Lê Đình Cánh, nhà thơ hồn hậu và thánh thiện

Sau Tết, tôi gọi điện thoại cho ông thì máy đã không còn liên lạc. Tôi nghĩ chắc ông mệt và chưa nghĩ đến điều xấu, dẫu biết ông bệnh nan y đã từ lâu. Vậy mà hôm nay, ông đã đi xa.
Nhà thơ Lê Đình Cánh (phải) và tác giả.
Nhà thơ Lê Đình Cánh (phải) và tác giả.

Nhà thơ Lê Đình Cánh sinh ngày 21/9/1941, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hoá. Ông tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, sau đó học thêm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lê Đình Cánh từng là giáo viên dạy văn hóa của lực lượng Thanh niên xung phong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có nhiều năm công tác ở Ban Văn nghệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam trước khi nghỉ hưu.

Lê Đình Cánh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Những ngày bị bệnh trọng, bạn bè, anh em, gia đình, đồng nghiệp đến thăm, ông vẫn lạc quan và luôn nghĩ tới đồng nghiệp, bạn bè. Ông nhớ tới từng chi tiết, từng gương mặt, từng tính cách... Điều đặc biệt của nhà thơ Lê Đình Cánh là lúc nào cũng nghĩ đến công việc. Trước Tết Kỷ Hợi, sang thăm ông, ông vẫn nói với tôi: “Em xem có đơn vị nào gần gần anh em mình đi viết bút ký”. Nhìn ông gầy, da xanh tôi rất ái ngại nhưng vẫn động viên ông: “Em sẽ cố gắng liên hệ”.

Lê Đình Cánh là nhà thơ viết bút ký xuất sắc. Bút ký của ông đầy “chất thơ”. Tôi vẫn mê Vũ Bằng với “Thương nhớ mười hai”, Phạm Ngọc Cảnh với “Cát trinh nguyên” và Lê Đình Cánh. Trong tác phẩm văn xuôi Lê Đình Cánh, nhiều câu chuyện tưởng chừng dễ trôi đi nhưng nhờ những quan sát, sự suy ngẫm theo chiều sâu của nhà văn, những chi tiết đã mắc lại trong dòng ngẫm nghĩ vượt khỏi thông tin báo chí, thông tấn. 

Lê Đình Cánh có phong cách bút ký của riêng ông. Đó là sự thăng hoa của những chi tiết đời thường. Chi tiết là cái tứ cho câu chuyện và cũng là những vỉa quặng đốt cháy ngọn lửa soi sáng dòng chảy của bút ký. Ông đi nhiều, nhiều nơi tín nhiệm mời ông đi thực tế để viết. Bút ký của ông nâng lên thoát ra khỏi những hợp đồng, những "cú bắt tay" với địa phương, ngành nghề, doanh nghiệp để trở thành câu chuyện chung, khái quát từ những chuyện riêng, chi tiết lẻ.

Tập bút ký “Miền chầu văn” xuất bản năm 2015 của ông có nhiều bài viết về những đổi thay của đất nước như: “Nẻo đường quê hương”, “Cầu Vĩnh Tuy”, “Cầu Nhật Tân”, “Mưa xuân”, “Dòng sông không bị lãng quên”...Ông là một trong những nhà thơ luôn nói về quá khứ với sự trân trọng và bàn đến tương lại với nhiều dự cảm. Đặc biệt, ông thánh thiện đến đáng yêu trong suy nghĩ.

Nhắc đến Lê Đình Cánh, người ta vẫn gọi ông là nhà thơ. Thơ ông neo ngòi bút vào dòng lục bát. Đó là sở trường thơ ông, được thừa nhận có vị trí nhất định trong làng thơ. Nhiều bài xếp vào hàng độc đáo. 

Hơn 50 năm cầm bút với tính cách lặng lẽ, ngại phô trương, ông đã xuất bản in các tập thơ: "Đất lành" (1986), "Người đôn hậu" (1990), "Trời dịu" (2001), "Sông Cầu Chầy" (2015) và văn xuôi ngoài “Miền chầu văn” như đã nói ở trên, ông còn có "Vùng đất sẽ có tên" (NXB Thanh Hoá, 1985 "Đường xuân" (NXB Quân đội nhân dân, 2003), "Nắng Nghi Sơn" (NXB QĐND, 2013).

Trên cả những tác phẩm, con người xứ Thanh hồn hậu, chân tình như ông đã khiến những người gần gũi ông trân trọng, yêu tin. Những lúc sang nhà thăm ông, lúc thì ra vườn ông chọc quả khế, lúc thì gói bánh, ông cứ bảo mang về làm quà cho cháu. Ông đã ra lặng lẽ ra đi. Nhớ ông và thương cảm một nhân cách sống cả đời vì vẻ đẹp văn chương,

Dường như năm 2018 và 2019 là năm “nghiệt ngã” với các nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo tác giả của “Đồng dao cho người lớn” vừa qua “49 ngày”, nay nhà thơ Lê Đình Cánh cũng đã đi xa. Vĩnh biệt ông, con người hồn hậu và mê mải.

Xin giới thiệu một bài thơ của ông Lê Đình Cánh về mẹ, nhân trước thềm 8/3.

Mẹ ra Hà Nội

Mẹ ra Hà Nội thăm con

Vừa trên tàu xuống chân còn run run

Áo nâu còn đẫm mưa phùn

Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non

Sang đường tay níu áo con

Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều.

Khoác vai mẹ, chiếc đãy nghèo

Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay

Ðưa con trốn ngục những ngày

Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao…

Ðã từng mở giữa trời sao

Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo

Củ khoai bẻ nửa nắng chiều

Bờ mương thoai thoải dài theo công trường

Ðưa con đánh Mỹ lên đường

Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà.

Bà ra bế cháu của bà

Những mong cùng ước lòng bà hôm mai

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể gặp ai cũng chào

Lời ru bà thuộc thuở nào

Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa

Ðể hồn cháu có núi Nưa

Tiếng cồng Bà Triệu ngày xưa vọng về

Lam Sơn rừng núi ba bề

Lũng Nhai vọng mãi lời thề nước non

Trải bao sông cạn đá mòn

Còn con còn cháu nên còn cha ông

Mới xa đã nhớ ruộng đồng

Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu

Run run mẹ bước lên tàu

Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà.