Bắt được mấy con gà đi lạc, đợi mãi không thấy chủ đến nhận, vợ chồng lão nông nghèo bắt một con làm thịt nấu cháo, không ngờ liền sau đó đã lần lượt đổ bệnh qua đời. Câu chuyện đau lòng của gia đình ông Hoàng Văn Khuynh (SN 1952, từng ngụ xã Thụy Thành, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đến nay vẫn khiến người làng không khỏi đau xót, nghi ngờ.
Nồi cháo gà oan nghiệt
Theo lời hàng xóm của gia đình ông Khuynh, lúc chuyện xảy ra thì gia đình ông mới chuyển đến đây được một thời gian. Nhà neo người chỉ có hai ông bà già sống lủi thủi, nương tựa vào nhau, cuộc sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng gần nhà. Một ngày cuối tháng 3/2008, vào buổi chiều muộn khi từ ngoài đồng trở về nhà, bà Huệ là vợ ông lão bắt gặp mấy chú gà lạc chủ lơ ngơ đi dọc đường cạnh nhà.
|
Nơi bà lão xấu số từng bắt được đàn gà phóng sinh trước khi qua đời |
Nhìn tới nhìn lui không thấy ai, bà Huệ lấy làm lạ, vì trước nay ít người thả gà chạy lung tung ra như thế này. Cũng ít có khả năng gà nhà dân nuôi chạy ra tận khu hẻo lánh. Hơn nữa trời đã sụp tối, thường mọi nhà đã nhốt gà vào chuồng tươm tất, nhà nào mất gà đã xớn xác đi tìm. Đợi một hồi không thấy chủ đám gà, đoán rằng gà đi lạc, bà Huệ tiếc rẻ liền lùa bắt về nhốt lại.
Mấy ngày sau cũng không thấy ai hỏi han tìm gà, ông bà Khuynh chắc mẩm gà hoang “vô chủ” liền làm thịt một con nấu cháo hai vợ chồng ăn. Hôm sau bỗng dưng mấy con gà còn lại bỗng nhiên lăn đùng ra chết, sau đấy là hàng loạt tai ương xảy đến với gia đình mà không rõ nguyên nhân.
Đầu tiên là ông lão bỗng nhiên ốm nặng, trong vòng chưa đầy một tháng đã mấy lần ho ra máu rồi qua đời. Sau cái chết của chồng ít hôm, bà Huệ cũng có những biểu hiện bệnh như của ông. Họ hàng người quen thấy hoàn cảnh đáng thương đều cắt cử nhau sang giúp đỡ, chăm sóc tận tình. Nhưng dù có thuốc thang bệnh tình của bà vẫn không thuyên giảm mà ngày càng trở nặng. chỉ sau một tuần đổ bệnh nằm liệt giường, bà Huệ cũng qua đời theo chồng.
Câu chuyện khiến người nghe không ngừng thắc mắc, nghi ngờ. Có khi nào đây chỉ là chuyện bịa?
Hi hữu phóng sinh gà thay chim
Ông Văn, người hàng xóm cho biết đã chứng kiến toàn bộ sự việc khẳng định, câu chuyện đau lòng trên đây không thêm không bớt.
Ông Văn cũng cho biết thêm, ngay trong đám tang bà Huệ, nguyên nhân bí ẩn liên quan đến cái chết của hai ông bà dần được hé lộ. Hôm đấy, khi quan tài bà Huệ sắp được hạ xuống huyệt, có một “thầy cúng” đi ngang qua bỗng nhiên “phán” rằng người chết bị oan uổng do “tai bay vạ gió” từ nơi khác đến, hoặc bắt phải vật phóng sinh “xả xui” mà không biết.
Nghe thấy thế một người hàng xóm thân thiết của gia đình ông Khuynh nhớ lại câu chuyện về mấy chú gà lạc đã được bà Huệ kể cho nghe dạo trước.
Mọi người xâu chuỗi các sự kiện lại mới vỡ lẽ, trước hôm bà Huệ bắt được gà, tại ngôi chùa trong làng tổ chức buổi lễ cắt “trùng tang” cho một gia đình sống tại đây. Buổi lễ hóa giải trùng tang diễn ra rất to.
Theo một số người sống gần chùa cho biết đấy là một “ca khó”, “oan gia trùng tang” đã khá lâu khiến cho nhiều người trong nhà lần lượt nối tiếp nhau qua đời trong khi người trước còn chưa kịp mãn tang.
Buổi lễ kéo dài đến 2 - 3 ngày, mỗi ngày đều lập đàn tụng kinh từ sáng đến tận chiều muộn. Đúng hôm cuối cùng có nghi lễ thả phóng sinh cũng chính là lúc bà Huệ nhặt được mấy con gà “của ai đi lạc”.
Theo lời một người tham gia phục vụ đàn lễ hôm đấy cho biết, theo đúng thủ tục từ trước đến nay, đáng ra người nhà giải “trùng tang” phải mua chim để phóng sinh. Nhưng do đàn lễ quá nhiều thứ, gia đình người nhà lại đang trong cơn bối rối, hoảng sợ nên đến lúc cuối cùng vẫn chưa chuẩn bị đủ lễ.
Không tìm đâu ra chim để hoàn tất thủ tục, một người trong gia đình nảy ra sáng kiến mua gà về thay thế. Theo như người này giải thích thì gà và chim cũng cùng một họ với nhau. Gợi ý được mọi người ủng hộ. Do đó, thay vì thả chim phóng sinh như bình thường, nhà này lại thả gà thay thế.
Gà không thể bay xa như chim mà cứ quanh quẩn ở sân chùa nên người nhà quyết định ôm lũ gà ra thả ở khu đồng vắng để chúng mang “điềm xui xẻo” đi càng xa càng tốt. Không may cho bà lão Huệ trên đường trở về nhà gặp được gà, liền “rước” chúng về ăn, đến nỗi mất mạng.
Lời giải cho suy diễn vô căn cứ
Cái chết liên tiếp của cặp vợ chồng già khiến người trong thôn không khỏi thương xót lẫn kinh sợ cho rằng vì ăn phải gà phóng sinh, các nạn nhân cũng phải gánh họa “trùng tang” oan nghiệt.
Người bình thường cho rằng việc phóng sinh chỉ là chuyện thường, vẫn có đầy rẫy những người chực chờ bắt chim phóng sinh, cá phóng sinh năm này qua năm khác mà chẳng sao. Người mê tín lại cho rằng việc phóng sinh theo nghĩa khác.
Những đồ phóng sinh, cúng lễ chính là “đại diện” mang theo điềm xui xẻo, xúi quẩy của người đứng ra làm lễ đi xa. Vì vậy những con vật phóng sinh thường là “cá nước chim trời” khó có thể tìm bắt lại, một phần tránh để chúng quay ngược trở lại, một phần cũng để hạn chế người vô tình bắt nhầm mà gánh thay tai họa cho chủ nhà.
Cụ Bính, một vị cao niên giàu kinh nghiệm trong làng cho rằng, chưa từng nghe thấy việc thả gà thay cho chim hay cá trong phóng sinh. “Việc làm bất cẩn này của gia đình kia là sai, làm phúc thành ra lại vô tình gây bất hạnh cho người khác. Người nhà đấy phải lường trước được gà vốn không thể bay, có thả xa như thế nào cũng vẫn sẽ có người “vớ” được”, cao niên này nói.
Những người biết câu chuyện này đều có cùng nỗi niềm day dứt: Nếu Trời Phật có thật, sao không thương người nghèo, mà lại nỡ để những người đói khát nghèo khổ đáng thương chết tức tưởi sau khi làm thịt con gà nhép phóng sinh nấu nồi cháo xua đi cơn đói?.
Và như thế, khó có thể có việc “gánh họa do ăn gà phóng sinh”. Mọi sự xảy ra chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Hai ông bà tuổi đã cao, hàng ngày phải làm việc cực khổ, lại sống cách biệt nơi đồng không mông quạnh nên dễ nhiễm các bệnh như phong hàn, trúng gió độc, hoặc ủ bệnh ho lâu ngày không được phát hiện sớm kịp thời thuốc men, đến lúc phát hiện ra đã muộn nên không thể cứu chữa được.
Về phần bà lão, có khi quá thương nhớ người chồng xấu số nên cũng đổ bệnh qua đời không lâu sau đấy, chứ không có chuyện ăn phải vật phóng sinh đến nỗi phải gánh chịu những tai họa khủng khiếp như trên.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp mấy con gà đi lạc hôm đó đều đã mắc một chứng bệnh dịch có khả năng lây nhiễm sang người, khi vợ chồng ông Khuynh làm thịt nấu cháo đã vô tình bị lây bệnh. Điều này cũng giải thích phù hợp cho việc mấy con gà còn lại bỗng nhiên lăn ra chết sau đó, và việc ông bà Khuynh đều có những triệu chứng đổ bệnh giống nhau trước khi qua đời.
Theo Xa lộ pháp luật