650 năm Ngày sinh nhà thơ Imadaddin Nasimi: “Người nổi loạn” vĩ đại

(PLVN) - Năm 2019 được tuyên bố là Năm Imadaddin Nasimi (1369 - 1417) tại Azerbaijan và mới đây, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam đã diễn ra Hội thảo kỷ niệm 650 năm Ngày sinh nhà thơ vĩ đại Azerbaijan Imadaddin Nasimi.
Bức phác họa chân dung nhà thơ Imadaddin Nasimi.
Bức phác họa chân dung nhà thơ Imadaddin Nasimi.

Tâm hồn gần gũi với Việt Nam

Thơ Nasimi cho thấy thiên nhiên, con người và tâm hồn người Azerbaijan rất gần gũi với người Việt Nam, đó là nhận định của Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ khi tiếp Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov. 

Ông Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ tình cảm tốt đẹp ông dành cho đất nước bạn Azerbaijan, một đất nước có nền văn hóa phong phú lâu đời và nền văn học đặc biệt: “Từ những bài thơ được dịch của nhà thơ Nasimi, tôi thấy thiên nhiên, con người và tâm hồn người dân Azerbaijan cũng rất gần gũi với người Việt Nam chúng tôi. Đó là ở sự nhân hậu, nhân văn, tấm lòng bao dung, tình yêu thiên nhiên và con người vô bờ bến”…

Đại sứ Anar Imanov bày tỏ lời cảm ơn với Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức sự kiện nhân năm nhà thơ Nasimi và khẳng định một lần nữa tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Azerbaijan.

“Người Azerbaijan chúng tôi có một câu nói là những người bạn thực sự không chỉ ở bên chúng ta lúc vui mà còn là những lúc khó khăn và tôi rất tự hào khi nói nhân dân Azerbaijan và Việt Nam đã sát cánh cùng nhau cả những lúc khó khăn, tình hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng sâu đậm hơn theo từng năm tháng”, ông Anar Imanov chia sẻ.

Theo Đại sứ, mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia được phản ánh chân thực trong các lĩnh vực từ chính trị đến giao lưu nhân dân và người dân hai nước sẽ càng xích lại gần nhau khi có cơ hội hiểu thêm về văn hóa, truyền thống của nhau. Ông Anar Imanov cũng gửi lời mời ông Nguyễn Thế Kỷ đến thăm Azerbaijan trong năm 2020.

Ông Nguyễn Thế Kỷ và Đại sứ Azerbaijan.
 Ông Nguyễn Thế Kỷ và Đại sứ Azerbaijan.

Năm 2017, UNESCO chính thức tổ chức Lễ kỷ niệm 600 năm ngày mất của Nasimi trong chương trình kỷ niệm các sự kiện lịch sử và các nhân vật nổi tiếng. Năm 2019, Liên minh Thiên văn Quốc tế nhằm vinh danh nhà thơ đã đặt tên ông cho một hành tinh nhỏ - Nasimi.

Thơ Imadaddin Nasimi đã để lại một di sản thơ ca phong phú bằng tiếng Azerbaijan, Farsi và Ả Rập. Thơ của ông đã đóng vai trò rất lớn trong việc tăng cường mối quan hệ văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Làm thế nào để giải phóng tâm trí, giải phóng cảm xúc, tìm kiếm sự hòa hợp giữa bản thân và thế giới xung quanh? Câu hỏi này gần đây trở nên cực kỳ phổ biến trong cuộc sống hôm nay.

Ông được xem là kho báu thực sự của thế giới và chắc chắn rằng tâm trí con người có khả năng tạo ra phép màu, là Imadeddin Nasimi. Ông Nasimi cũng được coi là người sáng lập triết học trong văn học Azerbaijan. Nền tảng của thi ca ông là con người, sự giàu có về tinh thần, thế giới của cái đẹp. Các tác phẩm của ông được xuất bản bằng ba ngôn ngữ.

Imadeddin Nasimi sinh ra tại thành phố Shemakha của Azerbaijan, nơi được coi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trong nhiều thế kỷ và nổi tiếng với bề dày truyền thống thơ ca. Trường học thơ ca, xã hội của các nhà khoa học và nhạc sĩ, những người tài năng nhất thời đó tập trung ở thành phố này.

Không giống như các viện tôn giáo tại các nhà thờ Hồi giáo, các tổ chức này làm việc theo hướng thảo luận, sáng tạo - những người tập hợp ở đó thảo luận về văn học, nghệ thuật và triết học. Đó là môi trường mà nhà thơ vĩ đại trong tương lai đã sống cả tuổi thơ và tuổi trẻ của mình. Sau này, ông Nasimi đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của tư tưởng văn học và nghệ thuật Azerbaijan. 

Ý thơ sâu sắc, chứa đựng tư tưởng lớn

Nhà báo Phùng Ngọc Đức, người có 6 năm sống tại Azerbaijan nhận định, Naisimi là nhân vật nổi tiếng mà mọi từ điển trên thế giới hoặc Wikipedia mở đều gọi là nhà thơ thần bí và mang hơi hướng của một nhà tiên tri. Đọc thơ ông chất thần bí đó và cả sự khó hiểu nữa ngấm dần và những liên tưởng đến các hiện tượng đời sống thời Trung cổ ông sống đến thực tại quanh ta hôm nay. 

Bài thơ nổi tiếng nhất của ông được nhiều người thuộc lòng và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đó là bài  “Trong tôi chứa cả hai thế giới”: “Trong tôi có cả hai thế giới nhưng cả hai thế giới này không thuộc về tôi”…

Ông khẳng định, con người là “viên ngọc quý” ngậm chặt trong miệng trai câm lặng, có thể sở hữu cả ngai vàng, đất đai, biển cả,... Hiểu được cả ý trời những gì có, đang có và lại có đều biểu hiện trong một con người và không thể làm thay đổi bản thể bởi “kết thúc lời nói của bạn là im lặng”. Im lặng để khám phá bản thể cá nhân, con người, thế giới, vũ trụ, đặt cá nhân giữa các quan hệ đó…

Nasimi đã khai phá một lĩnh vực lớn của triết học về bản thể mà từ thời Aristote rồi Phật giáo, Công giáo đều đi tìm một duy danh định nghĩa cho bản thể và vẫn còn gây tranh cãi.  Ngoài ra, cũng như tất cả các nhà thơ nổi tiếng trên thế giới  này, I. Nasami cũng là một vị thần tình ái của Nàng Thơ.

Nhưng bài thơ về tình yêu của ông cũng rất xuất sắc và được truyền tụng. “Van em, xin một điều thôi/ Em đừng che mặt trước tôi, em à/Đừng làm tôi đổ lệ nhòa/Đừng so hương tóc với hoa hương nồng/Van em xin chớ dửng dưng/Với người say đắm vô cùng yêu em”. 

Còn theo dịch giả Phùng Hồ, ông là GS Vật lý, năm nay đã 82 tuổi (người đã dịch nhiều tuyển tập thơ Exenhin) thì Imadaddin Nasimi của nhân dân Azerbaizan được biết đến là “nhà thơ người nổi loạn vĩ đại”.

Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn thông thạo đến nỗi có thể sáng tạo thơ văn được bằng tiếng Ả rập, tiếng Ba Tư (cũ). Ông đã học và làm nghiên cứu về triết học, thần học, logic, toán học, thiên văn học… Và trước hết ông là một nhà thơ, một nhà tư tưởng lớn thời đó. Tất nhiên những tư tưởng đậm chất nhân văn, con người ấy không được chấp nhận.

Thủ đô Baku (Azerbajan).
 Thủ đô Baku (Azerbajan).

Chính vì vậy, nhà thơ “người nổi loạn vĩ đại” bị hành quyết dã man. Tuy nhiên, sự đầy đọa khủng khiếp về thể xác đã không khuất phục được tư tưởng ý chí của Nasimi, người nêu một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, chí anh hùng, đức kiên trung với lý tưởng của mình.

Dịch giả Phùng Hồ bày tỏ, trước hết tôi xin thú nhận thơ Nasimi không chỉ khó dịch mà còn rất khó hiểu. Bởi trong thơ ông đề cập đến những khái niệm, những nguyên lý triết học rất sâu sắc và cao xa, những tư tưởng tôn giáo, quan hệ giữa con người với thượng đế, giữa tâm hồn với thể xác… Tôi đã hoang mang trước những câu thơ này: “Trong tôi chứa cả hai thế giới/Nhưng thế giới này chẳng chứa tôi/Chính là tôi, tôi chẳng có nơi/Và tôi không có trong thực tại…’’.

Bên cạnh đó, một mảng rất lớn trong thơ Nasimi là ca ngợi cái đẹp: Cái đẹp thiên nhiên, cái đẹp con người, cái đẹp thể xác, cái đẹp tâm hồn vốn rất giàu có ở quê hương ông: “Những nụ hoa vào mùa nở mới/Hoa hồng như khuôn mặt mở khăn che/Vườn tràn đầy tiếng hót họa my/Hòa khí say hòa âm trở lại”…

Và cái đẹp được ngợi ca nhiều nhất vẫn là sắc đẹp của người  phụ nữ ở quê hương ông, ở vùng Tây Á, Trung Đông là vẻ đẹp không đâu sánh bằng. Thơ ông, từ 650 năm trước đã đầy chất trữ tình, ngọt ngào: “Ai đã đem so sánh dáng hình em/Với hoa hồng và hoa nhài đang nở/Kẻ hái những hoa hồng, hoa nhìa đỏ/Quên hẳn từ đâu vẻ đẹp này…”.

Có một bài thơ có tên là “Bím tóc em”, vì chỉ để dành ngợi ca vẻ đẹp người con gái. Điều đặc biệt ở một số bài thơ đều có kết thúc bằng “Bím tóc em” như một vẻ đẹp vô cùng ám ảnh, thân thương: “Tâm hồn tôi thực chất - tâm hồn em/Trong bím tóc một phần cất giấu/ Em là chỗ dựa tâm hồn trong thể xác/Sự giúp đỡ tâm hồn - bím tóc em…”.

Một bài thơ khác có tên là “Nốt ruồi”, bởi tất cả các khổ đều kết thúc bằng nốt ruồi, để mô tả vẻ đẹp quyến rũ, duyên dáng trên khuôn mặt người phụ nữ Tây Á xinh đẹp, bí ẩn: “Ôi, lúm đồng tiền trên má hồng tươi/Sâu như bể babilon đáy giếng/Những kẻ si tình dễ dàng bị dính/Bị nhốt vào tù bởi chính nốt ruồi”… 

Dịch giả Phùng Hồ bày tỏ, nhà thơ đã dùng rất nhiều hình tượng để diễn đạt, bày tỏ ý của mình, khi to mênh mông như vũ trụ, khi nhỏ xíu như nốt ruồi, ở đâu cũng rất đắt. Tôi rất ngưỡng mộ sự tinh tế trong thơ Nasimi! Imadeddin Nasimi là một đỉnh cao thi ca của đất nước Azerbaijan suốt 650 năm và đến mãi về sau vẫn sừng sững bên trời Tây mà do cách xa về địa lý cũng như ngôn ngữ chúng ta chưa biết nhiều mà thôi…