'Đường về Thăng Long'

(PLVN) - Sau 4 năm lao động miệt mài, Nguyễn Thế Quang ra mắt tiểu thuyết “Đường về Thăng Long”, do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh in và phát hành.

Ngay từ tên tác phẩm, chúng ta đã phần nào thấy cách tiếp cận đề tài của Nguyễn Thế Quang là không chỉ miêu tả một danh tướng Võ Nguyên Giáp mà còn mở rộng diện phản ánh một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước, với nhiều nhân vật tên tuổi khác nữa. 

 

Đọc tác phẩm, chúng ta thấy tác giả đã chọn không gian, thời gian là những năm đầu thế kỷ XX, khi những ngọn cờ của phong trào Cần Vương đã ngã xuống, lớp lớp sĩ phu cũ, những trí thức mới cùng dân tộc tiếp bước đứng lên quyết giành lại non sông với nhiều cách nghĩ và hành động khác nhau. Do đó, đã phản ánh một giai đoạn có thể nói là dữ dội, phức tạp và bi tráng của dân tộc hơn nhiều những cuộc khởi nghĩa trước đây.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang  là tác giả 3 tiểu thuyết lịch sử “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống” (viết về Nguyễn Công Trứ) và “Khúc hát những dòng sông” (viết về bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Hồ Chủ tịch).  Cả 3 tiểu thuyết đều được giải thưởng, trong đó “Thông reo Ngàn Hống” sau khi đạt giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, lại vừa được trao tặng thêm Giải thưởng ASEAN. 

Bạn đọc bắt gặp ở đây nhiều nhân vật đủ các thế hệ, các tầng lớp, làm nên diện mạo lịch sử của một thời chưa xa mà công chúng tưởng như đã “quen thuộc”: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại...

Đưa vào tác phẩm rất nhiều nhân vật có tầm cỡ lớn trong sự phức tạp của lịch sử mà sách, báo đã viết khá nhiều là một thách thức lớn đối với tác giả. Làm thế nào để bạn đọc “gặp lại” một tên tuổi quen biết mà vẫn xúc động, ngỡ ngàng và cả thao thức như trước một vẻ đẹp, một kho báu mới lạ và bí ẩn?  

Với tư duy của một nhà tiểu thuyết đã từng có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết lịch sử như “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống”, tác giả Nguyễn Thế Quang đã đi sâu khai thác đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người qua các xung đột dữ dội, những thành công và thất bại đau đớn, những bài học đắt giá, nhờ đó, thế giới nhân vật trở nên đa dạng, sinh động và chân thực. 

Trong “Đường về Thăng Long”, tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật” - đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hoặc là những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có. Ví như những trang miêu tả những cuộc gặp gỡ giữa Võ Nguyên Giáp với các trí thức, nhân sĩ hàng đầu đất nước, với cả “vong linh” người vợ trẻ đã quá cố Nguyễn Thị Quang Thái, hoặc những thao thức của các nhân vật “phức tạp” như học giả Trần Trọng Kim, nhà văn Nguyễn Tường Tam trước những xoay chuyển của thời cuộc...

Nhờ vậy, đã mở rộng biên độ phản ánh của “Đường về Thăng Long”, tạo nên một thế giới nghệ thuật có sức hút độc giả - điều mà chỉ nhà tiểu thuyết mới làm được. 

“Đường về Thăng Long” vẫn theo cách viết truyền thống. Tuy vậy, tác giả đã có sự đổi mới mạnh mẽ về kết cấu, về sử dụng bút pháp dòng ý thức, điểm nhìn đa chiều so với các tiểu thuyết trước đây của mình. Điều nổi bật nhất là chất đối thoại, phản biện bao trùm toàn tác phẩm, xuyên suốt trong từng nhân vật, giữa các nhân vật, cuốn người đọc vào những cuộc đối thoại không ngừng. 

“Đường về Thăng Long” là một cuốn tiểu thuyết có sức nặng tư tưởng, thể hiện những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá các sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước ta.