'Bảo tồn' nghệ nhân

(PLVN) - Ở tuổi 97, Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, người được giới âm nhạc dân gian mệnh danh là “Đệ nhất danh cầm đàn đáy” qua đời  vào ngày 22/3. Thông tin này khiến nhiều người yêu mến ca trù bất ngờ, tiếc nuối. 
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (ngoài cùng bên trái)
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (ngoài cùng bên trái)

Sự ra đi của nghệ nhân Phú Đẹ với nhiều người lại như nhắc lại sự day dứt bấy lâu nay. Đó là chúng ta đang dần mất đi những tinh hoa nghệ thuật mà đôi khi vốn liếng hiểu biết của họ vì nhiều lý do chưa kịp để lại cho đời sau.

Nhiều nghệ nhân chỉ có ao ước được có cơ hội truyền dạy kiến thức cho lớp trẻ mà sao cũng thấy khó. Báo chí đã từng viết về nghệ nhân Minh Đức, một “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật hát bài chòi ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, hàng ngày phải đi bán vé số, ve chai để kiếm sống. Thỉnh thoảng có ai mời, bà đi hát bài chòi nhận tiền lẻ thù lao.

Bà Minh Đức mong muốn có một câu lạc bộ hay lớp học nào đó để có thể tới truyền dạy kiến thức về bài chòi cho lớp trẻ và cũng có thêm thu nhập đủ sống để không phải đi lượm ve chai mỗi ngày. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan, ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) do không đủ điều kiện trợ cấp cũng phải làm nông nghiệp kiếm sống. 30 năm lưu giữ, nghiên cứu điệu hát cổ, bà ước ao có thể mang kiến thức đó truyền dạy cho lớp trẻ và có tiền đủ sống tuổi già mà không phải chật vật lo bữa ăn mỗi ngày... 

Nghệ nhân dân gian (NNDG) là người có công trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều loại hình tri thức dân gian, trình diễn văn hóa truyền thống khác nhau. Con số NNDG được vinh danh trên khắp mọi miền đất nước hiện nay đã lên đến hàng nghìn. Những năm gần đây, Nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc bảo tồn các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Song NNDG - những người góp công sức không nhỏ vào việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa quý báu đó lại chưa được hưởng sự đãi ngộ hợp lý. 

Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ cho các nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân có hoàn cảnh khó khăn thực thi từ năm 2016 với ba mức hỗ trợ là 1 triệu đồng, 850.000 đồng và 700.000 đồng cho mỗi người hàng tháng. Có khoảng gần 600 nghệ nhân được hưởng trợ cấp khó khăn theo tinh thần của Nghị định này, theo ước tính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Con số này thực chất vẫn là nhỏ so với hàng nghìn nghệ nhân đã được phong danh hiệu, nhưng vẫn sống trong điều kiện mưu sinh khó khăn, thiếu thốn, không có môi trường hoạt động.  Thực tế, vẫn còn rất nhiều “báu vật nhân văn sống” đang phải sống trong cảnh già yếu, không có trợ cấp, không được bảo đảm cuộc sống tốt để có thể cống hiến kinh nghiệm của mình cho cộng đồng.

Từng có nhiều ý kiến cho rằng với các NNDG, câu chuyện không phải là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hàng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao? Cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, duy trì sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe để họ có thể cống hiến lại cho cộng đồng.

Song song với đó là chính sách giúp họ sử dụng, phát huy các tri thức mình đang nắm giữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung. Và quan trọng hơn cả là các nghệ nhân phần lớn đều đã cao tuổi, mọi chính sách hỗ trợ họ cần phải được hiện thực hóa sớm nhất có thể, nếu không sẽ là quá muộn…