[Truyện ngắn] Gió hoang

(PLVN) - Sự gắng gỏi của người mẹ già không thắng nổi sự đổ đốn của thằng con mất dạy. Chỗ bán nước của bà Biên bị cướp mất, biến thành nơi bán bia hơi...
[Truyện ngắn] Gió hoang

1. Là một cổ thụ cũng có gì sướng đâu. Một cây gạo, có kẻ gọi là mộc miên hoa đỏ xù xì già nua u bướu đầy mình cứ phải phơi cái mặt ra giữa làng, giữa đời, giữa bão gió nhoằn nhoại ác độc ngấm ngầm của thời tiết. Lúc nhập nhoạng hay đêm khuya, đám thanh niên con nít đứng tè vào gốc. Thời còn chiến tranh đạn lạc găm trong từng thớ gỗ ứa nhựa đã mấy mươi năm đến nay vẫn khiến tôi rùng mình. Nhưng thú thật, đứng ở đầu làng, tôi ngạo nghễ. Tôi thấy mình chỉ thấp hơn bầu trời. Con người, nhà cửa, muôn cây cối chung quanh đều xếp dưới. Tự hào lắm. Ngắm bến sông ở vị trí này là lý tưởng. Đón gió ở vị trí này rất lý tưởng. Con sông đến đoạn chảy qua làng hơi cong cong uốn và tạo nên một bãi bồi phù sa cùng cả trảng cát rộng huyểnh hoảng, còn tõe ra thêm một chi lưu đẹp huyền diệu, vẽ ra bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc. Ngày xưa nước sông trong vắt. Nam thanh nữ tú tuổi cập kê vẫn hay nhấp nhính hẹn hò ở bến cát. Con gái trong làng vẫn ra tắm ngắm ti nhau buổi trưa. Bọn choai choai cùng đám thanh niên vào mùa hè nhộn nhạo tắm ở đoạn ngược bên trên chừng hai trăm mét. Buổi tối kiểu gì chúng cũng tắm tiên, chí chóe sờ chim nhau rồi cười. Chúng coi đó là cái thú. Mùa đông tuy có vẻ hoang liêu nhưng lại rất sáng. Sáng vì trảng cát rộng. Sạch cỏ. Cát vàng óng. Vàng như sân thóc trên sân phơi. Màu sáng ánh lên tươi mới, phì nhiêu, như màu phù sa, màu hy vọng của cư dân vùng đất này.

Đúng nơi đầu gió ự chả có gì sung sướng. Nhưng tôi chứng kiến tất tật sự thay đổi của nếp làng, đồng điền, bãi cát, dòng chảy của sông, ai ra làng ai vào làng, ô tô máy xúc máy cẩu húc đê, chở cát… Ngay cả sự thay đổi của màu cát, màu hy vọng vào cát tôi cũng thấy. Tôi chứng kiến những kiếp người đứng dưới tôi, có lưng còng, có lưng thẳng, tè một bãi, ngước lên cao vút mà than: Sao số tôi làm lụng vất vả mãi vẫn nghèo!? Có người lại hơ hớ cười như ma làm mà rằng, tôi nhàn, nhàn quá, tiêu mãi chẳng hết thời gian. Ô hay, nhàn là số sướng. Sướng thì phải mừng chứ than nỗi gì!

Ờ. Mà ngẫm ra cũng phải. Đâu phải nhàn thân mà sướng. Nhàn mà buồn thiu buồn thối thì đúng là nhàn khổ. Nhàn cư vi bất thiện. Ngay dưới tán cây nhãn, cách tôi mấy chục bước chân là quán nước nhỏ tẻo teo của bà Biên. Từ ngày dáng bà thẳng đến khi còng xuống là mấy chục năm. Từ ngày mốt của đám thanh niên nam nữ là mặc quần ống loe đến nay quần bò và váy ngắn là mấy chục năm. Quán nước tuy nhỏ nhưng là điểm dừng chân lý thú của người làng đi làm lúc về nghỉ dừng chân nói chuyện con cà con kê. Đám công nhân khai thác cát dưới sông cũng thi thoảng ngoi lên thở trèo qua đê vào uống nước hút thuốc. Bà Biên cũng làm cái việc giời ơi đất hỡi là chỉ đường. Ai đến làng cũng phải hỏi thăm qua bà. Nếu mỗi lần hỏi mà bà được trả một nghìn đồng thôi thì bà cũng đủ sống. Bà Biên lạ lắm. Già phóm phém thế mà cũng hay chải tóc. Nhìn những sợi bạc, bà bảo: “Chưa già bằng cụ đa”. Tôi phì cười. Tôi cổ thụ trăm năm. Bà Biên làm sao so sánh được. Nhưng bà lắm nỗi niềm. Mỗi lần chải là tóc bà lại rơi ra những sợi bạc hoặc vừa đen vừa bạc. Một lúc sau bà vo lại. Những sợi tóc già nua rụt cổ, cong tớn, lả tả bị thả vào trong gió. Thi thoảng bà bỏm bỏm than nghèo kể khổ. Cái thằng con cả mất năm nước sông to mà cả gan nhảy xuống tắm là một nỗi đau khó khỏa lấp. Thằng thứ hai tưởng bù đắp cho bà. Nhưng không, nay nó đi khắp nơi vừa làm vừa phá. Tổng ngổng tồng ngồng mẹ vẫn phải lo. Giờ chân nó không thích đi xa. Nó vét cát thuê dưới sông rồi học đòi hút hít, mình mẩy xăm trổ rồng phượng và những cái gỉ cái gì rất dữ tợn! Vợ con nó bỏ cho bà chăm. Thực là cái quán nước này chăm và nuôi nấng. Hai hoặc ba ngày thằng con của bà mò về quát mắng bà và vợ cùng hai đứa con mấy câu, rồi lại theo chúng bạn đi nhậu.

2. Trai tráng trong và ngoài làng thích nhậu. Nhiều trung niên, nhiều ông già lành hiền đổ đốn thích nhậu. Quán nhậu mọc từ đầu tới cuối xã, từ giữa làng ra bìa làng. Bia rượu và mồi nhậu chọc tức người ta. Những tiếng dô dô chạm cốc chọc tức người ta. Muôn thứ say đến nôn ọe và nói cười rổn rảng sặc mùi gia vị trộn men chọc tức người ta. Người ta là người chưa vào nhậu thì giờ bị kích thích để vào nhậu. Ngay cả quán nước chè của bà Biên cũng bị thằng con thứ và bạn nó gạ bà dẹp đi cho nó mở quán bia hơi. Nhà bà phía trong sân rộng, bên cạnh là nhà văn hóa thôn. Bên kia là đất của ông Xã Cách. Địa thế chỗ bà Biên bán nước phù hợp với một bãi bia. Một bãi bia xứng tầm. Thằng Toách con bà Biên bảo mẹ:

- Mẹ già rồi, dẹp cái quán nước đi để chỗ cho bọn con uống bia. Lãi từ một bàn khách bằng mẹ lọm khọm đun nước pha chè cả ngày.

- Không, tao không dẹp. Tao bán quen rồi. Không bán nước tao không chịu được - bà Biên lấy hết sức để cản ngăn thằng con - Mày đi làm cát thì mày cứ đi. Mày không quan tâm đến nhà cửa vợ con mày và tao thì mày cứ đi đi. Đừng quan tâm làm gì. 

Thằng Toách căng mặt lại. Đỏ au. Những hình xăm trên hai cánh tay nó cũng căng lên, như những cái cau mày, như những ánh mặt trợn ngược.

- Ơ hay cái bà già này. Mấy chục năm bán nước có của nả lợi lộc gì đâu. Dẹp  đi để làm quán! Vớ vẩn! Thằng này đã quyết.

Giọng bà Biên chùng xuống:

- Chẳng được của nả lợi lộc gì, nhưng mấy chục năm qua nó nuôi tao, giúp tao nuôi con mày lúc vợ mày ốm. Thử hỏi từ khi bố mày và anh mày mất, mày lấy vợ, đã giúp được gì cho nhà này chưa?

Khuôn mặt thằng Toách sầm lại, đông cứng trong không gian một hồi, rồi bất ngờ như một cú sốc nhiệt, đá tan ra, rữa ra. Nó vờ dịu xuống:

- Kìa mẹ. Mẹ già rồi. Chuyện kiếm tiền giờ để chúng con lo. Mẹ nghỉ ngơi đi, mệt rồi. Chỗ đó nhường bọn con.

- Mày hẵng lo cái thân mày đi.

Thằng Toách không giữ nổi bình tĩnh nữa. Nó gào lên:

- Dẹp là dẹp. Thằng này không nói nhiều!

Không gian trong nhà tiếp tục đông cứng. Hai vị khách ngồi uống nước nghe thấy, khuôn mặt cũng đông cứng. Những cành lá của thân mộc miên tôi cũng đông cứng.

3. Sự gắng gỏi của người mẹ già không thắng nổi sự đổ đốn của thằng con mất dạy. Chỗ bán nước của bà Biên bị cướp mất, biến thành nơi bán bia hơi. Thằng Toách và hai thằng bạn nó xắn tay làm. Cả hai thằng đó đều là dân vét cát dưới sông. Tóc họ bị nắng gió đốt đến vàng. Vàng như họ đội những tảng cát trên đầu. Bà Biên đứng ngồi không yên. Biết nỗi khổ của bà, cô con dâu động viên: “Thôi, mẹ mặc anh ấy”. Bà bải hoải nhìn ra ngoài nắng. Nhìn quân quyền của thằng con bà hùng hổ dọn chỗ mở quán. Góc vườn trồng rau sau lưng bà ngồi cũng bị san gạt rồi đổ bê-tông, kê ghế nhựa cho khách ngồi. Nhiều lúc bà vẫn nhìn lên bàn thờ ông, khóc trộm. Bà sinh ra ở làng, sống với nỗi quê yên bình giản dị, chăm con, chờ chồng đi đánh giặc. Ngày hòa bình, đời bà vẫn bão giông. Ông chẳng mang gì về ngoài những vết thương. Rồi ông mất sau một trận ốm, để lại bà với khoảng trống chẳng bao giờ lấp đầy… Bà làm lụng, cấy lúa đồng trong, tra lạc và đậu tương đồng bãi sông bây giờ. Nhưng bãi sông đã sạt lở gần hết. Giờ nơi đó là chiến trường khai thác cát. Những cỗ máy cứ bổ vào bụng sông, sôi ùng ục, đục ngầu. Làm tan hoang. Làm sạt lở. Làm đau bờ bãi và bụng sông. Bụng bà và những người yêu sự bình yên cũng đau… Tay bà đã hơi run. Chân bà đã chậm. Đôi mắt cũng mờ nhòe. Bà hy vọng ở Toách. Vậy mà…

Hôm khai trương quán bia tấp nập đông nhí nhố nhộn nhạo. Toách và bọn nó khuyến mãi ba ngày để hút khách. Uống hai cốc tặng một. Người ra mặt đỏ phừng phừng. Người vào cũng bị hơi bia xộc ra vây lấy làm cho đỏ phừng phừng. Khách quá đông nhổn nhển ngồi cả vào cái sân gạch trước nhà của bà Biên. Bà ấm ức bất lực. Bà không thể làm gì thằng con trai. Cũng không muốn lời to tiếng nhỏ để hàng xóm chê cười. Nhưng bà tủi thân nhìn lên ngọn cây tôi, than: “Cụ gạo ơi cụ gạo, tôi ăn ở hiền lành, thế mà chẳng được hưởng phúc. Không được nhờ con. Ở tuổi gần đất xa trời vẫn phải nhọc lòng lo lắng”. Tán lá tôi rung lên. Những u bướu trên thân thể tôi như oằn oại. Vâng. Lòng bà quặn đau. Bà đáng thương. Đến cái quán nước chè tẻo teo làm nguồn vui cũng bị bia hơi đánh bạt. 

Quán bình dân của Toách và những người bạn đông khách vì tiện giao thông. Toách gọi được mối bia ngon. Đám công nhân khai thác cát dưới sông tiện đường lên nghỉ ngơi giải khát. Bia rượu đôi khi khiến con người ta dũng cảm hơn, cũng có thể khiến họ trở nên hư hỏng. Quán bia của Toách làm tăng thêm những người lè nhè dở ông dở thằng chân nam đá chân chiêu. Hơi bia của họ làm tôi cũng say. Nhưng tôi cổ thụ. Gốc rễ  tôi trăm năm vững bền. Tôi là cái cây cao nhất toàn khu vực. Tôi còn phải sống để chứng kiến nỗi đời, phải cùng làm gió mát, làm nhạc reo vui. Con người chẳng biết mọi thứ nghệ thuật đều do học và bắt chước thiên nhiên mà có.

4. Quán bia không lãi lời bằng đi hút cát. Thằng loảng đoảng say Toách nói với vợ và bà Biên. Nó gợi ý bà bán sân, bán vườn cho gã cầm tiền đầu tư mua tàu và máy hút cát. Bà Biên một mực từ chối. Trời ơi là trời. Có mỗi mảnh đất cắm dùi, tổ tiên để lại mà mày cũng đòi bán ư! Tao cấm!

Toách bỏ ra sân uống bia với bạn. Đến tối lại năn nỉ bà Biên giúp có tiền để hùn vốn mua tàu và máy khai thác cát. Bà Biên từ tốn:

- Không phải mẹ không muốn giúp. Con đã cầm tiền của gia đình đi nhiều lần rồi, nhưng chẳng bao giờ mang tiền về cả. Con chưa tu tâm. Giờ hẵng cứ đi làm thuê đã.

- Con muốn đổi đời. Mà để đổi đời thì phải có lực, có tiền.

Không thuyết phục được bà Biên, Toách thuyết phục vợ về vay tiền bố vợ. Cũng không được. Toách nghĩ cách làm liều. Gã xin bà Biên cho bán chiếc lư hương và đôi hạc. Đó là đồ cổ ông Biên để lại. Bà già không biết giá trị của nó. Nhưng bạn thằng Toách biết. Nó cần cỡ nửa tỷ để chung vốn. Khi thằng Toách vừa mở mồm thì đã bị bà Biên chặn ngay. Mày định bán cả đồ thờ của tổ tiên sao? Còn chuyện gì mày không nghĩ đến nữa hả?

Biết không thuyết phục được bà, Toách định bụng cứ thế lấy trộm mang đi. Gã đã khảo giá. Mối lợi từ đó không hề nhỏ. Một hôm nhân khách uống bia đông từ ngõ vào sân, Toách nhấc lư hương và đôi hạc đồng đen cổ đưa vào bao tải. Lúc ấy, bà Biên về bắt gặp, liền hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bà chặn ngoài cửa, túm chiếc bao tải. Toách giật lại. Bà Biên vừa nhìn lên ban thờ vừa giằng co. “Mày bỏ ra. Mày không được cướp của bà”. Nhưng sức bà không địch nổi sức của thằng con ngang ngược. Bà bị gã hất mạnh rồi giật ngược bao tải. Bà Biên ngã dúi. Toách vội vàng lẩn mất.

Thằng con bất hiếu đi rồi. Bà Biên ngồi bần thần đau khổ. Cuối chiều, bãi bia vẫn nhộn nhạo đông. Cô con dâu về nhìn thấy mẹ chồng nhợt nhạt khổ đau, cô đoán ra ai là thủ phạm.

- Mẹ ơi, anh ấy lại làm gì khiến mẹ buồn à?

- Nó lấy trộm đồ bố con để lại, mang đi bán rồi.

Đôi chân người vợ như muốn sụm xuống. Chị nhìn lên ban thờ. Trời ơi! Anh ta thật tàn nhẫn. Chuyện này anh ta cũng dám làm nữa hay sao?

Cô con dâu ôm mẹ chồng, an ủi. Mẹ ơi, mẹ tha cho anh ấy, rồi anh ấy cũng sẽ biết đường quay về.

Người mẹ hiểu. Con bà sẽ biết đường quay về. Nhưng nó như cơn gió hoang. Bao giờ về để tỉnh ngộ, nào ai biết được. 

Truyện ngắn của Nguyên Xuân