Nhạc sư Vĩnh Bảo, cây đại thụ trong làng âm nhạc dân tộc

(PLVN) - Nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết, rất vui mừng khi thường có những người không quen biết, chỉ nghe tiếng nhạc đã vượt mấy trăm cây số đến thăm ông. Ông nói: “Họ quan tâm đến tôi tức là rất thiết tha với âm nhạc dân tộc”.  
Nhạc sư Vĩnh Bảo đang nói chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận (Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp)
Nhạc sư Vĩnh Bảo đang nói chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận (Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp)

Tiếng đàn “độc nhất vô nhị”

Bước sang tuổi 102 nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn rất khỏe mạnh minh mẫn. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài làm việc, dạy đàn cho học trò. Mỗi khi có ai ghé thăm hoặc nói chuyện về đàn, về âm nhạc hoặc lịch sử quê hương thì ông vẫn cứ nói mải miết. Bao nhiêu ký ức, sự kiện, con người quá khứ vẫn mồn một trong trí nhớ cụ ông 102 tuổi.

Mới đây, nhạc sư có buổi nói chuyện kéo dài hơn hai tiếng “Chuyện xưa tích cũ” đất Sen Hồng. Từng khung cảnh, con người, những chi tiết, sự kiện cách đây 70 – 80 năm đều được ông tái hiện rành mạch, rõ ràng. 

Là người gắn trọn cuộc đời với âm nhạc dân tộc, am tường và quảng bá âm nhạc Việt Nam đến bạn bè thế giới, nhạc sư được xem như một “báu vật” còn sót lại của đờn ca tài tử sau khi GS Trần Văn Khê, người bạn chí cốt, chí tình, tri âm, tri kỷ của ông qua đời. Ông còn được xem là “bảo vật” Đất Sen Hồng, nhân chứng sống biết bao sự kiện lịch sử, biến thiên thay đổi qua thời gian của tỉnh Sa Đéc cũ. 

Xuất thân trong một gia đình nho học yêu thích đờn ca tài tử nên từ sớm ông đã tiếp cận âm nhạc dân tộc. Khi mới 5 tuổi đã có thể chơi được đờn kìm, đờn cò. Năm 10 tuổi, thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Từ đó đến nay, âm nhạc dân tộc luôn là người bạn đồng hành, tri âm, tri kỷ của ông trên mọi nẻo đường cuộc sống.

Bước sang tuổi 102, ông có 97 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc. Dù trên trăm tuổi, ngón đàn của ông không có tuổi. Bàn tay vẫn lả lướt trên cung đàn, những nốt nhạc nhấn nhá mềm mại lảnh lót theo từng cung bậc cảm xúc.  

Nói về tiếng đàn nhạc sư Vĩnh Bảo, cố GS Trần Văn Khê từng đánh giá: “Chưa nghe được ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vừa bay bướm, sâu sắc”. Một lần phát biểu tại Hà Lan, cố GS Trần Văn Khê nhận xét tiếng đàn đó “liêu trai, phù thủy độc nhất vô nhị”.

Theo GS âm nhạc Trần Quang Hải thì nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo “là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhất vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, vừa là người đóng đàn sáng tạo”.

Quan điểm âm nhạc là ngôn ngữ tâm hồn

Nhạc sư Vĩnh Bảo là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Đến nay, đàn tranh do ông cải tiến đã được áp dụng rộng rãi trong quần chúng bởi những hiệu quả mang lại. 

Theo nhạc sư, một cây đàn tranh nguyên bản, theo kiểu “bản nào dây đó”, cứ mỗi khi chơi một bản khác lại phải chỉnh phím, so dây rất bất tiện. Cây đàn tranh cải tiến của ông rất tiện lợi và có thế khắc phục các nhược điểm trên. Có thể biểu diễn các hơi, điệu trong đờn ca tài tử mà không cần phải chỉnh dây. Ông còn sáng tạo phương pháp ký âm nhạc ngũ cung truyền thống theo ký hiệu như nhạc phương Tây giúp những ai muốn học nhạc cụ truyền thống có thể tự học và dễ tiếp thu. 

Với nhạc sư, âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn, liên hệ trực tiếp với trái tim, bộ não và cuộc sống nội tâm sâu kín. “Mỗi khi đàn, tôi lại đắm chìm vào trạng thái tĩnh lặng, tìm về nội tâm, hiểu bản thân mình, nỗi thống khổ của kiếp người để tự thanh lọc, tự giải thoát ra khỏi những nguồn gốc của giận dữ, thù hận, sợ hãi”, nhạc sư chia sẻ. 

Trong suốt quãng thời gian gắn bó với âm nhạc, ngót nghét thế kỷ làm việc miệt mài với âm nhạc dân tộc, nhưng với nhạc sư thế vẫn chưa đủ và không ngừng nỗ lực khi còn có thể: “Âm nhạc thì vô cùng, mà đời người thì hữu hạn. Tôi vẫn còn những ước mơ về âm nhạc chưa với tới được và còn nhiều kế hoạch vẫn phải tiếp tục...”. 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Ông nổi danh là nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ trình tấu và nghệ nhân đóng đàn. 

Ông nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2005. Năm 2006, ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) ở Honolulu (Mỹ). Năm 2014, ông nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đọc thêm