'Bán' tác phẩm để chế nhạc quảng cáo, lợi hay hại?

(PLVN) - Dẫu biết, nhạc chế quảng cáo (dù đã xin phép) có thể đáp ứng nhu cầu giải trí tức thời, đem lại lợi nhuận cho chủ sở hữu quyền tác giả nhưng về lâu dài, những bài nhạc chế quảng cáo ấy sẽ ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật, ý nghĩa chuyển tải của tác phẩm nguyên gốc. 
Ca sĩ Hồng Nhung hát bài chế khiến nhiều người yêu nhạc phản ứng.
Ca sĩ Hồng Nhung hát bài chế khiến nhiều người yêu nhạc phản ứng.

Vì vậy, rất nhiều nhạc sĩ đã từ chối các công ty quảng cáo sản phẩm chế nhạc của mình mặc cho họ có trả giá cao để gìn giữ sự chuẩn xác “đứa con tinh thần” của mình. Việc từ chối “bán” ca khúc ấy, đó cũng là cách tôn trọng những người đã yêu tác phẩm của mình.

Lùm xùm sửa lời ca khúc phục vụ quảng cáo

Gần đây, khán giả xem truyền hình cảm thấy “choáng” khi ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp bị sửa lời thành “phở Hà Nội” trong một số đoạn quảng cáo trên truyền hình.

Cụ thể, ca sĩ Hồng Nhung đã hát đoạn: “Lấy bối cảnh đang biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Hồng Nhung mặc áo dài, cất giọng hát: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành…”. Một bài hát kinh điển về Hà Nội bị “lai tạp” như vậy khiến hàng triệu người yêu mến ca khúc đó không khỏi bức xúc. Bài hát chế đã làm hỏng tinh thần và giá trị của bài hát nguyên gốc. 

Ông Lưu Nguyễn, con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho biết: “Phía Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không hề báo cho gia đình khi ký hợp đồng với công ty quảng cáo việc có sửa lời bài hát gốc. Nếu chúng tôi nhận được thông báo nội dung ca khúc bị sửa lại lời mới như thế, chúng tôi sẽ không đồng ý và đề nghị khai thác dưới hình thức khác.

Họ đã không xin phép, mà còn tùy tiện sửa lời bài hát một cách ngược ngạo như vậy. Gia đình chúng tôi phản đối thái độ tự ý chế nhạc ca mà trong đoạn quảng cáo ấy. Cha tôi nếu còn sống, chắc chắn cũng không đồng ý cho người khác xâm phạm tác phẩm của mình với mục đích thương mại! Gia đình chúng tôi đã đề nghị VCPMC làm rõ vướng mắc này”.

Ông Lưu Nguyễn thông tin thêm, gia đình ông đã ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC thay mặt gia đình quản lý và bảo vệ tác quyền đối với các sáng tác của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, từ tháng 5/2009. Trong đó có mục tác phẩm phái sinh, tức là Trung tâm được uỷ quyền trao đổi khai thác tác phẩm gốc cho sản phẩm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa bao giờ xảy ra sự việc sử dụng lời ca khúc “Nhớ về Hà Nội” để phục vụ cho việc quảng cáo”. 

Trước sự lùm xùm này, đại diện VCPMC cho biết, Trung tâm ký hợp đồng cấp phép sử dụng tác phẩm với một đơn vị truyền thông, trong đó cho phép sử dụng bài hát “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm nhạc nền quảng cáo sản phẩm “Cung đình phở bò Hà Nội”, “Cung đình phở gà Hà Nội”.

Hợp đồng này kéo dài 1 năm, kể từ ngày 1/5/2019 đến ngày 30/4/2020. Phía VCPMC và đại diện đơn vị truyền thông đã gọi điện xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Để tránh “vết xe đổ”, ông Lưu Nguyễn cũng cho biết từ nay về sau, gia đình sẽ làm phụ lục hợp đồng khác với VCPMC.

Việc chế lời ca khúc hit và ca sĩ hot để quảng cáo từ khá lâu đã trở nên phổ biến, được nhiều nhãn hàng ưa chuộng để thu hút khán giả, người tiêu dùng. Nhạc truyền thống cách mạng, nhạc trẻ, nhạc xưa... nổi tiếng đều vào “tầm ngắm” của các nhãn hàng. “Ước gì, ăn mà không nặng nề. Ước gì Tết nào cũng nhẹ nhàng. Cả nhà mình đừng lo nữa nha" - bài hát nổi tiếng được chế lời này, do chính ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện để quảng cáo cho sản phẩm thức uống.

Bản nhạc ăn khách "Yêu không đòi quà" cũng chế cho quảng cáo một thương hiệu điện máy: "Từ phụ kiện tới smartphone, tablet, laptop gì cũng có. Em ơi yêu anh đi mà. Muốn chi đã có anh lo. Luôn luôn tặng em quà như ý". Các nhãn hàng khác còn chế bài hit “Anh là soái ca” "Bống bống bang bang" để quảng cáo sản phẩm của mình.

Có rất nhiều nhãn hàng đã chế lời thô thiển, gượng ép, cố nhồi tên sản phẩm cũng như công dụng sản phẩm ấy vào những bài hát có lời ca hay, ý đẹp. Ví như bài “Duyên phận” bị “ép” lời thành: "Phận là phụ nữ. Mua đồ là đam mê. Quạt nồi, bếp gas, bình, tách, ly muốn mua "quài quài". Mua ngay chị ơi. Giá không cần lo...”

Vì sao nhiều nhạc sĩ đã từ chối “bán” ca khúc?

Quyền nhân thân của tác giả, quyền tài sản đều đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ với tiêu chí bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Bộ luật Hình sự cũng có quy định phạt tiền thậm chí phạt tù với người sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình. Việc chế bài hát thành bài quảng cáo đã có thể tăng lợi nhuận công ty nhưng lại có thể kéo lùi... nghệ thuật của tác phẩm nguyên gốc.

Ca sĩ và người nghe có thể dễ bị nhầm lẫn lời giữa tác phẩm nguyên gốc và tác phẩm chế. Vì lẽ đó, sự cảm thụ giá trị nghệ thuật, ý nghĩa bài hát của người yêu nhạc bị “rơi rụng” đi nhiều.

Phương Lan - một ca sĩ hát hội chợ cho hay: “Vì nghe nhạc chế bài “Bao giờ lấy chồng” mà có lần biểu diễn tại một sự kiện đã nhầm lẫn lời bài hát nguyên gốc với lời bài hát chế có gắn tên nhãn hàng. Mọi người cười ồ khiến tôi xấu hổ muốn độn thổ. Có người chỉ trích tôi trên mạng xã hội là đã làm hỏng bài hát”. Nhạc sĩ Quốc Bảo cho hay: “Dù có là nhạc quảng cáo thì nó vẫn cần phải mang hình hài của một tác phẩm nghệ thuật”. 

Nếu tác phẩm của mình bị chế với những lời nhảm nhí, cốt chỉ khoe mẽ, quảng cáo sản phẩm sẽ làm hỏng giá trị bài hát nguyên gốc dù đã được các nhãn hàng xin phép hay trả tiền tác quyền thì các nhạc sĩ ấy khó có thể vui vẻ. Việc từ chối “bán” ca khúc, đó cũng là cách những nhạc sĩ tôn trọng hàng triệu người đã yêu tác phẩm của mình. 

Đọc thêm