Mừng tuổi sách “tiếp lửa” văn hóa đọc cho thiếu nhi

(PLVN) - Tặng sách vào dịp sinh nhật, dịp lễ, ngày kỷ niệm vốn không xa lạ, nhưng mừng tuổi bằng sách đầu năm thay vì tiền mặt dù vẫn còn là điều mới mẻ đối với nhiều cha mẹ. Đây là một nét sáng tạo truyền thống đáng lan tỏa, giúp duy trì và phát triển văn hóa đọc của thiếu nhi thời hiện đại vốn đang bị xao lãng bởi sự “lấn át” của công nghệ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Được biết, trào lưu biến sách thành món quà đầu xuân được khởi xướng rộng rãi từ năm 2016. Từ ý tưởng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhiều đơn vị làm sách, phát hành sách cùng phát động thành phong trào cho mọi tầng lớp độc giả. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận thấy trẻ em trở nên hào hứng hơn khi được người lớn đến nhà mừng tuổi bằng những quyển sách xinh xắn, hấp dẫn thay vì phong bao lì xì đỏ chói.

Ông lí giải: “Có lẽ đời sống kinh tế, đặc biệt ở khu vực thành thị gần đây đã được cải thiện đáng kể nên trẻ em thành phố không quá mong đợi tiền lì xì như trước đây. Dĩ nhiên mỗi dịp Tết, các em vẫn đau đáu chờ được nhận “quà mừng tuổi” từ tay người lớn như một thói quen, nhưng không nhất thiết phải là tiền”.

Lì xì đầu xuân ngày nay đã có nhiều biến tướng theo xu hướng thực dụng. Vô hình trung, trẻ em cũng học theo người lớn tính so đo thiệt hơn, cũng mong muốn được mừng tuổi nhiều tiền hơn để “bỏ lợn” nhưng nếu dùng tiền đó để làm gì, có lẽ chính các em nhỏ cũng chưa thể hiểu hết được.

Vì thế, việc “mừng tuổi bằng sách thay vì phong bao lì xì” không chỉ lưu giữ được một nét văn hóa truyền thống lâu đời ngày Tết mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn. Khác với tiền, một cuốn sách hay để tặng đầu năm chứa đựng nhiều tâm tư, tình cảm của người tặng để lựa chọn ra những cuốn sách có nội dung hay, phù hợp với trẻ nhỏ.

Khi được lì xì một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào lật xem giá bìa để xem nhiều tiền hay ít tiền; mà một cuốn sách hay, đẹp mắt càng khơi gợi trí tò mò của các em mở ra tìm hiểu, khám phá.  

Quả thực, sách luôn là một món quà tinh thần đầy nhân văn và ý nghĩa đối với cả người cho lẫn người nhận. Trào lưu mừng tuổi bằng sách cũng được rất nhiều văn nghệ sĩ ủng hộ; trong đó các tên tuổi như ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Hồng Ánh, Á hậu Thanh Tú, Hoa hậu Ngọc Hân, NSƯT Thành Lộc, nhạc sĩ Hamlet Trương... đều ưa chuộng lì xì đầu năm cho người thân, fan hâm mộ bằng những cuốn sách thú vị.

Đến nay, dù tiến triển chậm hơn các trào lưu của giới trẻ khác, nhưng ý nghĩa của trào lưu này đã được khẳng định, đón nhận, trở thành một nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân. Nhiều độc giả đồng ý rằng “tặng sách ngày Tết thay vì phong bao lì xì” là một nét văn hóa cần phát huy không chỉ dành riêng vào dịp Tết.

Tặng sách trong dịp năm mới là một sáng tạo truyền thống đẹp, đáng để lan tỏa cho trẻ em, không chỉ giúp gìn giữ và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi từ lúc thơ nhỏ, mà còn giúp định hướng các em biết cách sử dụng đồng tiền vào việc trang bị cho mình những đồ vật có ý nghĩa với bản thân.

Tuy nhiên, để thay đổi một nét văn hóa truyền thống lâu đời cũng cần thời gian và phải đảm bảo sự phù hợp với mong muốn của người dân. Ngoài ra, để sách không trở thành “nỗi ám ảnh” như ở trường lớp trẻ em ngày nay phải “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức, sách thiếu nhi cần có sự am hiểu nhất định cũng như đầu tư thời gian, công sức kỹ lưỡng hơn để chọn lựa ra những đầu sách phù hợp với độ tuổi và thị hiếu đọc của các em nhỏ. 

Đọc thêm