[Truyện ngắn] Ngõ cười

0:00 / 0:00
0:00
Nhẩm lại đến nay lão An đã bán nước chè dưới gốc đa đầu ngõ phố được mười sáu năm. Mười sáu năm không dài, nhưng đằng đẵng với một thân phận dãi nắng dầm mưa, hít bụi và khói xe. Công việc tạm đủ cho cuộc sống dè dặt của lão. 

Người làng, trong ngõ phố quen thuộc lắm vóc dáng nhỏ gọn của ông lão. Điều đáng nói, tuy người nhỏ gọn nhưng giọng lão lại sang sảng, khuôn mặt tươi rói, như lúc nào cũng mãn nguyện. Lão hoạt ngôn, hay tâm sự nên ai gặp lão cũng muốn giãi bày, tán gẫu đủ thứ chuyện. Như thể tâm hồn lão có chỗ lưu không đủ để chứa cả ngàn vạn câu chuyện, lại có thể an ủi, giúp người khác vơi muộn phiền.

 

Hôm rồi thằng Thành con ông Thạch, chủ hai mươi căn phòng trọ cuối ngõ bô bô kể bố nó có bồ. Suốt những năm qua ông quần quật làm lụng, lo chữa bệnh cho mình và vợ đến rạc người, bỗng năm hơn sáu mươi tuổi da dẻ lại đỏ đắn, khỏe mạnh. Thằng Thành khoe với lão An: “Bố cháu có bồ ông ạ. Chẳng biết có làm ăn gì không, nhưng mà phởn lắm”. Nói xong nó cười hô hố. Lão An lắc đầu, chẳng ra khen, cũng chẳng ra chê. Thằng Thành tiếp: “Có mấy đứa sinh viên thích cháu lắm, hoặc thích thật, hoặc vì đang trọ ở nhà cháu. Mà phòng nhà cháu thì nhiều. No nê mấy năm nay thôi, trước tiền cho thuê phòng chả đủ tiền chữa bệnh…”.

Đúng lúc ấy thì một đám lâu la choai choai ngả ngớn ngồi, rít thuốc lào sòng sọc, nói toàn chuyện lô đề, cờ bạc, săn gái. Lão An vừa rót nước vừa đỏ mặt. Một thằng dẩu mồm: “Lão thích nghe bọn cháu nói bậy, cứ tủm tỉm cười”. Lão xua tay: “Tôi không bậy được như các cậu”. Cả bọn lại cười ồ.

Thằng Thành cởi bớt cúc áo ở ngực, lộ ra vằn vện hình xăm trổ. Nó hềnh hệch nhìn lão An:

- Bố ngồi đây sướng, ai ra, ai vào làng cũng biết, chân ngắn, chân dài nào cũng ngắm.

- Tôi ngồi hít bụi, chỉ mong kiếm bát cơm hằng ngày, nào dám thong thả mà ngắm ai.

Lúc này lão Mọc từ trong đi ra. Lão bảo đám thanh niên:

- Các cậu lại trêu ông già. Thời bọn tôi trẻ như các cậu thì khỏi phải nói. Bây giờ các cậu sướng quá có khi rửng mỡ.

Thằng Quách thấp lùn chả vừa:

- Dạ, nhưng cái rửng mỡ của bọn con cũng tạo việc làm cho người khác đấy ạ. Con lấy ví dụ bọn con đi nhậu nhẹt thì nhà hàng bán được hàng, có tiền trả nhân viên, người làm ra đồ ăn, thức uống cũng được hưởng lợi. Nhậu vào bọn con khỏe, bọn con lại gặp mấy đứa như cái Thúy, cái Nết. Chúng nó xảy ra sự cố gì thì mấy quầy thuốc cũng bán được hàng.

Lão Mọc nhả khói thuốc, chỉ tay vào Quách:

- Cha bố thằng ông mãnh, chỉ được cái lém lỉnh!

Lúc này, nhóm thanh niên kéo nhau đi nhậu. Mấy lão già lại tỉ tê chuyện thời tiết thất thường.

* * *

Lão An ấn tượng lão Mọc. Lão Mọc chỉ hơn lão An vài tuổi, nhưng nom già hơn nhiều và khổ về đường con cái. Mái tóc sợi bạc nhiều hơn sợi đen, chỗ xoăn, chỗ tua tủa, chỗ lại bờm xờm giống lông chó. Tất thảy như đều muốn quậy phá. Mặt lão hơi dài, mắt trũng, cái cằm chồi lên khiến người ta liên tưởng đến chiếc lưỡi cày. Hôm nào lão Mọc cũng ghé quầy nước lão An hai lần, sáng và chiều, giống như ăn hai bữa chính trưa và tối. Một cái nếp quen thuộc đến nỗi ngày nào mưa quá, lão Mọc không ra được thì lão An thấy nhớ. Và thể nào lần gặp kế tiếp, lão Mọc cũng thốt lên: “Không gặp lão thì tôi không yên”. Lão An sẽ rót một cốc trà đặc, nóng, đưa ra bằng bàn tay chai sần đen sạm. Lão An lại lặng lẽ nghe lão Mọc kể chuyện con cái. Nuối tiếc là điều thường xảy ra của nhiều mái đầu bạc. Ba trai, một gái. Cộng cả dâu rể là tám. Thế mà không được nhờ. Bọn chúng tị nạnh nhau từng đồng, từng cắc lúc góp vào trợ cấp bố. Có lần, thằng con thứ đón lão về nhà nó để phụng dưỡng, được ba bẩy hăm mốt ngày đã bị con dâu bóng gió, rồi hắt hủi. Không chịu được, lão lại về ngôi nhà nhỏ trong khu này sống một mình. Đời vẫn chẳng thôi khắc nghiệt. Lão thốt lên với lão An: 

- Đúng là một người mẹ có thể nuôi mười đứa con, nhưng mười đứa con chẳng nuôi được một mẹ.

Lão An thêm vào:

- Mỗi người một hoàn cảnh, một phúc phận. Tuổi già mà con cái đàng hoàng, có hiếu thì được nhờ. Không thì đau đầu đến lúc chết.

Lão Mọc lại kể ra một tràng, cả quá khứ, hiện tại, tương lai:

- Tôi nghĩ là tôi sẽ khổ đến lúc chết đấy. Ít nhất là khổ đến lúc này. Xưa thì “thắt lưng buộc bụng” nuôi bốn đứa chúng nó. Chịu đói, chịu khát cho chúng nó ăn học đàng hoàng  - Lão gằn giọng - Nay chúng nó cũng thành ông, thành bà rồi. Thế mà có biết nghĩ đâu. Sau này, biết đâu con cái chúng cũng tệ bạc với chúng…

Lão An thấy một nỗi xao xác dâng lên, cảm thông lão Mọc có cả đống con mà không được nhờ. Mấy lần lão Mọc ốm dặt dẹo, lão An sang thăm. Lần nào lão Mọc cũng than rằng mình với đám con cứ động nói chuyện là lại to tiếng. Thành ra lúc ốm, lão cũng chẳng muốn phiền đứa nào.

Lão An nghĩ về con. Lão có một đứa con gái. Đó là kết quả của tình yêu với bà Hạnh. Nhiều năm trước bà Hạnh không chịu được cảnh sống bần hàn bên lão nên đã bỏ đi. Lão vì buồn, bán gia sản, gom được ít tiền mua lấy một căn nhà nhỏ, chưa đầy hai mươi mét, giấy tờ viết tay ở khu dân cư nghèo này, với mong muốn có thể làm thuê, làm mướn nuôi con. Thế rồi làm mãi đau chân, khớp gối yếu, lão bèn ra bán nước trà mưu sinh. Con gái lão lớn lên, xinh xắn, dù lão hết lòng chăm sóc, thương yêu nhưng năm mười tám tuổi bỏ học, mải yêu đương, chê lão nghèo rồi cũng theo người ta bỏ đi. Ba năm trước thi thoảng còn về, đưa cho lão vài đồng rồi mắt trước mắt sau nhảy lên xe ai đó, đi mất. Thi thoảng nhớ lão lấy điện thoại ra gọi. Lão nghe mấy thanh niên trong ngõ nói con gái lão lúc thì đi tiếp thị thuốc, bia, rượu, lúc là cô nhảy mồi trên sàn mấy quán bar. Lão gọi điện bảo con về nhà, nhưng nó không chịu. Sau này điện thoại cũng chẳng liên lạc được. Lão đến mấy nơi dò tìm, nhưng chỉ nhận được những thông tin rất mờ nhạt. Lão chùng chân, nản lòng, chẳng biết con nơi đâu. Tuy lòng đầy đau khổ, cô đơn nhưng lão biết giấu kín, chỉ màn đêm biết lão đau. Đôi khi một vài người hỏi han, sao không thấy con gái về? Lão nhói lòng, rồi “chữa cháy”: “Nó đi làm ăn ở đâu cũng chẳng rõ. Thôi thì, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.

Cứ thế, không ai biết lão đang buồn. Lão vẫn là chất xúc tác cho ngõ xóm thêm vui. Lão cũng kết nối các cụ trong xóm, khu phố để họ tích cực tham gia Hội người cao tuổi phường, thăm hỏi, động viên các cụ ốm đau. Gặp ai lão cũng xởi lởi, động viên, góp tiếng cười. Nhờ thế người mỏi mệt, ốm đau thấy phấn chấn khỏe hơn rất nhiều.

* * *

- Bố ơi, bố An, cho con vay một trăm nghìn trả tiền xe ôm.

Lão An ngẩng lên. Là Huế. Cô trọ trong khu nhà ông Bổn, cách ngôi nhà nhỏ của lão An vài chục mét. Lão móc túi, đưa tiền cho Huế. Trả tiền xong, Huế ngồi xuống ghế, đặt chiếc túi lên đùi:

- Bố cho con xin cốc vối đá. Hôm nay bán hàng thế nào ạ?

- Cũng làng nhàng con gái ạ.

Huế vẫn quen gọi lão An bằng “bố”. Cô gái rất mau miệng, hoạt bát. Lão biết cô làm nghề gì. Đám thanh niên trong xóm tỏ ra tinh tường hơn. Thằng bĩu môi con Huế làm nghề nhạy cảm. Thằng thì nói là “gái đứng đường”. Mỗi lúc Huế đi qua hoặc bắt xe grab đi làm mà có đám thanh niên nhí nhố ngồi đây, kiểu gì cũng có chuyện trêu ghẹo. Nhưng Huế không quên nhìn lão An và “chào bố”.

- Đến nhà đứa bạn, đi đến đây rồi con mới nhớ ra quên ví ở nhà nó. Con mượn rồi về lấy gửi bố sau, cả tiền nước nhé.

- Ừ, lúc nào đưa bác cũng được. Đừng ngại.

Với lão An, Huế làm gì không quan trọng. Quan trọng là cô gái tôn trọng, hay chào lão. Nhìn Huế, lão bỗng nhớ con. Vóc dáng cũng hao hao cô con gái lão. Có lúc nghĩ, nếu cô gái làm cái nghề mạt hạng đó thật, âu cũng là số phận, hoặc là một thứ nghiệp chướng nào đó. Còn bản chất Huế rất tốt. Chẳng ai có quyền phán xét Huế. Lão từng nghĩ, mình cứ sống hòa nhã, cởi mở, biết đâu cuộc sống sau này có hậu vận tốt. Có lần, lão hỏi Huế làm nghề gì? Huế nói làm tiếp thị. Lão chột dạ, nói con gái mình cũng làm cái nghề như thế. Lão chẳng biết cụ thể công việc thế nào. Lão nhờ: “Nếu con thấy con gái bác thì bảo bác với nhé”. Huế Vâng. Lão biết Huế là cô gái có hiếu, không chê bố mẹ nghèo, bệnh tật. Không ít lần tỉ tê, Huế nói vì bố mẹ nghèo, nhiều bệnh, cô phải lăn lộn kiếm tiền, mỗi tháng gửi về nhà gần chục triệu đồng để bố mẹ chi sinh hoạt, chữa bệnh. Lão khen Huế hết lời. Lão nghĩ, giá con gái mình được như thế…

- Huế này, bác có tìm được một tấm ảnh của con gái - lão đưa tấm ảnh cho Huế - Phiền con, nếu may mắn gặp nó thì bảo nó gọi điện về cho bác nhé.

Lão An thấy lòng mình hơi rung lên. Lão biết khó nhưng vẫn nhờ chứ, biết đâu giữa thành phố đông ngột ngạt này có điều kỳ diệu xảy ra.

* * *

Huế may mắn tìm được Dung ở chốn xô bồ khi thấy một cô gái rất giống  trong ảnh. Huế hỏi tên cô gái ăn mặc rất sành điệu trước mặt. Cô gái gật đầu. Huế nói: “Bố bạn mong bạn về”. Dung chỉ “ừ, cảm ơn” lạnh lùng rồi đi mất. Dung về thật, đó là một ngày vui đến vỡ òa trong lão An. Nhìn con, lão rưng rưng khóc. Nhưng Dung chỉ đứng, hỏi cộc lốc vài câu, đưa cho bố số điện thoại mới, rồi đi. Lão thuyết phục:

- Con ơi, con làm ở đâu? Hãy về ở với bố, rồi con đi làm gì cũng được.

- Không, có chỗ ở rồi. Ở đây làm gì!

- Bố là bố của con mà. Bố cần con.

- Thôi, thi thoảng con ghé về.

Con gái lão như cơn gió, không thể kìm giữ. Lúc Dung phóng xe đi, Huế ngồi trông hộ quầy nước của lão An, cô biết là lão An chẳng thuyết phục được con gái. Hẳn lão rất buồn. Huế biết nơi Dung thường đến, nhậu nhẹt với mấy cậu đầu trọc lốc, to con, dốc đời vào những cuộc ăn chơi trác táng. Có lần Huế phục vụ đúng bàn Dung ngồi. Bốn gã bàn Dung gọi hai chai rượu macallan. Nếu lão An biết tình trạng của con, sẽ buồn lắm. Lúc Dung loạng choạng say, vào nhà vệ sinh nôn, Huế gặp, lấy hết can đảm, bảo: “Bố bạn mong đấy. Tớ cũng có bố mẹ, tớ đi làm vì…”. Huế tưởng Dung sẽ nổi đóa, gằn giọng quát cho một trận, nhưng Dung lặng im, thoáng buồn. Dung gật. Huế tiếp: “Bạn bè, bạn nhậu thì nhiều nhưng bố mẹ chỉ có một”. Huế thấy Dung ứa nước mắt.

* * *

Một ngày đẹp trời, lão An được con gái về đón đi. Lão không biết nó định đưa mình đi đâu, chỉ bảo có một việc quan trọng. Ừ thì đi. Lão nghĩ. Con gái đón cơ mà. Dung đưa lão đến một ngôi nhà khang trang. Cô con gái bùi ngùi:

- Bao năm qua, con làm, tích cóp mua được căn nhà này, con muốn đón bố về ở cùng con. Con không muốn bố ở con ngõ đó và con cũng không về đó nữa. Con không muốn người ta nghĩ con là đứa con gái hư hỏng, bỏ bố. Con xin lỗi vì đã không ở bên bố.

Lão An ôm con vào lòng, rưng rức khóc. Sau nhiều năm, lão mới lại khóc vì vui sướng.

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên