Thị trường âm nhạc 'chìm đắm' trong drama, ngôn tình

(PLVN) - Những MV âm nhạc đầy kịch tính, nhuốm màu sắc ngôn tình đang tràn ngập thị trường nhạc Việt thời gian qua, khiến người nghe dường như “lạc lối”...
Một  MV drama đình đám của nữ ca sĩ Hương Giang đang ra mắt đến phần thứ 3.
Một MV drama đình đám của nữ ca sĩ Hương Giang đang ra mắt đến phần thứ 3.

Cuộc đua MV drama

Hai năm gần đây, xu thế làm MV âm nhạc hướng drama (câu chuyện kịch tính như phim) bỗng trở thành trào lưu trong làng nhạc Việt. 

Cách đây vài năm, xu thế làm phim ngắn drama ra đời, nhanh chóng chiếm lĩnh thị hiếu cư dân mạng. Những câu chuyện từ dễ thương đến sến súa, gây hài đến lấy nước mắt, cốt truyện kịch tính, bất ngờ, lại có thời lượng thấp, ngắn gọn hơn phim điện ảnh, truyền hình đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu món ăn tinh thần nhanh - hấp dẫn của giới trẻ hiện đại.

Và trào lưu phim ngắn cũng đã khởi đầu cho một cách làm MV âm nhạc mới, kết hợp giữa phần lời và phần nội dung - kết cấu như một phim ngắn. Nhanh chóng, những MV này được khán giả ưa chuộng, nhiều MV còn giúp các ca sĩ chưa có tên tuổi bỗng chốc nổi tiếng, các ca sĩ đã nổi tiếng sẵn thu tiền tỉ nhờ phát hành trên kênh YouTube.

Có một thời điểm, những MV như “Em gái mưa”,  “Duyên mình lỡ”, “Gửi anh và cô ấy”, “Chạm đáy nỗi đau” (Hương Tràm), “Màu nước mắt” (Nguyễn Trần Trung Quân); “Chị ngã em nâng” (Bích Phương); “Đừng như thói quen”, “Em còn lại gì?” (Sara Lưu)... nổi đình nổi đám, trở thành những bài hát yêu thích, đứng hàng đầu trong các bảng xếp hạng âm nhạc, top lượt view YouTube... Nội dung của các MV này hầu hết là những câu chuyện trọn vẹn, đầy kịch tính, xoay quanh các mối quan hệ yêu đương, tan vỡ, người thứ ba...

Tuy nhiên, không đơn thuần như phim ngắn hay MV ca nhạc truyền thống, MV nhạc theo phong cách drama có thời lượng gấp đôi, gấp 3 lần MV ca nhạc thông thường, có MV lên đến gần 20 phút. Không ít trong số đó lên đến tiền tỉ với việc đầu tư khủng cho bối cảnh, kĩ xảo, trang phục... Có nghệ sĩ “chơi lớn” thuê hẳn ê kíp sản xuất quốc tế về Việt Nam để làm nên những MV có chất lượng không thua kém MV ngoại. 

Thị trường MV nhạc thực chất không hề êm ả mà thực ra có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đó là một cuộc “chiến ngầm” giữa các nghệ sĩ, các MV dưới áp lực MV sau phải có ý tưởng độc đáo hơn, mới lạ hơn, đầu tư khủng hơn MV trước. Rồi cuộc chạy đua giành “ngôi” trên các bảng xếp hạng âm nhạc, kỉ lục lượt view YouTube cũng khốc liệt không kém.

Nó kéo theo sự chạy đua của lực lượng người hâm mộ, “cày ngày cày đêm”, khẩu chiến kịch liệt nhằm mong MV của thần tượng được “lên top”. Với sức cạnh tranh này, thị trường nhạc liên tục xuất hiện các MV mới. MV này ra mắt chưa hết sức nóng, MV khác đã ra mắt, nhăm nhe soán ngôi, cứ như thế trở thành một cuộc tranh đua bất tận khiến khán giả vừa được lợi, vừa “lạc lối” trong hàng loạt MV với đủ kiểu nội dung...

Thiếu thốn ý tưởng, vay mượn nội dung

Khi cơn sốt MV nhạc drama đang lên đến đỉnh điểm với sự cạnh tranh gay gắt, việc thiếu thốn ý tưởng chính là cái khó của nhiều nghệ sĩ khi thực hiện sản phẩm. Từ đó ra đời dạng MV “dài tập”. Hòa Minzy là nữ ca sĩ gần như đi đầu của xu hướng này khi cho ra đời serie MV “Rời bỏ” và “Chấp nhận” với nội dung là câu chuyện tiếp nối nhau như giữa hai phần của một bộ phim ngắn.

Kế đó, Hương Giang, nữ ca sĩ chuyển giới cũng cho ra mắt serie MV “Anh đang ở đâu đấy anh” với hai phần, xoáy vào câu chuyện “người thứ ba” rất được cộng đồng mạng thích thú, theo dõi. MV này đang được thực hiện phần thứ 3 vì vẫn còn có thể khai thác sức nóng. Có thể nói, cái lợi của MV làm theo serie là cái sau có “ăn theo” sức hút của MV trước đó, không cần phải sáng tạo nhiều, cũng không cần đầu tư nhiều cho quảng bá...

Một hướng đi khác giữa khi thị trường MV đang khao khát ý tưởng mới. Đó là làm lại các MV âm nhạc đình đám, đang gây sốt của nước ngoài. Một trường hợp đơn cử là “Độ ta không độ nàng”. MV ca nhạc này thực chất không quá xuất sắc về cả phần nhạc lẫn nội dung có phần sến súa, đầy màu sắc một câu chuyện ngôn tình với công thức yêu - hận phổ biến, đã ra mắt một thời gian ở Trung Quốc, sau đó nhờ hai giọng ca mới mẻ mới bắt đầu nổi lên. Khi đến Việt Nam, ca khúc này đã nổi lên như một hiện tượng, có một lực lượng fan “cuồng” đáng kể. Thế là nghệ sĩ Việt thi nhau bắt tay vào dự án dựng MV làm lại theo nội dung MV gốc, nhằm ăn theo “sức nóng” của sản phẩm âm nhạc Hoa ngữ này.

Hơn 2 năm, MV nhạc phong cách drama vẫn làm mưa làm gió thị trường nhạc Việt. Vui thì có vui, nhưng nó khiến nhiều người tâm huyết với âm nhạc có chút trăn trở: Nhưng MV kịch tính, ngôn tình, đầy những tranh giành yêu đương, đớn đau ghen tuông yêu hận, liệu có khiến khán giá bị “lạc lối” trong một mê cung của những sản phẩm âm nhạc chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu giải trí tầm thường...

Đọc thêm