Nghi án bán đất “vịt trời” lừa 3,6 tỷ tại Bình Thuận

(PLVN) - Nhận tiền cọc 4 lần nhưng không giao đất cho người mua, bà Nguyễn Thị Ba (SN 1960) và Võ Thanh Tuấn (SN 1985, con bà Ba, ngụ khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bị tố cáo có hành vi lừa đảo.
Ông Dũng bên mảnh đất mình đã “xuống tiền” 3,6 tỷ nhưng đất không được sử dụng, tiền cũng “mất hút”.
Ông Dũng bên mảnh đất mình đã “xuống tiền” 3,6 tỷ nhưng đất không được sử dụng, tiền cũng “mất hút”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1978, quê Hà Nội), năm 2019, sau khi được giới thiệu, ông gặp bà Nguyễn Thị Ba và con trai Võ Thanh Tuấn lúc đó đang rao bán thửa đất 5.000m2 tại khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, giá 5 tỷ đồng. Bà Ba và con trai đưa ông Dũng đến xem miếng đất, cho rằng dù đất chưa có giấy tờ nhưng “chính chủ ông Tuấn đứng tên và đang trong quá trình cấp sổ đỏ”. 

Ông Dũng kể thấy gia đình bà Ba có nhà cửa tại địa phương, được dẫn đi xem đất tận mắt và được hứa hẹn nên ông Dũng tin tưởng, tháng 5/2019 đặt cọc trước 800 triệu cho mẹ con bà Ba “để bên bán đất có tiền hoàn tất thủ tục cấp sổ cho người mua”.

Sau khi nhận đặt cọc lần đầu, bên bán vin ra nhiều lý do đòi ông Dũng phải chuyển thêm tiền cọc để “nhanh chóng lấy sổ đỏ và tiến hành giao dịch chuyển nhượng”. Ông Dũng tiếp tục chuyển thêm cho mẹ con ông Tuấn ba lần tiền (một lần 1 tỷ và hai lần 900 triệu). Như vậy, tính từ lúc hai bên thỏa thuận cho đến tháng 10/2019, ông Dũng đã chuyển tiền cho mẹ con ông Tuấn bốn lần, tổng cộng 3,6 tỷ. Các lần chuyển tiền đều có người làm chứng, các bên đều ký vào hợp đồng đặt cọc.

Sau lần chuyển tiền thứ tư, ông Dũng nhiều lần liên hệ với ông Tuấn để “thúc” ra sổ đỏ nhưng không liên hệ được, mới sinh nghi. Ông Dũng tự đi tìm hiểu về khu đất mẹ con ông Tuấn bán cho mình, mới ngã ngửa được biết đây là đất trồng rừng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình Lương thực Thế giới (gọi tắt là rừng PAM). Hơn nữa khu đất còn vướng mắc khi dính dáng đến dự án titan của một doanh nghiệp.

Ông Dũng tìm đến tận nhà, yêu cầu mẹ con ông Tuấn trả lại tiền đặt cọc. Mẹ con ông Tuấn viết giấy hứa sẽ trả lại tiền vào ngày 15/5 (không ghi rõ năm nào) và đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Theo phản ánh của ông Dũng: “Sau khi chiếm đoạt số tiền trên của tôi, ông Tuấn đã dùng để đầu tư xây dựng công trình kiếm lời”.

PV đã liên hệ với UBND phường Mũi Né xác minh nguồn gốc thửa đất mẹ con ông Tuấn ký hợp đồng bán cho ông Dũng. Cán bộ địa chính phường Mũi Né khẳng định, từ 2019 đến nay không có ai là Võ Thanh Tuấn đăng ký nộp hồ sơ làm thủ tục xin cấp GCN quyền sử dụng đất. Cũng không có người nào là Võ Thanh Tuấn đứng tên sử dụng mảnh đất nào trên sổ sách của phường. Còn bà Nguyễn Thị Ba thì có đứng tên sử dụng đất nhưng diện tích không phải 5.000m2.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ sự việc, một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận định, sự việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 174 BLHS (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

“Cấu thành tội danh này được quy định là “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”. Ở đây, thủ đoạn gian dối là hành vi dù mình không có đất nhưng vẫn lập hợp đồng bán đất “vịt trời” cho người khác. Thủ đoạn gian dối còn thể hiện ở việc vẽ tay sơ đồ đất để người mua tin tưởng. Chưa hết, sau khi bị khách hàng phát hiện và đòi lại tiền, bên bán tiếp tục có dấu hiệu lừa dối khi viết giấy cam kết trả tiền với thời hạn chung chung, hứa sẽ trả tiền vào ngày 15/5 nhưng… không rõ năm nào”, LS phân tích.   

Vẫn theo lời LS, sự việc này có dấu hiệu lừa đảo chuyên nghiệp, khi bên bán không chỉ một lần, mà bốn lần lấy tiền của ông Dũng. Theo Điều 174 BLHS, người phạm tội lừa đảo thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

LS đưa ra lời khuyên: “Trước tiên ông Dũng phải làm đơn tố cáo sự việc gửi Công an TP Phan Thiết và Công an tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là bài học cho những người mua đất. Đã có quá nhiều vụ án tương tự xảy ra, nhưng một số người mua bán vẫn không tìm hiểu kỹ về thửa đất trước khi xuống tiền, không tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch chuyển nhượng đất”. LS cũng cho rằng cơ quan chức năng Bình Thuận cần sớm vào cuộc xem xét sự việc, xử lý theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân.

Khu đất nhiều uẩn khúc

Vậy khu đất trên đứng tên ai? Đối chiếu số thửa đất, cán bộ địa chính phường Mũi Né cho biết đó là thửa đất 69 thuộc tờ bản đồ số 114 diện tích 5.000m2, nằm trong dự án titan của Cty TNHH Phú Hiệp. Đến đây uẩn khúc tiếp tục phát sinh: Khu đất khi thì được xác định là đất rừng PAM, khi thì được xác định thuộc dự án titan, vậy thực sự khu đất là của ai? PLVN sẽ tiếp tục xác minh, phản ánh sự việc.

Đọc thêm