Hang đá cứu 2000 bức tranh quý thoát tai họa phát xít Đức

(PLVN) - Gần 80 năm trước, vùng Snowdonia chuẩn bị đón một số bức tranh được cho là quý giá nhất thế giới. Trên khắp châu Âu lúc bấy giờ, phát xít Đức đã cướp bóc và phá hủy vô số tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng triệu USD.
Các tác phẩm nghệ thuật được chuyển vào hang trên hệ thống đường ray hẹp.
Các tác phẩm nghệ thuật được chuyển vào hang trên hệ thống đường ray hẹp.

Khi quân Đồng minh rút khỏi Dunkirk, bom dội xuống London và một cuộc xâm lược của phát xít Đức dường như là điều không thể tránh khỏi. Sự chú ý được dồn sang câu hỏi làm thế nào để bảo vệ bộ sưu tập nghệ thuật của Bảo tàng Quốc gia London.

Kể từ thời điểm Thế chiến II nổ ra, các bức tranh quý đã được lưu giữ tại nhiều địa điểm khác nhau ở Wales nhưng những nơi này không phù hợp cho mục đích sử dụng lâu dài.

Năm 1940, thủ tướng Anh Winston Churchill có một câu nói nổi tiếng về kho báu nghệ thuật của quốc gia: "Giấu chúng trong hang động và hầm rượu nhưng không một bức tranh nào sẽ rời khỏi đây".

Các chuyên gia đã lùng sục khắp nước Anh để tìm nơi cất giấu cho đến khi họ phát hiện ra mỏ đá Manod ở Blaenau Ffestiniog, Gwynedd, Wales. Núi Manod là địa điểm khai thác đá nổi tiếng suốt hơn một thế kỷ. Hoạt động khai thác đã tạo ra những hang động lớn ở trung tâm ngọn núi, được bao phủ bởi hàng trăm mét đá phiến và đá granit. Chúng gần như không thể bị bom phá hủy. Bên cạnh đó, nơi đây còn khá hẻo lánh, khiến nhiệm vụ giữ bí mật trở nên dễ dàng hơn.

Suzanne Bosman, nhà nghiên cứu tranh tại Bảo tàng Quốc gia London, tác giả cuốn sách "Bảo tàng Quốc gia London trong thời chiến", nhận định nỗ lực di chuyển gần 2.000 tác phẩm nghệ thuật của các danh họa như Leonardo da Vinci, Rembrandt, Van Dyck, Turner hay Constable là một công việc vô cùng khó khăn.

"Các mỏ đá lạnh và ẩm ướt không phải nơi thực sự lý tưởng để lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Vì thế, trước khi chuyển chúng vào, họ phải xây 6 căn phòng kiểm soát điều kiện môi trường bên trong lòng núi", Bosman giải thích.

"Thực tế, điều kiện lưu trữ các tác phẩm ở Manod tốt hơn đáng kể so với điều kiện tại nơi chúng được trưng bày ở Bảo tàng Quốc gia trước chiến tranh và việc sơ tán đã dạy cho đội ngũ nhân viên rất nhiều về công tác bảo quản, thậm chí cả sau chiến tranh", bà cho biết thêm.

Kỹ sư đọc dữ liệu về độ ẩm trong một buồng ngầm thuộc mỏ đá.
Kỹ sư đọc dữ liệu về độ ẩm trong một buồng ngầm thuộc mỏ đá.

Những bức tranh lớn nhất được đóng trong các thùng chứa khổng lồ và chuyển bằng đường bộ. Những tranh nhỏ hơn được chuyển bằng xe bưu điện và xe tải giao hàng Cadbury nhằm tránh gây chú ý. Sau đó, người ta tiếp tục di chuyển chúng trên hệ thống đường ray khổ hẹp được thiết kế đặc biệt để đi thẳng tới các buồng kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, theo Bosman, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Có những bức tranh lớn quá khổ khiến việc di chuyển chúng trong những con đường chật hẹp dẫn tới mỏ đá Manod tưởng chừng như bất khả thi.

Chính phủ Anh vẫn giữ hợp đồng thuê mỏ đá Manod tới những năm 1950 để làm nơi lưu trữ dự phòng trong trường hợp một cuộc chiến tranh nữa nổ ra. Tuy nhiên, mỏ đá và các căn phòng xây bên trong nó hiện không được bảo trì, bảo dưỡng nên đã xuống cấp và việc tiếp cận bị kiểm soát chặt chẽ.

Bosman trở thành một trong rất ít người được đi vào mỏ đá Manod sau 1/4 thế kỷ khi bà cùng nhà thám hiểm, tác giả Will Millard thực hiện chương trình khám phá các địa điểm bí mật ở xứ Wales.

Millard miêu tả đây là trải nghiệm xúc động nhất trong suốt sự nghiệp thám hiểm và viết lách của ông.

"Tôi hoàn toàn choáng váng trước những gì họ làm được tại nơi đây chỉ trong 6 tháng. Nó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự khéo léo và quyết tâm của người Anh trong thời chiến", ông nói. "Ở bên trong hang, bạn vẫn có thể thấy những dấu vết trên tường nơi treo các bức tranh và sàn nhà được gắn đầy ẩm kế cùng nhiệt kế để theo dõi điều kiện môi trường. Thật đáng tiếc khi rất ít người được chứng kiến điều này. Chúng ta đang để một phần di sản quốc gia chìm vào quên lãng".

Đọc thêm