Xẩm - “món ăn tinh thần” chạm tới trái tim giới trẻ

(PLVN) - “Chúng ta nhận thấy ở MV “Xẩm Hà Nội”, cách hát Xẩm không phải hát xẩm truyền thống mà kết hợp thêm Hiphop EDM và Rap tạo nên một hiệu ứng mới. Chúng ta thường hỏi làm sao để giữ gìn âm nhạc dân gian, phù hợp với âm nhạc hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc, thì với “MV Xẩm Hà Nội” chúng ta thấy không chỉ là cuộc chơi mà còn là sứ mệnh của các nghệ sĩ trẻ, giữ gìn và bảo tồn âm nhạc dân gian. Hai mảng màu dân gian và hiện đại tuy đan xen nhưng vẫn có không gian riêng. Thực sự hấp dẫn!”- Nhà báo Ngô Bá Lục hào hứng.
Xẩm Hà Thành “Tiêu diệt Corona”.
Xẩm Hà Thành “Tiêu diệt Corona”.

Điệu hát niên đại hơn 7 thế kỷ của đất Kinh kỳ

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, hát Xẩm ra đời từ rất sớm - thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm. Tương truyền, Tổ nghề hát Xẩm là thái tử Trần Quốc Đĩnh - một trong hai người con trai của vua Trần Thánh Tông. Hát Xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ; Xẩm xoan (Chênh bong); Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc); Nữ oán (Phồn huê); Hò bốn mùa; Hát ai.

Riêng tại Hà Nội, còn có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được đó là Xẩm tàu điện, vì nó thường được hát trên tàu điện. Khi xưa, các nghệ nhân Xẩm từ chốn thôn quê khi ra Hà Nội biểu diễn, để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mỹ của người dân chốn đô thị, vốn am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, nên các gánh Xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ của các thi sỹ như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính… vào các điệu Xẩm, đưa Xẩm đã trở thành loại hình âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long - Hà Nội.

Khi nghe những giai điệu ca từ Xẩm, thoáng qua chỉ là những câu hát góp vui cho đời, nhưng càng thưởng thức nhiều, càng tìm hiểu, càng đi sâu vào thì càng thấy đó là cả một kho tàng tri thức nghệ thuật truyền thống vô cùng quý giá mà cha ông ta đã gây dựng nên. Ẩn vào mỗi tiếng đàn, nhịp phách, mỗi cung bậc bổng trầm là những thông điệp mà cha ông ta gửi gắm.

Nửa đầu thế kỷ 20 về trước, hát Xẩm thường là các nhóm đi khắp chốn cùng quê, hay trên những chuyến tàu điện. Sau này, hát Xẩm chủ yếu dành cho người khiếm thị ở miền Bắc nước ta. Người hát trải chiếu Xẩm quanh những khu chợ đông người qua lại, hoặc lên tàu, xe để hát kiếm tiền.

Những câu hát Xẩm thường do các nghệ nhân tự sáng tác hoặc theo các bài ca dao lưu truyền trong dân gian. Ca từ của Xẩm thể hiện các vấn đề nóng của xã hội, của cuộc sống, thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân, đả kích thói hư, tật xấu của con người. Những chuyến tàu điện đến và đi đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho Xẩm - loại hình âm nhạc đường phố “độc nhất vô nhị”.

Mỗi khi đến trạm tàu điện hay ngồi trên các toa tàu, hành khách lại được nghe những người “nghệ sỹ đường phố” ấy cất giọng hát trầm bổng tha thiết cùng tiếng nhị, tiếng phách đồng hành trên mọi tuyến đường. Suốt gần một thế kỷ tồn tại, Xẩm tàu điện đã trở thành món ăn tinh thần và lưu dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Hà thành.

Nhưng rồi, sau gần một thế kỷ gắn bó với người Hà Nội, Xẩm tàu điện cũng giống các loại hình nghệ thuật Xẩm khác, chẳng còn mấy ai nhớ đến câu hát: “Ai ơi thương kẻ dở dang/Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư”. 

Xẩm “bung lụa” trong thời đại 4.0 

Năm 2013, nghệ nhân cuối cùng của nghệ thuật Xẩm là nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời. Trước khi nhắm mắt, bà còn để lại bao nỗi băn khoăn về việc phục hồi Xẩm cho thế hệ học trò như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long… 

Lo sợ dòng nhạc hơn 700 tuổi bị rơi vào quên lãng, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nguyện sẽ giữ gìn và phát huy xẩm dù biết rằng, con đường phía trước rất chông gai. Nhạc sĩ Thao Giang khi ấy là người đi đầu, cùng với NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long… mày mò nghiên cứu, phục hồi nghệ thuật hát Xẩm.

Họ tìm gặp các nhà nghiên cứu để sưu tầm tư liệu, lặn lội về khắp các làng quê gặp nghệ nhân còn sót lại, kiếm học trò của những “ông, bà trùm” một thời nhằm ghi lại các bài Xẩm xưa. Vốn nghiên cứu đầy dần, các nghệ sĩ tập luyện, bắt đầu tổ chức biểu diễn. 

Album "Xẩm Hà Nội" được NXB Âm nhạc phát hành thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này. Sau đó, cùng với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Quang Long thành lập nhóm Xẩm Hà Thành với mong muốn góp phần tái hiện lại một nét đẹp của Hà Thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới để nét đẹp ấy được nối dài theo hơi thở của thời đại.

Cũng từ đây, nhiều bài Xẩm do Nguyễn Quang Long sáng tác đã ra đời và được công chúng đón nhận. Chẳng hạn những bài xẩm mang tính thời sự như: Xẩm Trà đá, Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, Xẩm Đường lưỡi bò, Xẩm Cá chết… hay những bài Xẩm trữ tình tôn vinh hét đẹp của Hà Nội và tình yêu như Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà thành…

Nhóm Xẩm Hà Thành còn thực hiện 2 MV xẩm“Rượu bia tối kỵ lái xe” và “Dặn chồng chớ uống rượu bia” để tuyên truyền về văn hóa giao thông cho nhiều người. Ngay những ngày đầu năm mới 2020, nhóm Xẩm Hà Thành đã phát hành MV “Trách ông Nguyệt Lão”. Đặc biệt hơn nữa, “Trách ông Nguyệt Lão” còn mang trong mình “sứ mệnh” là sản phẩm nghệ thuật đón chào 1010 năm Thăng Long - Hà Nội của nhóm Xẩm gắn với mảnh đất 36 phố phường.

Tháng 3/2020, nhóm Xẩm Hà Thành còn ra mắt tác phẩm “Tiêu diệt Corona”, góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống loại virus Covid-19 nguy hiểm đang hoành hành và gây xáo trộn trên phạm vi toàn cầu này. 

Và để “gây sốc” đối với giới trẻ, cuối tháng 11 năm 2020, lần đầu tiên có một tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa Xẩm của dân tộc truyền thống Việt Nam với Rap và nhạc EDM vốn đã quen thuộc với giới trẻ trong nước cũng như thế giới.

Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc “chất lừ”, vừa dí dỏm, hóm hỉnh đậm chất xẩm dân gian của đường phố Việt Nam truyền thống với những rộn ràng của Rap đường phố vốn gắn liền với giới trẻ trong những năm qua và nền nhạc EDM đầy chất lửa cuồng nhiệt. 

Hà Myo táo bạo kết hợp Xẩm với Rap và nhạc EDM đã “đốn tim” giới trẻ.
 Hà Myo táo bạo kết hợp Xẩm với Rap và nhạc EDM đã “đốn tim” giới trẻ.

“Xẩm Hà Nội” của nữ ca sĩ Hà Myo là một MV độc đáo với sự kết hợp đan xen hòa giữa truyền thống và hiện đại. Sản phẩm âm nhạc đánh dấu chặng đường âm nhạc mới của nữ ca sỹ Hà Myo. Tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hà Myo vừa bước ra từ cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020 tháng 10 vừa qua với một dấu ấn mạnh mẽ bởi “cú đúp”: Giải Nhì chung cuộc và giải Bài hát hay nhất về Hà Nội. 

Với dự đón nhận nồng nhiệt từ cả Ban giám khảo đến công chúng nên ngay sau khi bước ra khỏi cuộc thi Hà Myo đã quyết định bắt tay cùng đạo diễn Nguyễn Nhật Giang thực hiện MV Xẩm Hà Nội. Và đây là nữ ca sĩ đầu tiên trong top 10 Giọng hát hay Hà Nội 2020 phát hành sản phẩm sau những thành công đạt được từ cuộc thi. 

Từ mong muốn của Hà Myo, tác phẩm Xẩm Hà Nội dựa trên lời dân gian đã ra đời ngay sau cuộc gặp gỡ giữa Hà Myo với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chỉ chừng 4 ngày và được thực hiện với phần phối khí của nhà sản xuất âm nhạc - Producer VBK Thế Phương, một tên tuổi gắn với EDM khá quen thuộc với giới trẻ.

Sự độc đáo của MV “Xẩm Hà Nội” được tạo nên từ nhiều yếu tố ca sĩ, nghệ sĩ tham gia, âm nhạc, hình ảnh... Có lẽ lần đầu tiên có một tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa Xẩm của dân tộc truyền thống Việt Nam với Rap và nhạc EDM vốn đã quen thuộc với giới trẻ trong nước cũng như thế giới.

Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc hết sức độc đáo, vừa dí dỏm, hóm hỉnh đậm chất xẩm dân gian của đường phố Việt Nam truyền thống với những rộn ràng của Rap đường phố vốn gắn liền với giới trẻ trong những năm qua và nền nhạc EDM đầy chất lửa cuồng nhiệt. 

MV được ghi hình ở nhiều địa điểm nổi bật gắn liền với Hà Nội như khu vực Hồ Gươm với các hình ảnh từ cụm di tích Tượng đài Vua Lê và đình Nam Hương, Đền Ngọc Sơn, trên nóc tòa nhà Bưu điện Hà Nội, đường Phan Đình Phùng...

Với tạo hình ấn tượng và gam màu ấn tượng vừa rực rỡ vừa huyền bí và sự chuyển động liên tục của phần hình ảnh theo từng câu nhạc, tiết nhạc đã tạo nên sự đan quyện giữa âm nhạc và hình ảnh cho MV “Xẩm Hà Nội”. Có thể nói đây là một MV thật phá cách nhưng lại “quyện” với chất âm nhạc dân gian. 

 “Có quá nhiều điều mới lạ, thú vị, chắc chắn sẽ khiến khán giả thích thú hơn khi nghe “Xẩm Hà Nội”, Hà Myo nhấn mạnh. Với MV “Xẩm Hà Nội”, Hà Myo hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ, đồng thời cũng sẽ trở thành động lực để các nhạc sĩ có thêm nhiều sáng tác mới dựa trên chất liệu truyền thống.

Xẩm Hà Nội cũng chính là dấu mốc đầu tiên để Hà Myo xây dựng con đường âm nhạc cho một ca sĩ trẻ hiện đại, mạnh mẽ và biết cách ‘đứng trên vai người khổng lổ”- âm nhạc truyền thống.

NSƯT Hoàng Xuân Bình - Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết: “MV “Xẩm Hà Nội” sở dĩ có những yếu tố hấp dẫn vì chúng tôi nghĩ nghệ thuật có sự đan xen giữa xưa mà nay. Tôi rất bất ngờ vì Hà Myo và ekip có thể làm nên một sản phẩm âm nhạc như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc.

Trong khi, những thế hệ đi trước như chúng tôi lại cảm thấy thế hệ ngày nay đã làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn. Các bạn trẻ nên có một cái nhìn và hướng đi cởi mở như vậy nhưng vẫn phải truyền tải được giá trị nghệ thuật hồn cốt của dân tộc. Quả thật, Xẩm- “món ăn tinh thần” chạm tới trái tim giới trẻ thời 4.0!