Nghệ sĩ Hoài Linh khóc "ba" Tấn Tài

Trong số những nghệ sĩ đến chia buồn với NS Tấn Beo trong đám tang NS Tấn Tài, danh hài Hoài Linh khóc thật nhiều. Anh gần như hiểu thấu nỗi niềm của NS Tấn Beo, nên chia sẻ trong niềm xúc động không kém gì khi anh khóc thương NS Kim Ngọc cách đây không lâu.
Trong số những nghệ sĩ đến chia buồn với NS Tấn Beo trong đám tang NS Tấn Tài, danh hài Hoài Linh khóc thật nhiều. Anh gần như hiểu thấu nỗi niềm của NS Tấn Beo, nên chia sẻ trong niềm xúc động không kém gì khi anh khóc thương NS Kim Ngọc cách đây không lâu. Tâm sự với PV, anh nói: “Tôi quý “ba” Tấn Tài ở tư cách người nghệ sĩ. Ngày tôi mới về nước tham gia biểu diễn, trong số những cô chú, anh chị đến động viên tôi, thì “ba” Tấn Tài là người chân thành nhất. Ông chỉ cười nhìn tôi rồi nói: ‘cái tạng người ốm ốm, cao cao như mày, làm nghề bền lắm…vì mày giống tao’.
Danh hài Hoài Linh và Hoàng đế dĩa nhựa tấn Tài trong một trích đoạn sân khấu
Có lúc “ba” chỉ cân nặng 43 ký, rơi vào tình trạng biếng ăn. Đi đám tiệc thì ông chỉ thích lên sân khấu ca vọng cổ, còn lại chỉ uống nước suối rồi về…nên tôi và Tấn Beo rất lo. “Ba” Tấn Tài sống chân thành với đồng nghiệp, hết lòng với anh em nghệ sĩ trẻ. Tôi có nhiều dịp đi diễn show chung với “ba”. Ông rất giản dị trong sinh hoạt và cởi mở với mọi người. Tôi nhớ có lần bầu Hương Loan tổ chức lưu diễn tại miền Trung, đến Phú Yên mỗi đêm diễn 3 sân bãi. Xe của ba Tấn Tài chạy giữa đường bị bể lốp, ba xuống xe móc tiền đưa tài xế “tự xử” rồi tóm lấy một anh xe ôm để đến điểm diễn cho kịp, dù ở đấy cách điểm diễn 15 cây số. Đến nơi, dù tóc dựng ngược, áo quần đầy bụi, nhưng “ba” chỉ hốp một ngụm nước rồi bước lên sân khấu chào khán giả. Câu đầu tiên “ba” Tấn Tài nói: “Kính thưa quý vị, hãy dành một tràn pháo tay thật dài để tặng cho các con của tôi, đó là những ca sĩ trẻ đã cố gắng hết sức để kéo dài chương trình, lấp khoảng trống cho sự chậm trễ của tôi”. “Ba” Tấn Tài thương những ca sĩ trẻ lắm, vì mỗi đêm họ hát 7 đến 10 bài để lấp chỗ cho các nghệ sĩ tên tuổi như “ba”, chạy từ điểm diễn này sang điểm diễn khác. Sau mỗi đêm diễn ba thường lì xì thêm cho các ca sĩ trẻ. Có đêm gặp trời mưa, đoàn hát bị cúp lương, ba dẫn cả đám đi ăn hủ tíu gõ, rồi cũng ngồi ăn chung với các em một cách bình dị. Điều tôi trân trọng hơn là trong các chuyến đi đó, ba dứt khoát không hát nhép. Từ 5 đến 7 bài, riết mà đám em hậu đài, ca sĩ trẻ thuộc thứ tự các bài “ba” ca: An Lộc Sơn, Trống trường thành, Bông ô môi, Người đi ngoài sương gió, Trường làng tôi…và câu ca chót bao giờ cũng là Lệnh Hồ Xung trong vở Tiếu ngạo giang hồ.   Đời nghệ sĩ có một vai tuồng, một bài vọng cổ đã là tuyệt vời, trong khi đó “ba” Tấn Tài của chúng tôi lại vượt lên trên tất cả những điều tuyệt vời khi ông ca 1.000 bài vọng cổ, 500 vở tuồng từ sàn diễn đến thị trường băng dĩa,  đây là điều mơ ước không chỉ của thế hệ chúng tôi. Cách ứng xử đối với những người làm nghề của ba Tấn Tài rất ấn tượng. Một lần có một nghệ sĩ đàn em của “ba” (xin được giấu tên), cự nự ban tổ chức đã quảng cáo trên tên “ba” trước tên người này. “Ba” nghe rồi cười: “Đó là sự tự tin dễ thương…Hồi đó “ba” cũng vậy thôi, dễ tự ái lắm. Nhưng trong nghề của mình, ra sân khấu như ra trận mạc, chứ trên băng rôn thì ai cũng như ai”.Tôi nhớ hoài lời tâm sự rất nghĩa tình của “ba” Tấn Tài. “Ba” ơi, nếu thật sự trên cõi nhân sinh có kiếp sau, thì ba cũng sẽ là người nghệ sĩ của công chúng, của chúng con. Vĩnh biệt ba – người nghệ sĩ đã gắn bó với sân khấu cải lương và là điểm tựa vững vàng của chúng con”.
Theo Thanh Hiệp (ghi)
NLĐ

Đọc thêm