Chùm hài kịch “Tốc độ” – hồi chuông thức tỉnh văn hóa giao thông

(PLVN) - Những ngày đón chào năm mới, sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ chộn rộn hơn bởi chùm hài kịch “Tốc độ”. “Đặc sản” hài kịch này do “Giáo sư Cù Trọng Xoay”- Đinh Tiến Dũng viết kịch bản, NSƯT Sĩ Tiến đạo diễn, được ví như một hồi còi cấp cứu “thức tỉnh” ý thức tham gia giao thông của khán giả.
Chùm hài kịch “Tốc độ” – hồi chuông thức tỉnh văn hóa giao thông

Chùm hài kịch “Tốc độ” nằm trong dự án đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 4 nhà hát ở Hà Nội gồm Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng xây dựng tác phẩm về chủ đề an toàn giao thông.

Chọn hình thức hài kịch để thể hiện chủ đề này một cách mềm mại và thấm thía, Nhà hát Tuổi trẻ đã chứng minh thế mạnh và “đặc sản” của mình nhiều năm qua ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Dưới ngòi bút của “Giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng và bàn tay tài tình của đạo diễn Sĩ Tiến cùng sự thể hiện của các nghệ sĩ hài tên tuổi như Đức Khuê, Vân Dung, Thanh Tú, Quang Ánh, Bá Anh, Quỳnh Dương, Như Quỳnh, Mạnh Đạt... khán giả cười đấy mà lại rưng rưng nước mắt.

Khi lựa chọn tên gọi “Tốc độ” cho chùm hài kịch, các tác giả hẳn đã muốn nhắc nhở mọi người phải giữ an toàn khi tham gia giao thông. Kiểm soát tốc độ, kiểm soát “tửu lượng”.
Khi lựa chọn tên gọi “Tốc độ” cho chùm hài kịch, các tác giả hẳn đã muốn nhắc nhở mọi người phải giữ an toàn khi tham gia giao thông. Kiểm soát tốc độ, kiểm soát “tửu lượng”. 

“Đường tắc mắc duyên” kể về anh chàng cảnh sát giao thông lần đầu tiên ra mắt bố mẹ người yêu. Anh chàng “dở khóc dở cười” khi bị bố mẹ vợ tương lai “sát hạch” với những tình huống rất oái oăm như đã từng nhận tiền “mãi lộ” bao giờ chưa, khi bố mẹ vợ bị cảnh sát giao thông thì “xin xỏ” đồng đội như thế nào?.

Vấn đề được mọi người quan tâm này được giải quyết hết sức tế nhị, anh chàng Trung úy Phan Thanh Nam khẳng định dù có một vài trường hợp không tránh được cám dỗ nhưng bản thân anh, anh chưa hề nhận lần nào. Bởi theo anh, cầm đồng tiền đó rất nhục. Hơn nữa “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, không nên đánh đổi tương lai bằng những đồng tiền không trong sạch. Tiểu phẩm cũng khéo léo cài cắm tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ cảnh sát giao thông với sự hi sinh, vất vả thầm lặng của họ. Bữa cơm ra mắt vừa dọn ra, Phan Thanh Nam phải vội vàng đi thực hiện nhiệm vụ vì một tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Điều đó khiến người vợ tương lai xác định “đợi cơm cả đời”.

“Bạn thân” là câu chuyện phổ biến trong đời sống hiện tại. Những người bạn bù khú đàn đúm, mang tiếng là thân nhau nhưng chỉ thân trên bàn nhậu. Biết bạn mình không uống được nhưng vẫn nài ép uống cho bằng được. Lúc bạn bị tai nạn còn kéo nhau đến bệnh viện quậy phá hò hét nhau nhậu tiếp. Với triết lý của những kẻ say, tiểu phẩm này khiến khán giả cười nghiêng ngả như đang chứng kiến những trận nhậu “long trời lở đất”.

"Tốc độ" khiến khán giả cười đấy mà lại rưng rưng nước mắt.
"Tốc độ" khiến khán giả cười đấy mà lại rưng rưng nước mắt. 

"Quán ân nhân” cũng nói lên tình trạng phổ biến của các đô thị hiện đại, điển hình là Hà Nội. Đó là tình trạng người bán hàng trà đá nước vối lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ phải lao xuống lòng đường, đi qua dải phân cách gây nên biết bao tai nạn. Những người thiếu văn hóa khi tham gia giao thông còn thể hiện ở chỗ khi gây tai nạn mọi người đều đổ lỗi cho nhau, tranh cãi “mồm năm miệng mười” để đẩy lỗi sang cho người khác chứ không ai chịu nhận trách nhiệm về mình.

“Sương mù” lại mang đến câu chuyện về chàng thanh niên vì muốn chứng tỏ sự nhiệt tình của mình với đối tác, với lãnh đạo mà uống rượu say quá rồi gây tai nạn nhưng lại hèn nhát bỏ trốn. Chín năm anh ở trong tù là 9 năm dằn vặt của bản thân, đêm nằm không thể ngủ được khi hình ảnh người phụ nữ chết dưới bánh xe của mình hiện về. Chín năm đó cũng là 9 năm đầy khó khăn của cả gia đình khi đối mặt với dư luận, với lương tâm. Hành trình trở về hòa nhập với xã hội của anh càng khó khăn hơn khi vấp phải sự trách móc, đổ lỗi của chính người thân. Sự đấu tranh đến cao điểm khi màn sương mù tan đi, mọi người đều nhận ra sự cần phải thay đổi của mình.

NSƯT Sĩ Tiến đã khéo léo kết hợp giữa kịch nói và kịch hình thể, điện ảnh, công nghệ 4.0 vào vở diễn.
NSƯT Sĩ Tiến đã khéo léo kết hợp giữa kịch nói và kịch hình thể, điện ảnh, công nghệ 4.0 vào vở diễn.  

“Tốc độ” mang tới cho khán giả cảm xúc nhiều chiều về thị giác và âm thanh, tác động mạnh hơn, hiệu quả hơn khi xem vở diễn. Đặc biệt âm thanh chói tia, chát chúa, hình ảnh trình chiếu những vụ tai nạn thảm khốc, thậm chí miêu tả sự rời đi của linh hồn… gây sợ hãi và “ám ảnh” khán giả, tác động mạnh trong tâm trí.

Chùm hài kịch “Tốc độ” công chiếu vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần tại Nhà hát Tuổi trẻ mang đến tiếng cười hết sức sảng khoái nhưng đầy ý nghĩa. Qua đó, chùm kịch góp phần thức tỉnh trách nhiệm và tôn vinh văn hóa giao thông của mỗi người, điều vô cùng cần thiết và quan trọng để mỗi chuyến đi đều được trọn vẹn niềm vui.

Đọc thêm