[Truyện ngắn] Mắt hình lá xanh

Thư viện không lớn. Khuôn viên nhiều cây và hoa. Bạn đọc là những người con của làng. Nhiều nhất là học sinh, thanh niên ở lại làng lập nghiệp. Ai không ngồi trong phòng có thể xin mang sách ra ngồi gốc cây, miễn là có thẻ đọc. Vừa mát vừa xanh. Chếch bên hồ xanh, soi bóng hàng muỗm cổ thụ. Một không gian lý tưởng. 

Miên sinh ra từ làng Lụa, ăn cơm làng, tắm nước giếng làng mà lớn, đắm trong bồ chữ mà trưởng thành. Bao người con phương trưởng của làng đã sống như Miên, học hành, đi khắp nơi, thành đạt thì về chung tay lập nên thư viện này. Người góp sách. Người góp tiền, mua bổ sung sách và lập quỹ khuyến học của làng. Ba mươi năm qua, thư viện làng nép mình bên hồ, hưởng sự mát lành của đất quê, cổ thụ và hoa cỏ đã khiến bao khát vọng thành hiện thực. 

Miên làm ở thư viện nhỏ ngoài thị trấn huyện nhà. Công việc bình thường và giản dị. Không đua chen. Không áp lực. Các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, Miên trực thư viện làng từ sáng, trưa về ăn cơm và trực tiếp đến ba giờ chiều. Từ đó trở đi bà Ánh, bà Sơ trong làng trực thay. Đó hoàn toàn là công việc chung. Không công, không lương thưởng. Nhưng tất thảy vẫn đầy trách nhiệm. Miên phân chia việc rõ ràng, không để ảnh hưởng việc của thư viện huyện hay thư viện làng. Gần đây bạn đọc trong làng thích mượn về nhà để buổi tối tranh thủ nghiền sách. Cô đon đả đón tiếp, tìm sách, ghi sổ, ghi số thẻ đọc. Lúc nào nụ cười cũng tỏa rạng, chưa bao giờ tắt trên môi Miên.

 

Cô về huyện làm việc trong thư viện được hai năm. Một thư viện hiếm hoi ở cấp huyện, do những người yêu sách sáng lập, được chính quyền ủng hộ. Trước đây cô làm trong ngành du lịch. Một công việc năng động, tiếp xúc nhiều, hướng ngoại và thu nhập cao. Cô thông minh, sở hữu vóc dáng mỹ miều. Đôi mắt to tròn hút hồn bao chàng trai. Ngày xưa người làng nghĩ cô số sướng. Mỗi lần về quê đều có xe đưa, xe đón của những gã trai thích cô. Cô sẽ sống giàu sang với những chuyến đi, rồi sẽ là vợ của một đại gia giàu có và làm một công việc phù hợp. Không ai biết được chữ ngờ…

* * *

Miên xinh đẹp và hãnh diện vì mình sống đàng hoàng với công việc ổn định. Nhưng sự trắc trở có thể ập tới với bất kỳ ai. Cô không may mắn trong tình duyên. Phải. Tất cả vì tình. Ai đó nói người phụ nữ cũng như hạt mưa. Rơi nơi cao được cao, rơi xuống hố sâu phải chịu. Gã trai đó đến trong một vỏ bọc vô cùng ngọt ngào. Một sự tròn trịa với xuất thân gia giáo, đẹp trai, lãng tử. Gã chiều và thương yêu cô. Cô tin ở tình yêu đó. Nhưng rồi gã đã phản bội, làm tim cô tan vỡ. Tất cả sự hào nhoáng là do gã đi thuê. Chỉ cái mẽ ngoài sạch sẽ là của gã. Cô luôn tin và hy vọng. Càng hy vọng lắm thì càng đớn đau nhiều. Cô không thể chịu đựng được kẻ vừa bước vào cuộc đời cô, làm nó trở nên diễm tuyệt, thỏa mãn, đau đớn vì nạo hút, rồi đột ngột đẩy cô ra ngoài, thành một người dưng.

Bạn thân nhất của cô cũng khổ vì yêu. Nó là đứa ít nói, lành hiền nhưng khi yêu thì hết mình và dấn thân. Vết thương khiến cô muốn khép mình lại. Cô vẫn đi làm. Nhưng đôi mắt trầm buồn. Dù những chàng trai cùng công ty, những mối xã giao trước đây tỏ ý tiếp cận nhưng chẳng khiến Miên động lòng. Đến khi có người muốn tỏ tình nghiêm túc thì cô lo sợ. Những giọt nước mắt của cô bạn khiến cô nhói đau. Vết cắt trong tim vẫn day trở nơi cô hằng đêm. Nhiều lần cô khóc trong lòng mẹ, nơi quê nhà. Cô chán những chuyến đi, những mối xã giao, cuộc hẹn mà người hẹn chỉ lờm lợm cái giọng muốn chiếm đoạt. “Mẹ ơi, con muốn thoát khỏi công việc hiện tại. Con muốn đi thật xa…”.

Mẹ vỗ về con gái. Mẹ cô khuyên con về làng. Mẹ cô là nhà giáo về hưu và có thể xin cho con về thư viện huyện. Cô có chứng chỉ ngành từ khi học đại học. Về quê nhà với hoa lá cho thanh thản. Miên về. Người làng mời cô ra giúp thư viện làng vì Miên trẻ, nhanh mắt, cập nhật được các loại sách mới, sách hay. Các ông, các bác trong làng về hưu, yêu sách, có thừa nhiệt tình. Họ coi sóc các ngày chính, nhưng ít bạn đọc hơn cuối tuần. Cô nhận lời giúp làng hai ngày cuối tuần. Với cô, giúp thư viện làng cũng là cách trả nghĩa làng.

* * *

Bé Thy ngộ nghĩnh và yêu sách, như hàng trăm em bé của làng. Lựa hai ngày cuối tuần, cô bé đến ngồi đọc chăm chú rồi có lúc lơ đễnh nhìn Miên. Bà Ánh bảo, từ lúc học lớp một con bé đã đến đọc truyện tranh. Cuối buổi bao giờ nó cũng mượn thêm một cuốn dành cho người lớn. Nói mượn hộ bố. Miên chỉ nghe vậy, rồi tiếp những bạn đọc khác, hoặc đọc cuốn mình thích. Bồ chữ của làng đã nuôi bao đứa con, khiến cái bụng của mỗi đứa con đều được no nê. Người thành đạt mỗi năm thêm nhiều. Miên vui, nhưng chạnh buồn nghĩ đến mình.

Một hôm bé Thy đưa cho Miên một bức tranh nhỏ, vớt nét vẽ ký họa khá điêu luyện. Một nụ cười tỏa rạng của Miên mà cô đã tìm lại được. Còn đôi mắt này… đôi mắt hút hồn hình lá muỗm. Quê cô nhiều cây muỗm và thật lạ, bất cứ cô gái làng nào được trời ban cho nhan sắc trội lên thì đều có mắt lá muỗm. Mắt Miên đặc biệt, to, mi dài, với hai mày rậm. Cô cười, hỏi:

- Ai thế cháu?

- Là cô đấy, cô Miên ạ.

- Cô ư? Ai vẽ vậy?

Bé Thy vô tư trả lời “bố”. Nhưng nó chợt khựng lại. Một thoáng, nó bảo: 

- Bố cháu vẽ tặng cô. Bố vẫn bảo cháu mượn hộ sách, tối về bố cháu đọc.

Lòng cô hơi xốn xang. Bà Sơ đang soạn lại sách, thấy Miên bần thần, bảo: “Bé này là con anh Vượng. Vượng thợ mộc. Xưởng ở đầu làng mình”. Miên hơi nhói đau. Phải rồi. Anh Vượng thì cô có biết. Cô đi học, đi làm, anh ở nhà, lấy vợ và có bé Thy. Cô chỉ loáng thoáng biết anh làm thợ mộc. Bà Sơ tiếp câu chuyện:

- Nhà Vượng này hiền lắm. Rất có hoa tay. Vẽ đẹp. Cũng ham đọc sách này. Chỉ thiệt thòi, mấy năm trước vợ Vượng chơi với cái Thy, đi qua đường tàu không để ý, bị tàu cán. Vượng thành ra cảnh gà trống nuôi con. Tội nghiệp.

Chỉ thoáng qua Miên đã hiểu câu chuyện của gia đình bé Thy. Thái dương cô nhói buốt. Mỗi người có một hoàn cảnh. Một người hiền lành, chịu khó như anh Vượng cũng đâu được an nhàn, hưởng niềm vui trọn vẹn. Mỗi con người cũng như mỗi cuốn sách, đều sống và kể những câu chuyện, với sự chìm nổi, đau đớn, tuyệt vọng, hy vọng và sung sướng, an nhàn khác nhau.

- Bảo bố là cô gửi lời cảm ơn nhé.

* * *

Cô chưa từng ngồi đọc sách dưới hàng muỗm. Cảnh sắc, gió cùng sự bình yên của buổi sáng trời trong khiến cô muốn được ngồi đây, cùng “Đi tìm thời gian đã mất”, một tuyệt tác của nhà văn Pháp Marcel Proust. Sáng nay bà Ánh muốn ra thư viện, vừa trông vừa đọc. Bà nói: “Ở nhà không có việc gì buồn tay, buồn chân, cô ra làm bạn với chữ và mọi người. Miên cứ ra ngoài kia mà ngắm cảnh”.

- Cô đọc đến đâu rồi? Câu hỏi khiến Miên sững sờ quay lại. Hàng muỗm cũng im lặng.

- Là tôi, Vượng đây.

- Cảm ơn anh vì bức vẽ hôm nọ. Anh có cái chất của họa sĩ đấy.

Vượng tóc khá dài, rẽ ngôi, nhìn bụi bặm và lãng tử.

- Tôi làm mộc, cũng gọt tỉa, chạm trổ đủ thứ hoa lá cành. Một cái ký họa tặng cô thủ thư có là gì.

Vượng ngồi xuống ghế đá. Anh nhìn cuốn “Đi tìm thời gian đã mất” trong tay Miên mà anh đã đọc cách đây bốn năm, sau khi vợ anh mới qua đời. Cuốn này phải căng mình lên, người đọc cũng phải theo câu chuyện đến cùng. Ngoài cuốn này, Vượng từng đọc của Lỗ Tấn, Mạc Ngôn, Hemingway… Qua trò chuyện, Miên biết Vượng cũng là người chịu đọc. Nhiều cuốn cô còn mới biết thì anh đã nói vanh vách các nhân vật. Cứ như đầu anh đã chứa hết cả sách thư viện làng.

- Chẳng giấu gì, ngày Miên học cấp ba tôi cũng biết. Lúc Miên ra mượn sách cùng bạn tôi cũng thường ra đọc hoặc mượn về. Tốt nghiệp đại học xong tôi ở nhà, muốn tự sống nơi quê mà. Với lại ở quê tôi còn được gần thư viện, gần họ hàng. Tôi con một, tôi không muốn xa bố mẹ.

Gặp Miên, tự dưng cảm xúc trong Vượng lại trỗi dậy. Anh nhớ người vợ đoản mệnh. Miên cảm nhận được trong sâu thẳm mắt Vượng, có cái gì đó u uẩn, xa xót.

- Cuốn “Thiếu nữ ngủ mê” chắc anh đọc rồi?

- Vâng, Vượng đã đọc. Một tác giả Nhật thật hay. Một câu chuyện tưởng trần tục mà nhân văn khủng khiếp.

Miên cười và thấy thú vị với hai từ “khủng khiếp” của Vượng. Từ hôm nói chuyện với Miên, sáng thứ bảy Vượng thường cùng con gái đến mượn sách.

* * *

Đều đặn hằng tuần, Vượng bớt thời gian ra thư viện làng. Từ ngày có cô thủ thư xinh đẹp, đám trai làng chịu khó ngồi thư viện hơn. Những thanh niên làng bên tìm sang, xin làm thẻ đọc. Họ đến vì không gian đọc của làng sinh động hay có ý định tán tỉnh? Cô thủ thư không quan tâm. Nhưng Miên càng ngày càng nhận ra, khi đã ham đọc thì đến gã thợ phu hồ cũng muốn đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Các bô lão, người về hưu, bác nông dân… mỗi người dù chuyện đọc chẳng phục vụ kiếm tiền, nhưng dường như con chữ có ma lực, đã níu họ lại với thư viện.

Buổi sáng trời trong. Tháng tư ấm trên hàng cây lớn tuổi. Lá vào kỳ kheo tán. Sau hơn nửa năm kể từ ngày đầu tiên Vương và Miên nói chuyện, Vượng trao cho cô một tập ký họa. Cô giở ra xem. Ôi chao, thật đẹp. Đó là những nét vẽ phóng khoáng nhưng vẫn kỳ công và có sự tài hoa. Bức này nhấn vào nụ cười mãn nguyện, bức kia mô tả cô gái trao sách cho khách, bức nữa là sự đăm chiêu dưới hàng muỗm. Rồi miêu tả mái tóc, dáng đi trong không gian của làng. Cô khựng lại trước một bức miêu tả sâu hơn đôi mắt. Một đôi mắt sáng long lanh, khó cưỡng và hằn sâu bên trong là nỗi da diết rất khó đoán biết. Cô thấy mình thật sự ở trong đó. Một đôi mắt có tâm trạng, từng viên mãn, từng đạt được khao khát trong đời sống rồi rơi xuống đáy của sự thất vọng. Cô nói lời cảm ơn. Nhưng cô không biết sắp tới phải làm sao bởi dường như Vượng đang có ý định với cô. Từ hôm đó Miên chỉ đến thư viện huyện. Cô nhờ các bác, các bà trông thư viện. Miên không muốn gieo hy vọng cho Vượng. Mình đã làm gì thế? Miên tự hỏi. Lẽ ra mình không nên gặp khi biết hoàn cảnh của anh ấy. Vượng nhắn tin, gọi điện. Miên không muốn trả lời. Sau nhiều lần lưỡng lự, cô nhắn: “Anh đừng hy vọng gì ở em. Em có nỗi khổ của mình. Cảm ơn anh về những bức tranh”. Vượng nhắn lại: “Thì chúng ta hẵng là bạn. Em đừng bỏ thư viện. Cũng đừng ôm mãi quá khứ của mình. Anh biết chuyện của em. Miên đã đọc cuốn “Chuyện tình thư viện” của nhà văn Anh chưa? Nhân vật ông bố đã khuyên con gái phải mở lòng. Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”.

Miên một mình đi lên đê, xuống bãi sông. Đồng bãi bời bời gió. Cô không biết phải trả lời Vượng thế nào. Thực tình, Vượng rất đáng thương, cũng đáng trân trọng. Tình cảm của anh ấy… Cô hỏi cỏ cây, cô hỏi sóng và sông. Mình phải là sao đây? Hai hàng nước mắt trào ra. Vượng dẫn câu chuyện rất đúng. Mỗi người không thể ôm mãi quá khứ đau buồn. Phải mở lòng ra. Mình không có lỗi. Mình có quyền được hưởng sự thanh thản và hướng về một ước mơ khác.

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên

Đọc thêm