Món ăn và những câu chuyện tình

(PLVN) - “Sau cùng tôi nhận ra rằng, những cung bậc cảm xúc  tuyệt vời nhất  liên quan đến một không gian ẩm thực  luôn đến từ trái tim, từ những rung cảm vi tế… Một bữa ăn có thể nấu lại, nhưng người ngồi xuống cùng nâng chén ngày hôm đó sẽ đến lúc ra đi vĩnh viễn”…
Món ăn và những câu chuyện tình

Chúng ta ăn bữa ấy như thế nào, với ai?

Chương Đặng khởi nghiệp là nhà thiết kế, kinh doanh thời trang nhưng tiếp đó anh trở thành chuyên gia ẩm thực, kinh doanh nhà hàng, viết báo, TV host, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Trên Facebook của anh có hơn 38 ngàn người theo dõi, anh luôn có một nét duyên riêng, nhẹ nhàng, tinh tế. Và món ăn của anh cũng vậy, là những công thức của kí ức, tình yêu, là ân cần, nêm nếm và bay bổng… 

 “Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu” kể chuyện người nêm -người nếm thức ăn trong căn nhà nhỏ, ở băng ghế công viên, nơi bệnh viện... Dù nơi nào vẫn ngập tràn tình cảm trìu mến, ngọt ngào của Chương Đặng…

Trong cuốn sách, những trang đầu tiên anh viết về người bạn lai thuở ấu thơ, bữa ăn trang nghiêm, thanh lịch trong những khóa học tu tập ở nhà thờ. Và căn bếp yêu thương của mẹ… Anh bị khuyết tật ở chân sau một trận sốt từ năm 4 tuổi. Thế nên, ngày bé, anh được cưng chiều và bám dính mẹ. Anh nhớ nắm cơm bé xíu trong những trưa hè nằm gối đầu lên đùi mẹ, những cái tựa cằm như “chó con” trên gối mẹ trong căn bếp ấy. Với anh, những món chay dường như luôn là một trời kí ức về mẹ…

…Yêu một người khác địa phương giống như nấu món bún cá vị Thái Lan. Một chút cay nồng của sả, vị chua của me, lại thêm cà chua và giá. Nấu tựa như nấu ngót mà nêm chua nêm ngọt, thêm cả lá chanh… Trong cái lạ có cái thân quen, tưởng thân quen đôi lúc lại lạ lẫm. Yêu một người phương xa là yêu một trời rộng lớn, nếu không bay bổng được là mất hút, lạc lõng…

…Thật là một câu chuyện dài, chẳng thể giữ lấy thì đành buông tay. Hay nghe bảo chán cơm, thèm phở, nhưng mà ăn phở ngán ngẩm thế nào cũng quay lại ăn cơm! Cũng chưa chắc, ăn phở ngán thì người ta ăn qua hủ tíu, bánh canh, mì, cháo, bún chứ ai vội ù té về với cơm. Mà thật ra phở cũng nhiều biến thể. Ăn phở cũng năm bảy đường ăn phở. Nếu biết tối ăn cơm nhà thì còn cách ăn phở như món khai vị. Đó chính là món phở cuốn này!

 Bò mềm ướp với chút ngũ vị, chút dầu hào, chút tiêu giã, chút nước tương, chút dầu ăn rồi xào thật nhanh với hành tây. Trải một lá bánh phở rồi cuộn bò chung với một nhành lá mùi tàu, hai lá húng quế, một ít giá trần. Chấm tương đen đỏ.

…Chia tay một người đã từng yêu cũng giống như làm món gỏi bưởi vậy đó. Ban đầu nó chua và đầy nước mắt rồi một hồi may mắn gắp trúng miếng gà xé hay mực xé cũng an ủi phần nào. Mà ngay cả khi nuối tiếc nhau nhiều, thì mỗi ngày nỗi nhớ cũng đổi thay theo một nhịp khác, trong dư vị những tép bưởi nổ lép bép nước chưa kịp rơi xuống lưỡi đã bị bao bọc bởi loại nước mắm sệt vừa mặn, vừa ngọt, thấm tháp vô cùng. Chỉ thi thoảng, phải một cơn trái gió trở giời, ngang một hàng nước quen, nghe một bài hát cũ nó mới va phải miếng ớt xanh hay cọng rau thơm sốc mùi; sống mũi cay cay. Cay là thế nhưng ăn gỏi mà không có ớt thì vô duyên phải biết, vị chua của buổi còn kết bằng cái đắng the the mới đủ vị.

Chia tay một người như làm món gỏi đủ vị, chua cay mặn ngọt, đắng the nồng dịu. Ăn kèm bánh phồng tôm, cắn rôm rốp, song, nghĩ có ghê gớm thật, nhưng ăn rồi cũng no; ăn được lần đầu thì ăn được lần sau, có khi còn nghiện nữa.

Chia tay một người nhớ làm món gỏi, vì thật ra gỏi là món dễ ăn nhất trong các món ăn. Chia tay một người không dễ nhưng chẳng thể quá khó!

Chương Đặng với Bầu cua tôm cá và những ân cần…
Chương Đặng với Bầu cua tôm cá và những ân cần…

“Tôi là một kẻ rong chơi trong cuộc đời này”…

Chương Đặng chia sẻ, ở mỗi giai đoạn anh hết lòng, đắm đuối với một công việc mà anh yêu thích. Ở cuốn sách này là những công thức nấu ăn này hầu hết là món Việt, với một chút thay đổi để món ăn lạ miệng, độc đáo hơn hay phù hợp với một hoàn cảnh cụ thể. Vì mỗi món ăn trong cuốn sách này đều liên quan đến một câu chuyện tình có thật. Tôi nghĩ người Việt Nam quan tâm đến ẩm thực là vì có những câu chuyện phía sau rất ý nhị, nó không đơn giản chỉ là một bữa ăn mà luôn luôn là câu hỏi chúng ta đã ăn bữa ấy như thế nào?

Bầu cua tôm cá chơi chơi mở đầu bằng một lời tựa chân tình và dịu êm. Để khi đọc những dòng đầu tiên, người ta thấy ngay một phong cách lãng mạn mà độc đáo chỉ có thể tìm thấy trong câu chữ của Chương Đặng: “Người ta hay gọi tôi là nhà thiết kế, là doanh nhân, là chuyên gia ẩm thực. Chưa ai gọi tôi đúng với bản chất của mình cả, tôi thật ra là một kẻ rong chơi trong cuộc đời này. Khi tôi còn là một cậu bé con trong ngôi làng nhỏ ở xứ cao nguyên, sau giờ học piano trên gác chuông nhà thờ, tôi hay đứng thẩn thơ bên cửa sổ, nhìn về phía núi mà tự hỏi: “Phía sau núi là gì?” Bà giáo già dạy đàn khẽ khàng đến bên tôi, đặt bàn tay trên vai tôi vỗ nhè nhẹ: “Cậu này đa đoan thì đừng lãng mạn, rồi khổ đấy con ạ!”

Tôi chẳng hiểu lời bà cảnh báo, mãi sau này… khi đi qua những miền xa xôi, những châu lục rộng lớn như bà từng đi qua tôi mới hiểu lời bà dạy tôi thuở nhỏ. Ở đâu tôi dừng lại, tôi cũng yêu tha thiết… những người tôi gặp, những món tôi ăn, những mưa nắng gió tuyết, những tiếng động, những ban mai trong trẻo và những hoàng hôn u uất.

Tôi viết tập sách nhỏ này trong những ngày nghiền ngẫm về sự ra đi của mẹ tôi. Mẹ tôi đã hy sinh đến cạn kiệt sự sống, chỉ vì một chữ tình. Cuộc đời của bà là một câu chuyện buồn, như nhiều câu chuyện của đàn bà xứ tôi. Cả một đời, sống cho, sống vì, và sống nhờ vào sự tồn tại của chồng, con. Tôi đã tự hứa với lòng mình rằng tôi có thể là một đứa con hoang đàng, một đứa trẻ ham chơi, một người đàn ông chẳng thế lực gì…. Nhưng nhất định tôi phải là một người hạnh phúc; tôi chỉ biết báo hiếu bằng cách sống trọn vẹn nhất, đầy tràn và thành thật với cảm xúc của mình. Một con người bền bỉ với hạnh phúc”.                                

Tôi làm đẹp cuộc sống bằng thời trang, ẩm thực, văn chương… không phải để dạy đời mà chỉ muốn nhắc nhở một số quy tắc về sống hạnh phúc, mà đôi khi chúng ta đã vô tình đánh rơi đâu đó. Vì tôi thấy rằng mọi giá trị đều có thể thay đổi với thời gian, nhưng sự tử tế thì không… Cuộc sống có thể nhiều bộn bề, âu lo, nhưng chỉ cần chúng ta sống chậm lại một chút, ân cần, chú tâm, chúng ta vẫn có thể sống đẹp và trọn tình với nó…”.

Mặc dù thích tìm hiểu các phong cách ẩm thực khác nhau: thực dưỡng, ăn kiêng, hữu cơ, hiện đại... cuối cùng tôi vẫn trung thành với chân lý bất di bất dịch của các cụ xưa: “mùa nào thức nấy”. Đó cũng chính là phong cách ẩm thực của tôi. Xa hơn, tôi lại thích mấy câu thơ này: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Ẩm thực đi với phong cách sống. Sau một thời gian làm ngành nhà hàng, tôi nhận ra rằng người Việt mình có mối bận tâm rất lớn về thức ăn, món ăn hay nói chung là về ẩm thực.

Và chúng ta thấy, ở phương Tây, khi bác sĩ muốn cho biết tình trạng “hết thuốc chữa” của một người bệnh nan y thì họ hay gợi ý bệnh nhân suy nghĩ xem trong cuộc sống còn kế hoạch gì chưa thực hiện, cố gắng khớp nó với khoảng thời gian còn lại để thực hiện những mong ước lớn trong đời. Còn ở quê tôi, bác sĩ chỉ nói đơn giản “thôi đưa về, thèm ăn gì thì cho ăn…”.  

Hiện anh đang sống ở Mỹ và anh thử nghiệm nấu những món thuần Việt bằng nguyên liệu ở Mỹ và tìm hiểu vì sao nhiều người than phiền rằng một món Việt nào đó ở Mỹ không ngon như ăn ở Việt Nam. Và từ ấy, anh học được rất nhiều điều, bởi theo anh, bữa ăn của người Việt chứa đựng tầng tầng lớp lớp của cảm xúc, của lý trí, của ý thức và một trời ký ức.

Ẩm thực Việt Nam thật sự rất tuyệt vời. Tuy vậy, chúng ta lại không xây dựng những nền tảng tốt từ việc chú trọng nấu ăn trong gia đình, dạy cho các thế hệ trẻ yêu thích việc nấu ăn, và quan trọng hơn cả là phải học những nghi thức khi ngồi ăn cùng với những nét tinh túy trong văn hóa ẩm thực.

Đàn ông nấu ăn ngon thì phải cần công thức, chứ đàn bà chỉ nêm vào một chút ân cần thì món gì cũng thành ngon. Nếu phụ nữ không thích nấu ăn, cũng chẳng sao cả. Tôi chỉ cảm thấy tiếc nếu họ từng rất say mê nấu ăn nhưng không may có chồng, con thiếu trân quý món ăn họ làm… Sau cùng tôi nhận ra rằng, những cung bậc cảm xúc  tuyệt vời nhất  liên quan đến một không gian ẩm thực  luôn đến từ trái tim, từ những rung cảm vi tế… Một bữa ăn có thể nấu lại, nhưng người ngồi xuống cùng nâng chén ngày hôm đó sẽ đến lúc ra đi vĩnh viễn…

Và  như thế, Bầu cua tôm cá ăn và yêu dường như là một sự thanh thản, mềm mại. Với những món ăn bình dị nhất, đơn giản nhất, và cũng tinh tế, ngon miệng nhất mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện. Và chúng ta học được nhiều kỹ năng không chỉ “nấu nướng” mà là kỹ năng lắng nghe, kỹ năng vượt qua buồn bã, chán nản. Như cuộc trò chuyện ấm áp và chậm rãi, những thấu hiểu của một người bạn trong tĩnh lặng, khi nhiều thời gian đã qua đi…

Đọc thêm