh thôn, múa bài bông, múa hát chèo tàu… Riêng Hải Phòng có ca trù, hát đúm được khôi phục chủ yếu từ vùng Thủy Nguyên. Ca trù Hải Phòng có mặt trong bộ hồ sơ quốc gia Ca trù Việt Nam với  một số kép đàn, ca nương nổi tiếng một thời. Từ các lớp học có khi chỉ là “một thầy, một trò” mở tại nhà, ca trù Hải Phòng hiện có CLB ca trù làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên và CLB trực thuộc Hội VNDG thành phố mà nòng cốt là  các nghệ nhân... Tuy có người đã mất như cụ Chè, hoặc tuổi cao sức yếu không trực tiếp nhận danh hiệu NNDG như cụ Quế, cụ Chín, cụ Hãn, nhưng đây là những người thầy đã có học trò kế cận bộ môn ca trù cả về cách hát, cách cầm phách, chơi đàn đáy, cầm chầu. Riêng hát đúm, nghệ nhân Phạm Thị Đáng ở thôn Trung, xã Phục Lễ, Thủy Nguyên năm nay ở tuổi 70, vẫn dạy hát đúm cho các cháu thiếu niên địa phương. Bà cũng là một trong những nghệ nhân tích cực đưa hát đúm Thủy Nguyên giao lưu với các nghệ nhân Yên Hưng- Quảng Ninh

 

Tại lễ tôn vinh NNDG, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam nhấn mạnh tinh thần của UNESCO. Đó là: Trong xu thế toàn cầu hóa, nhân loại không thể  trả giá bằng việc  nhất thể hóa văn hóa. Mỗi một nền văn hóa có bản sắc riêng. Mỗi một ngành của văn hóa lại có tiếng nói riêng. Văn hóa phi vật thể vốn không là ghi chép. Đó là thứ văn hóa nằm trong ký ức xa xôi, tiềm ẩn trong trí nhớ của con người chứ không phải là các nghệ nhân làng nghề. Bởi vậy, sự đánh giá cao về tri thức, về khả năng giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa phi vật thể trong mỗi NNDG – “ báu vật nhân văn sống” luôn là cần thiết. Đó là một trong những cách tôn vinh chủ thể văn hóa dân tộc trong dòng chảy hội nhập, để nhận ra bản sắc riêng trong thế giới văn minh vật chất hôm nay.                      

 

Ngọc Anh

Đọc thêm