Vì sao nghệ sĩ bất chấp tất cả để làm MV “gợi cảm”?

(PLVN) - Có không ít MV ca nhạc được gắn mác 18+, 16+, vừa dùng “câu view”, quảng bá dễ dàng, lại vừa hợp thức hóa cho những yếu tố dung tục, bạo lực vốn chẳng cần thiết phải có cho nội dung của MV.
MV 18+ mới bị gỡ bỏ của Nhã Tiên đầy rẫy những cảnh gợi dục.
MV 18+ mới bị gỡ bỏ của Nhã Tiên đầy rẫy những cảnh gợi dục.

Dùng MV 18+ để bước vào âm nhạc

Mới đây, MV ca nhạc gắn mác 18+ “Em muốn cho anh xem này” của “hot girl” Nhã Tiên đã bị gỡ bỏ khỏi Youtube. Động thái này được xem là kết quả từ sự phản ứng mạnh mẽ của khán giả vì âm nhạc bị đánh giá kém chất lượng, nội dung không có gì hấp dẫn, nhưng sự phô phang tính dục lại khiến người xem đỏ mặt.

Trong MV không thiếu nhiều tạo hình, tư thế cực kì phản cảm, thậm chí có trích đoạn khiến khán giả cho rằng miêu tả sự... bạo dâm. Nhã Tiên - trong vai nữ chính của MV liên tục có những cảnh ăn mặc hở hang, xuất hiện trong phòng ngủ, nô đùa cùng các chàng trai trong trạng thái thiếu vải, hoặc cầm roi quất một chàng trai với biểu cảm rất... khó coi. 

Dưới phần bình luận khi MV này chưa được gỡ bỏ, khán giả phản đối khá mạnh và lượt "dislike" cho MV chiếm đa số so với lượt “like”. Đáng nói, Nhã Tiên là một “hot girl”  được một bộ phận giới trẻ biết đến nhờ nhan sắc xinh xắn.

Tuy nhiên, giọng hát của cô gái này được đánh giá là “ngược” với ngoại hình. Và MV 18+ nói trên chính là cách mà “hot girl” này "ra mắt" với cộng đồng âm nhạc. Có lẽ, chuyện gây sốc, bị gỡ bỏ cũng nằm trong một kế hoạch trình làng đầy scandal, gây ấn tượng mạnh cho những bước đệm tiếp theo chăng?

Trào lưu làm MV 18+ đã xuất hiện vài năm gần đây trong làng nhạc online. Cũng như Nhã Tiên, một số “hot girl” khác, không nhiều tài năng, chưa nhiều đất diễn trên các chương trình nhưng lại đi đường tắt bằng MV nhạy cảm và post mạng xã hội, để rồi từ đó nổi tiếng, được công chúng biết đến. 

Sĩ Thanh có lẽ là một ví dụ điển hình. Hát không hay nhưng sở hữu một ngoại hình khá quyến rũ. Tuy nhiên, sự nghiệp giải trí của Sĩ Thanh chỉ thực sự khởi sắc sau MV “Oh my chuối”- một MV bị đánh giá thấp từ nhan đề đến nội dung đầy ẩn ý tục.

Trong MV, lời bài hát không có ý nghĩa gì ngoài hướng đến tình dục, với những câu hát vô nghĩa, những động tác múa may uốn éo gợi dục... Mặc dù được coi là "ca sĩ 18+", nhưng không thể phủ nhận Sĩ Thanh đã thành công khi tiếp cận một bộ phận khán giả tò mò. Cho đến nay, cô ca sĩ này vẫn tiếp tục lối đi của mình, với những MV nhạt nhẽo phần nhạc, khoe thân ở phần hình...

Không xứng danh xưng “nghệ sĩ”?

Không chỉ những “hot girl” yếu nhạc dùng MV khoe thân tiến công vào showbiz mà không ít ca sĩ, trong đó có cả những ca sĩ “ăn khách” đã dùng đến MV 18+ như một cách “câu view” cho âm nhạc của mình. Có thể kể đến Hương Giang với “Em không hối tiếc” gắn mác 16+, Đức Tuấn với MV “Trăng dưới chân mình”, Hồ Ngọc Hà với “Cả một trời thương nhớ”, Nguyễn Trần Trung Quân với “Tự tâm và Màu nước mắt”...

Đối với một số MV thì phần 18+ có thể chỉ là cái nền để câu chuyện trở nên hấp dẫn, thu hút hơn. Tuy nhiên, với nhiều nghệ sĩ trẻ, sex, bạo lực, đồng tính... thì đây đơn giản là một đề tài “câu view”, thế nên yếu tố nhạy cảm được thể hiện một cách quá đà, thiếu nghệ thuật. Như hàng loạt MV bị khán giả coi là tục, rẻ tiền từ phần nhạc đến phần lời, phần trình diễn.

Có thể thấy, các MV như “Như cái lò” của “hot girl” Huyền Sambi, “Nắng cực” của nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, “Vô ra ra vô” do Kay Trần trình diễn, “Xếp hình” của Tăng Nhật Tuệ... ở ngay phần tựa bài hát đã thấy cách chơi chữ, nói lái, ẩn ý rất tục hướng đến hành vi tình dục. 

Có những MV đầu tư lớn, từ một đến vài tỉ đồng, nhưng lại bị đánh giá là một nồi thập cẩm với chất liệu khoe thân không hơn không kém, như những MV “Em đẹp em có quyền” của Hoàng Y Nhung, “Sexy Girl” của Linh Miu, “Lêu lêu” của Zero 9, “Dancing king” của Bùi Caron, “Mời anh vào team em” của Chi Pu... Không thiếu các MV mà mục tiêu ra mắt với mục tiêu duy nhất là gây sốc bằng khoe thân, nên bất chấp nội dung chán ngắt, bất chấp sao chép ý tưởng, đạo nhái, chắp vá...

Tất nhiên, các MV ấy như mong muốn đã nổi bùng lên trong một khoảng thời gian ngắn lúc mới ra mắt, sau đó nhanh chóng đi vào quên lãng, bởi những MV khác, những chiêu trò khác hấp dẫn hơn trong làng giải trí. 

MV được dán nhãn thì người nghệ sĩ cũng vậy, được dán nhãn dựa theo cách mà họ đã chọn. Nếu nhắc đến những Sĩ Thanh, Chi Pu, Linh Miu, Huyền Sambi, Kay Trần... thì ai nhớ đến tài năng của họ, hay chỉ nhớ đến đó là những ca sĩ, “hot boy, hot girl” trẻ, chuyên làm MV khoe thân?  Họ, có lẽ không nên được gọi với cái danh xưng nghệ sĩ?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Những ai có tư duy ngông cuồng, thô tục sẽ không thể theo nghề dài lâu

Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng hùa theo, rồi biện minh rằng “do mọi người nhạy cảm, suy diễn chứ tôi chẳng ý gì. Với tôi, một bài hát là phải đẹp, đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đẹp đến nội dung ý nghĩa, đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp. 

Đã khoác chiếc áo nghệ sĩ, nhạc sĩ lên người thì hãy tôn trọng bản thân mình, tôn trọng khán giả yêu mến mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng chất xám và những tác phẩm của mình. Đừng để một phút bốc đồng của tuổi trẻ mà sau này nhìn lại sự nghiệp của mình rồi hối hận vì những vết đen không thể nào gột sạch.

Những ai có tư duy ngông cuồng, thô tục sẽ không thể theo nghề dài lâu. Họ không trân trọng giá trị đích thực của âm nhạc. Sản phẩm chỉ là cái cớ để họ đạt được danh lợi, tiền bạc, sự nổi tiếng.

Ca sĩ Phương Thanh:

MV có thể chỉ là một sản phẩm giải trí, nhưng nếu quá lố về thẩm mỹ, văn hóa... thì khi được phổ biến rộng rãi, tràn lan sẽ tạo thành thói quen thưởng thức thiếu lành mạnh cho giới trẻ. N.Mai (t/h)

Đọc thêm