Nghệ thuật và môi trường

Con cá lớn đang bơi giữa làn nước lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu màu ngọc lam xanh biếc của vùng biển Cancun ở Mexico (ảnh). Bên dưới là tác phẩm điêu khắc “Người đi tìm giấc mơ” của họa sĩ người Anh, Jason de Caires Taylor. Đây là một trong số gần 400 tác phẩm điêu khắc theo môtíp đương đại đã được tác giả trưng bày hoàn toàn dưới đáy biển.

Con cá lớn đang bơi giữa làn nước lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu màu ngọc lam xanh biếc của vùng biển Cancun ở Mexico (ảnh). Bên dưới là tác phẩm điêu khắc “Người đi tìm giấc mơ” của họa sĩ người Anh, Jason de Caires Taylor. Đây là một trong số gần 400 tác phẩm điêu khắc theo môtíp đương đại đã được tác giả trưng bày hoàn toàn dưới đáy biển.

Cancun là một bán đảo trong quần thể Yucatan, nằm trong Công viên quốc gia West Coast, thuộc vùng biển Caribee, tiểu bang Quintana Roo, Mexico, một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới với vùng biển có nhiều rặng san hô tuyệt đẹp. Quanh vùng đảo có đến hàng trăm nhà hàng và khách sạn. Mỗi năm, địa danh này thu hút khoảng 300.000 khách du lịch. Để bảo vệ các rặng san hô không bị hư hại bởi sự va chạm, sờ mó của số đông khách du lịch, giám đốc công viên West Coast, ông Jaime Gonzalez cùng các chuyên gia quyết định thực hiện một nhà bảo tàng nghệ thuật dưới nước.

Vào năm 2006, qua sự thừa nhận mang tầm cỡ quốc tế, Jason de Caires Taylor được chọn là tác giả thiết kế và thực hiện “Công viên điêu khắc dưới nước” cho vùng biển du lịch nầy. 3 năm sau, Subaquatic Sculpture, tên Bảo tàng dưới nước lớn nhất thế giới ra đời và trưng bày những tác phẩm điêu khắc của Jasson. Năm nay, Jason de Caires Taylor 36 tuổi. Tuy sinh ra và lớn lên ở Anh nhưng Jasson đã bỏ nhiều thời gian sống trong thời kỳ tuổi trẻ của mình ở châu Á và vùng biển Caribee. Tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật London với bằng cử nhân danh dự bộ môn điêu khắc và gốm – Trợ lý giảng viên đại học có trình độ cao về môn bơi lặn và là nhà thiên nhiên, sinh thái học dưới mặt nước - Giải thưởng “Nhiếp ảnh gia dưới nước” với 14 năm kinh nghiệm về bơi lặn ở nhiều quốc gia.

Có lẽ, chỉ có không gian dưới đáy biển mới đủ “rộng” để trưng bày cách khoảng và rải rác các tượng nhóm. Có nhóm tượng miêu tả 26 đứa trẻ xếp đứng vòng tròn. Có tượng mang đề tài như hội họa - “tĩnh vật”: một cái bàn có ly tách, chai lọ bày biện ở trên; một người đàn ông đang khom người, cặm cụi bên máy đánh chữ cũ kỹ; một người phụ nữ quỳ gối trong tư thế cầu nguyện. Xa xa hơn, một phụ nữ khác, nằm trên tấm thảm trông có vẽ như đang… “tắm nắng” với những đồ dùng thường nhật chung quanh; một người đàn ông đơn độc trên chiếc xe đạp… Và còn nhiều nữa. Qua màn hình Video clip, các tác phẩm im lìm ấy bỗng chốc lung linh, sinh động trong màn nước xanh thẳm, chập chờn ẩn hiện giữa những đàn cá biển mang màu sắc rực rỡ.

Bảo tàng dưới nước lớn nhất thế giới Subaquatic Sculpture đã đi vào hoạt động. Nghệ thuật vừa bảo vệ vừa ngợi ca đời sống của biển. Nhưng liệu nghệ thuật có bảo vệ được môi trường, bảo vệ an toàn trọn vẹn cho các rặng san hô xinh đẹp kia hay chấp nhận sự đánh đổi trái ngược: Đến một ngày nào trong tương lai, các tác phẩm điêu khắc dưới đáy biển sẽ bị bào mòn, biến dạng bởi chính san hô hay các loài sinh tảo khác, đeo bám, phủ trùm.

HOÀNG ĐẶNG

Đọc thêm